Tìm giải pháp phát huy “giá trị kép” của di sản, di tích (19:07 23/02/2021)


HNP - Chiều 23/02, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và các sở, ngành liên quan của Thành phố về tiến độ triển khai các dự án do Trung tâm thực hiện.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị


Giáo sư Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố cùng các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong chủ trì hội nghị.
 
Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương; đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu: GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia; PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam; PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội khảo cổ học Việt Nam...; đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; lãnh đạo một số cơ quan Trung ương và một số sở, ngành Thành phố.
 
Từng bước trở thành điểm du lịch hấp dẫn
 
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Trần Việt Anh cho biết: Trung tâm hiện đang quản lý 2 khu di tích, đó là Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2009, được UNESCO công nhận Di sản Thế giới vào tháng 8/2010, có diện tích 18,353ha và Khu di tích Cổ Loa được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2012, có diện tích 860,4ha.
 
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Trần Việt Anh báo cáo tại buổi làm việc
 
Trong những năm qua, Trung tâm đã tổ chức đón tiếp, hướng dẫn tham quan nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế. Số lượng khách tham quan từ năm 2015-2019 tăng bình quân 30%/năm; đến năm 2019 đạt 724 nghìn lượt. Tỷ lệ tăng trưởng khách quốc tế đạt kết quả ấn tượng, năm 2016 là 31%, năm 2018 là 45,2% và năm 2019 đạt 57%. Mức tăng trưởng bình quân khách nội địa ước đạt 15-20%.
 
Trung tâm đã chủ động tổ chức các hoạt động trưng bày, triển lãm, các sự kiện chính trị, văn hóa, du lịch, từng bước đưa Hoàng thành Thăng Long trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, từ năm 2018, UBND Thành phố giao Sở GD&ĐT phối hợp với Trung tâm triển khai chương trình “Giáo dục di sản”, ngay trong năm học 2018-2019 đã đón hơn 120 nghìn học sinh Thủ đô tham quan, tìm hiểu, khám phá di sản Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Thành Cổ Loa.
 
Ngoài ra, để phát huy giá trị di sản, di tích, Trung tâm đã phát triển các sản phẩm mang tính đặc thù của di sản Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Thành Cổ Loa, như thể nghiệm các nghi lễ truyền thống, tổ chức các hoạt động tâm linh (Lễ hội Cổ Loa, Lễ dâng hương khai Xuân, Lễ húy nhật đức vua An Dương Vương và 52 đức vua trị vì tại Hoàng thành Thăng Long...), đồng thời, mở rộng hợp tác với các chuyên gia trong và ngoài nước đối với công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích.
 
Tuy vậy, hiện nay, Trung tâm vẫn chưa thực hiện được việc thống nhất quản lý di tích và di vật, hiện vật khảo cổ học theo cam kết với UNESCO; việc triển khai dự án tổng thể tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long và thực hiện Quy hoạch chi tiết 1/500 Khu di tích Thành Cổ Loa còn khó khăn, vướng mắc; lượng khách tham quan và nguồn thu hàng năm chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của 2 di tích, di sản...
 
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã đề xuất 12 dự án đầu tư theo thứ tự ưu tiên. Cụ thể, tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm kiến nghị đầu tư dự án bảo tồn Khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu; Dự án tu bổ, tôn tạo tường và các cổng Hành cung thời Nguyễn; giai đoạn II – Dự án chỉnh trang mặt bằng do Bộ Quốc phòng và hai hộ gia đình lão thành cách mạng bàn giao; Dự án cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật từ Đoan Môn đến Bắc Môn; Dự án tôn tạo, chỉnh trang các nhà trưng bày, nhà làm việc, nghiên cứu; Dự án tu bổ, tôn tạo các di tích Trục chính tâm, gồm di tích Đoan Môn, Hậu Lâu, Bắc Môn và dự án đầu tư, phục dựng Điện Kính Thiên.
 
Tại Khu di tích Thành Cổ Loa, Trung tâm đề xuất đầu tư 5 dự án, gồm: Dự án tu bổ, tôn tại cụm di tích Đền An Dương Vương, Giếng Ngọc; Dự án tu bổ, tôn tại cụm di tích Đình Ngự Triều Di Quý và Am Mỵ Châu; Dự án bảo tồn, tôn tạo đoạn Thành, Hào phía Tây khu di tích Cổ Loa; Xây dựng di tích tưởng niệm Ngô Quyền tại Khu di tích Cổ Loa và di dân, tái định cư phục vụ bảo tồn, tôn tạo di tích.
 
