Tăng cường hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật (13:28 24/11/2020)


HNP - Sáng 24/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật để đánh giá tình hình trong 5 năm qua và đưa ra biện pháp nâng cao chất lượng công tác này thời gian tới. Cùng tham dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ban, ngành của Trung ương.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị


Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí: Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Lê Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP; lãnh đạo một số sở, ngành của TP.
 
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cho biết, thời gian tới, để hiện thực hóa khát vọng phát triển Việt Nam phồn vinh và hạnh phúc thì nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu chính là công tác xây dựng thể chế, pháp luật. Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2020 - 2030 đưa ra quan điểm phát triển: “Lấy hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước”, đồng thời tiếp tục xác định “hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” tiếp tục là một trong ba đột phá chiến lược.
 
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu khai mạc hội nghị
 
Theo báo cáo do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu trình bày, trong 5 năm qua, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 71 luật, 2 pháp lệnh. Chính phủ ban hành 745 nghị định, tăng 24 nghị định so với giai đoạn 2011-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành 232 quyết định; các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành 2.422 thông tư, 110 thông tư liên tịch; ở địa phương ban hành tổng số 92.799 văn bản.
 
Trong thời gian vừa qua, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật vẫn còn hạn chế, bất cập.
 
Báo cáo của Bộ Tư pháp cũng nêu rõ, trong giai đoạn 2016-2020, hệ thống pháp luật của nước ta không ngừng được hoàn thiện. Hệ thống pháp luật phát triển cơ bản cân đối trên mọi lĩnh vực. Chất lượng của hệ thống pháp luật có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ. Công tác thi hành pháp luật đã được các cấp uỷ đảng, chính quyền quan tâm thực hiện và đạt được những thành quả bước đầu.
 
Cuộc chiến chống tham nhũng thu được nhiều thành tựu nổi bật. Việc kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc về tham nhũng kinh tế đồng bộ, hiệu quả, tạo bước đột phá trong phát hiện, xử lý nghiêm sai phạm, có sức cảnh báo, răn đe mạnh mẽ, siết chặt kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước. Việc này khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai"...
 
Trình bày tham luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho biết, triển khai Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội Khóa 14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, TP đã rà soát và kiến nghị, đề xuất xem xét sửa đổi một số văn bản của Trung ương và TP nhằm thực hiện có hiệu quả thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Công tác tổ chức thi hành pháp luật nói chung, trong đó có việc phổ biến, giáo dục pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật được Thành phố coi trọng, có đổi mới về nội dung, phương pháp tổ chức thực hiện. Công tác phổ biến giáo dục pháp luật được thực hiện đa dạng và đổi mới theo hướng hiện đại đã góp phần từng bước nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô.
 
Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho rằng, những kết quả đạt được trong công tác hoàn thiện thể chế và tăng cường tổ chức thi hành pháp luật thời gian qua đã có những đóng góp tích cực vào thành tựu chung của Thủ đô về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, là tiền đề quan trọng để Thủ đô tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới.
 
Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị
 
Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ 17 đã xác định “Tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị” là một nội dung quan trọng trong các khâu đột phá để thực hiện thắng lợi những mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô. Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho biết: trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật; xác định rõ các định hướng, giải pháp có tính chiến lược để thể chế đi trước, mở đường cho các đột phá về kinh tế-xã hội, hạ tầng xã hội, phát triển con người và đổi mới, sáng tạo. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 2013 (sửa đổi năm 2020) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thực hiện tốt việc phân tích, đánh giá tác động của chính sách, văn bản pháp luật ngay từ trong quá trình xây dựng; đảm bảo tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là trách nhiệm giải trình trong công tác tổ chức thi hành pháp luật. Nâng cao chất lượng tổ chức thi hành pháp luật, trong đó, xác định rõ trách nhiệm, nguồn lực, tiến độ, hiệu quả của từng nội dung công việc cụ thể.
 
Bên cạnh đó, TP Hà Nội cũng sẽ tiếp tục quán triệt thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Xác định đây là một bộ phận của công tác chính trị, tư tưởng và là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Tăng cường tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện và tổ chức để nhân dân tích cực, chủ động tham gia xây dựng, hoàn thiện thể chế và đánh giá, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thi hành pháp luật bằng các hình thức phù hợp, thiết thực, nhằm tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trong tổ chức thi hành pháp luật.
 
Nhân dịp này, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh đề nghị Chính phủ sớm báo cáo Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong giai đoạn tiếp theo phù hợp với điều kiện, mục tiêu phát triển đất nước. Kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật; chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật; phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời mọi hành vi vi phạm pháp luật. Đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các ban, bộ, ngành Trung ương quan tâm phối hợp với Bộ Tư pháp, UBND TP Hà Nội trong việc xây dựng và trình Quốc hội Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)…
 
Cũng trong chương trình làm việc, hội nghị nghe tham luận của các cơ quan của Quốc hội, ban, bộ, ngành Trung ương, cơ quan, đơn vị về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và thẩm tra, chỉnh lý các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vấn đề thực hiện phản biện xã hội trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả công tác thi hành pháp luật; phối hợp trong xây dựng pháp luật và kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới cũng được các bộ ngành, địa phương cho ý kiến.
 
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc xây dựng hoàn thiện thể chế pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, xử lý kịp thời, hiệu quả, có tính bền vững cao đối với các vấn đề thực tiễn phát triển của đất nước. Trên tinh thần đó, sau hội nghị này, trên cơ sở các đề xuất, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, Chính phủ sẽ ban hành Chỉ thị với những đánh giá đầy đủ và đưa ra những giải pháp toàn diện để tăng cường hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như hiệu quả công tác thi hành pháp luật trong thời gian tới.
 
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải trực tiếp chỉ đạo, tập trung các nguồn lực, bảo đảm tiến độ, hiệu quả chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, cũng như các văn bản quy định chi tiết thi hành; xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng văn bản pháp luật. Các ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội phối hợp với Chính phủ ngay từ giai đoạn đầu trong công tác xây dựng pháp luật; tăng cường hoạt động giám sát đối với việc xây dựng và thi hành pháp luật, kịp thời phát hiện những nội dung trái pháp luật, những vi phạm trong thi hành pháp luật để kiến nghị các biện pháp xử lý phù hợp.
 
Quá trình triển khai, Bộ Tư pháp đóng vai trò "nhạc trưởng" trong xây dựng, gác cổng pháp luật. Tiếp tục rà soát hoàn thiện công tác tổ chức thi hành pháp luật và kiến nghị xử lý nghiêm các vi phạm. Hàng tháng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ công khai các đơn vị nợ đọng các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu bổ sung các điều kiện để kiện toàn lực lượng làm công tác pháp chế, chống tham nhũng trong làm chính sách.

Huy Kiên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t