Từ đại hội đến đại hội:


Tăng cường phát triển Đảng vào các xí nghiệp, đồn điền, hầm mỏ (09:01 17/01/2021)


HNP - Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, là sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử của cách mạng Việt Nam và của dân tộc ta. Trong chặng đường hơn 90 năm xây dựng và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sáng lập và rèn luyện đã lãnh đạo nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đỉnh cao là Cách mạng Tháng Tám năm 1945; giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975 cùng những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, vững chắc đi lên chủ nghĩa xã hội.

Chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Báo Hànộimới mở chuyên mục “Từ đại hội đến đại hội” nhằm ôn lại chặng đường vẻ vang của Đảng ta qua 12 kỳ đại hội.
 
Trải qua cao trào cách mạng 1930-1931 bị địch đàn áp, khủng bố, các đảng viên trung kiên của Đảng bắt đầu khôi phục lực lượng, đi sâu vào phong trào quần chúng. Sau một thời gian chuẩn bị, Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng đã họp tại Ma Cao (Trung Quốc) từ ngày 28 đến 31/3/1935.
 
Tham dự Đại hội có 13 đại biểu, gồm: 2 đại biểu của “Ban Chỉ huy ở ngoài”, 3 đại biểu đến từ Cao Miên, Nam Kỳ và Trung Kỳ, 1 đại biểu của Lào, 2 đại biểu của Bắc Trung Kỳ, 2 đại biểu của Bắc Kỳ, 3 đại biểu đến từ Xiêm. Đại hội do đồng chí Hà Huy Tập chủ trì, bởi lúc đó đồng chí Nguyễn Ái Quốc đang công tác ở Quốc tế Cộng sản. Đồng chí Lê Hồng Phong dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng ta đi dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII nên không tham dự Đại hội.
 
Đại hội đã thông qua một loạt nghị quyết quan trọng: Nghị quyết Chính trị; các nghị quyết về công tác quần chúng với từng đối tượng cụ thể: Công nhân, nông dân, binh lính, phụ nữ, dân tộc thiểu số, thanh niên, đội tự vệ; thông qua Điều lệ Đảng Cộng sản Đông Dương, Điều lệ của Tổng Công hội đỏ Đông Dương, Điều lệ của Đông Dương phản đế liên minh...
 
Đại hội nhận định, hệ thống tổ chức của Đảng đã được khôi phục là một thắng lợi to lớn. Các cuộc đấu tranh của quần chúng do Đảng lãnh đạo từ khi thành lập đều giành được thắng lợi ở mức độ khác nhau, khiến quần chúng công nông thêm hăng hái đấu tranh. Song, hệ thống tổ chức của Đảng chưa thật thống nhất, tổ chức cơ sở của Đảng chưa phát triển mạnh ở các vùng công nghiệp...
 
Đại hội đã đề ra 3 nhiệm vụ chủ yếu trong thời gian trước mắt của toàn Đảng.
 
Thứ nhất, củng cố và phát triển Đảng, tăng cường phát triển lực lượng Đảng vào các xí nghiệp, đồn điền, hầm mỏ, đường giao thông quan trọng, biến mỗi xí nghiệp thành một thành lũy của Đảng. Đồng thời, phải đưa nông dân và trí thức cách mạng đã trải qua thử thách vào Đảng. Phải chăm lo tăng cường các đảng viên ưu tú xuất thân từ công nhân vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng.
 
Thứ hai, đẩy mạnh cuộc vận động thu phục quần chúng. Đại hội chỉ rõ, nếu Đảng không mật thiết liên lạc với quần chúng, không được quần chúng tán thành và ủng hộ những khẩu hiệu của mình thì những nghị quyết cách mạng đưa ra vẫn chỉ là lời nói không.
 
Thứ ba, mở rộng tuyên truyền chống đế quốc, chống chiến tranh, ủng hộ Liên Xô, thành trì của cách mạng thế giới và ủng hộ cách mạng Trung Quốc...
 
Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng là một sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu thắng lợi căn bản của cuộc đấu tranh gìn giữ và khôi phục hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến cơ sở. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 13 ủy viên (9 ủy viên chính thức, 4 ủy viên dự khuyết). Đồng chí Lê Hồng Phong được tín nhiệm bầu làm Tổng Bí thư. Ban Chấp hành Trung ương nhất trí cử đồng chí Nguyễn Ái Quốc là đại biểu của Đảng bên cạnh Quốc tế Cộng sản.

Theo HNMO


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t