Xây dựng Khu di tích Hoàng thành Thăng Long là công viên di sản
 
Trước khi các đại biểu thảo luận, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cảm ơn, đánh giá cao sự tham gia của các đại biểu, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành cũng như UNESCO đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản, di tích. Theo Bí thư Thành ủy, Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, giao dịch quốc tế, vì vậy, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố qua các thời kỳ, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII đều hết sức coi trọng xây dựng văn hóa, con người Hà Nội, trong đó, nhấn mạnh phải phát huy giá trị văn hóa, con người thực sự là nguồn lực nội sinh, quan trọng hàng đầu, quyết định sự phát triển bền vững.
 
Quang cảnh hội nghị
 
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho rằng, trong những năm qua, Chính phủ và Hà Nội đã thực hiện tốt 7/8 cam kết với UNESCO khi Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, còn 1 cam kết đang tiếp tục thực hiện. Đồng chí đề nghị các cơ quan Thành phố, các đại biểu tập trung thảo luận, làm sáng tỏ vì sao việc nhất thể hóa quản lý di sản, di tích chưa thực hiện được; trách nhiệm của Hà Nội, của Trung ương và khi nào thực hiện được, bởi đây là tiền để để thực hiện các nhiệm vụ khác. 
 
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cũng đề nghị các đại biểu đi sâu phân tích, vì sao việc triển khai các dự án đầu tư liên quan đến Khu di tích Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa vẫn chưa đạt tiến độ và thậm chí kéo dài. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Trung tâm có 14 dự án thì mới hoàn thành 2 dự án; 2 dự án đang thực hiện và 10 dự án đang chuẩn bị đầu tư. Trong khi đó, phần lớn hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu về bảo tồn, tôn tạo, phát triển văn hóa, du lịch. Bí thư Thành ủy cho rằng phải phân tích kỹ nguyên nhân khách quan, chủ quan từ nhận thức đến chủ trương, thể chế. “Nên chăng có Ban Chỉ đạo liên ngành của Thành phố để thúc đẩy việc này”, đồng chí gợi mở. 
 
Bí thư Thành ủy cũng nhấn mạnh, tầm nhìn phát triển đến năm 2030 Khu di tích Hoàng thành Thăng Long là công viên di sản, có thể coi là khu vườn đẹp nhất Hà Nội, dành cho du khách trong và ngoài nước, vậy làm thế nào để phát huy “giá trị kép” của Hoàng thành Thăng Long, vừa bảo tồn vừa phát huy giá trị di sản, di tích để xứng tầm với những giá trị toàn cầu, nổi trội, xứng tầm với truyền thống nghìn năm văn hiến của Thủ đô.
 
Tập trung phục dựng Điện Kính Thiên và khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu
 
Theo GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, đối với Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu, trước đây đã có 25 phương án thiết kế, trong đó có 2 phương án được trao giải Nhì, Hà Nội nên chọn một phương án và bổ sung thêm một số chi tiết để xây dựng “bảo tàng ngoài trời” tại 18 Hoàng Diệu, xứng tầm với các công trình kiến trúc xung quanh và thu hút khách du lịch. Ngoài ra, Thành phố nên cử đoàn nghiên cứu Kinh thành Huế để có thêm tư liệu phục dựng Điện Kính Thiên. Đánh giá cao sự quan tâm cũng như định hướng phát triển văn hóa của Hà Nội, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu cho biết, hiện nay, di sản đã trở thành nguồn lực cho phát triển bền vững, chỉ tính riêng 8 di sản thế giới của Việt Nam trong năm 2019 đã thu hơn 3 nghìn tỷ đồng từ phí tham quan, mang lại nguồn lực rất lớn cho các địa phương.
 
GS.TSKH Lưu Trần Tiêu phát biểu tại hội nghị
 
Góp ý với Hà Nội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu cho rằng, thống nhất quản lý là vấn đề rất quan trọng, do vậy Hà Nội cần tập trung phối hợp với các đơn vị liên quan để đẩy nhanh tiến độ bàn giao phần diện tích còn lại (1,729ha) và bàn giao các di vật khảo cổ học. Về các dự án ưu tiên, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu mong muốn Hà Nội không dàn trải, mà cần tập trung 2 dự án ưu tiên, đó là khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu và phục dựng Điện Kính Thiên. Liên quan đến việc bàn giao các di vật, hiện vật khảo cổ, PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành (thuộc Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, đến năm 2025, Viện sẽ hoàn thành bàn giao toàn bộ các di vật khai quật được tại 3 khu cho Hà Nội. Tuy nhiên, trong những năm qua, Viện đều phối hợp, bàn giao hiện vật để trưng bày đến công chúng.
 
Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đánh giá cao việc duy trì và sự thành công trong hoạt động của Hội đồng tư vấn khoa học nghiên cứu, bảo tồn khu di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội, cho rằng đây là mô hình đặc biệt, là bài học cho các di sản văn hóa khác. Cùng với mô hình trên, việc duy trì sự chỉ đạo đối với việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản cho thấy Hà Nội là địa phương thực hiện nghiêm túc nhất các cam kết của Việt Nam với UNESCO. Cho rằng Khu di tích Hoàng thành Thăng Long không chỉ là di sản vật lý, mà còn là “tâm hồn” của người dân Việt Nam, đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam kiến nghị Hà Nội cần huy động sự sáng tạo, tham gia của giới trẻ trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản, thông qua đó giúp mọi người thêm hiểu, thêm yêu di tích.
 
Thành lập Ban Chỉ đạo các dự án Khu di tích Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa
 
Sau khi nghe 15 ý kiến phát biểu, kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho rằng, những kết quả đạt được trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa thời gian qua chưa tương xứng, chưa khai thác hết tiềm năng. Việc triển khai các dự án còn chậm, dàn trải, chưa đáp ứng mong muốn, kỳ vọng của nhân dân Thủ đô và cả nước. Trong các nguyên nhân thì nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, từ nhận thức của các cấp, các ngành; việc cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ, Thành phố còn chậm; công tác phối hợp liên ngành chưa tốt...
 
 Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị
 
Nhấn mạnh một số quan điểm chỉ đạo, trước hết là về nhận thức, Bí thư Thành ủy đề nghị phải tiếp tục quán triệt sâu sắc, đầy đủ hơn những chủ trương, quan điểm lớn của Đảng, Nhà nước và Thành phố đối với bảo tồn, phát huy giá trị di sản, di tích, từ đó xác định quyết tâm và trách nhiệm, không chỉ thực hiện bằng năng lực, trình độ, mà bằng cả tâm huyết, trách nhiệm; đồng thời, thấy hết được giá trị lịch sử, văn hóa to lớn của Khu di tích Hoàng thành Thăng Long cũng như Khu di tích Cổ Loa; phân tích, làm rõ những kết quả đạt được, những vấn đề còn tồn tại, hạn chế cần tháo gỡ...
 
Về công tác quản lý, bàn giao Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Bí thư Thành ủy đề nghị bám sát thông báo kết luận giữa Quân ủy Trung ương và Thành ủy Hà Nội, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Bảo tàng lịch sử Quân sự tại Tây Mỗ, Nam Từ Liêm để tiến hành di dời sang cơ sở mới. Bên cạnh đó, khẩn trương sửa chữa công trình, mua sắm thiết bị để làm nhà kho bảo quản các di vật khảo cổ sau khi tiếp nhận.
 
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ giao Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ, đề xuất chủ trương, trình phê duyệt các dự án, trong đó tập trung làm nhanh đối với dự án tại khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu và dự án phục hồi Điện Kính Thiên, bổ sung vào danh mục dự án ưu tiên, sớm triển khai đầu tư của Thành phố. “Đặt mục tiêu đến năm 2025 có làm xong hoặc cơ bản làm xong được không, nếu không quyết tâm thì 10 năm, thậm chí 20 năm cũng không làm được”, Bí thư Thành ủy nêu rõ.
 
Thống nhất với các dự án đề xuất của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Bí thư Thành ủy đề nghị cần có thứ tự ưu tiên, phân kỳ đầu tư để vừa tu bổ, tôn tạo nhưng không làm gián đoạn việc phát huy giá trị di sản. Bên cạnh việc triển khai các dự án, Bí thư Thành ủy cũng lưu ý Trung tâm cần nghiên cứu, triển khai các dự án phi công trình, như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các hoạt động giáo dục, làm phim, tổ chức các sự kiện văn hóa... để quảng bá, phát huy giá trị của di sản, di tích.
 
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cũng yêu cầu thành lập ngay Ban Chỉ đạo các dự án liên quan đến Khu di tích Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa, do Chủ tịch UBND Thành phố đứng đầu. Tiếp tục kiện toàn Hội đồng tư vấn khoa học; tăng cường năng lực cho Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội; đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế trong thực hiện nhiệm vụ này.

Nhóm PV


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t