Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố lấy ý kiến góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng (14:04 09/11/2020)


HNP - Sáng 9/11, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng của các nhà nghiên cứu, các tổ chức thành viên, thành viên các Hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ Thành phố, đại diện MTTQ Việt Nam Thành phố 04 quận. Đồng chí Nguyễn Lan Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội chủ trì hội nghị.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương phát biểu tại Hội nghị


Đóng góp tại hội nghị, hầu hết các ý kiến đều nhận xét Dự thảo văn kiện Đại hội được chuẩn bị công phu và chu đáo, ngoài Báo cáo chính trị còn có báo cáo chuyên đề và chuyên sâu có số liệu cụ thể, vừa cập nhật các dữ liệu mới, đảm bảo tính chân thực, khách quan. Các dự thảo có bố cục hợp lý, nội dung khái quát được những thành tựu nổi bật. Phần kiểm điểm đánh giá thực trạng toàn diện, thẳng thắn, phản ánh được thành tựu và chỉ ra khá rõ các tồn tại, hạn chế. Bên cạnh đó, đã tập hợp đầy đủ trên từng lĩnh vực cụ thể, có nhận xét ưu khuyết điểm và giải pháp trong tình hình mới.
 
Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Phạm Ngọc Thảo đóng góp ý kiến tại hội nghị

Đồng chí Phạm Ngọc Thảo, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật cho rằng trong công tác xây dựng Đảng và sự lãnh đạo của Đảng, điểm mạnh đó là Bộ Chính trị và Trung ương Đảng đã phát huy được vai trò là trung tâm đoàn kết, có chủ trương đúng đắn, kịp thời lãnh đạo nhân dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, theo đồng chí việc học tập và vận dụng kinh nghiệm ở nước ngoài có lúc, có nơi chưa phù hợp, gây bức xúc, cần được Đảng, Quốc hội, Chính phủ rút kinh nghiệm sâu sắc. Đồng chí cũng chỉ ra cấp ủy nhiều nơi chưa đảm bảo dân chủ, công bằng, như: công tác bổ nhiệm cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát tuy được tăng cường nhưng mới mạnh ở Trung ương, ở các địa phương vẫn còn yếu kém; việc xử lý vi phạm ở các địa phương còn kéo dài, né tránh và chuyển sang vị trí công tác khác.

Đồng chí đề nghị bổ sung về tầm nhìn phát triển, đánh giá đúng thực chất các mối quan hệ quốc tế để có quan điểm, chính sách, phương thức, tránh bị lợi dụng, lệ thuộc, đảm bảo thực sự quyền tự chủ về kinh tế, giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia. Về quan điểm chỉ đạo, đề nghị thay cụm từ “bồi dưỡng sức dân” bằng cụm từ: “nâng cao thu nhập, mức sống và chất lượng cuộc sống của nhân dân, đảo bảo người dân thực sự ấm no”.

Về các chỉ tiêu, đồng chí góp ý chỉ tiêu tăng trưởng GDP theo đầu người dự kiến còn thấp, không tương xứng với tốc độ bình quân của kinh tế và tình hình chung. Đồng thời, kiến nghị sửa Luật Mặt trận và ban hành một số luật kèm theo để Mặt trận phát huy tốt vai trò. Bên cạnh đó, cần đổi mới phương thức xây dựng văn bản Luật, triển khai ngay các văn bản hướng dẫn để các Luật sớm đi vào cuộc sống.
 
Đồng chí Lê Văn Hoạt đóng góp ý kiến
 
Đồng chí Lê Văn Hoạt, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ Pháp luật góp ý Dự thảo các văn kiện còn dài, nhiều nội dung trùng lặp. Đồng chí đề nghị nên viết cô đọng, ngắn gọn, tập trung, khái quát được những thành tựu nổi bật và đặc biệt là những tư tưởng chỉ đạo để cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân dễ đọc, dễ nhớ. 

Đồng chí cũng lưu ý đến công tác quản lý mạng xã hội để khai thác lĩnh vực này phát triển đất nước trong tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước, mở rộng dân chủ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; cần có cách nhìn mới hơn về văn hóa và nhấn mạnh sự phát triển của văn hóa trong tình hình hiện nay. Đặc biệt, cần phát huy dân chủ, công khai và tăng cường đối thoại để tăng niềm tin của nhân dân. Việc tăng cường công khai, minh bạch cũng là bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống tham nhũng của đảng ta trong thời gian qua.
 
Đồng chí Đinh Hạnh phát biểu ý kiến đóng góp

Đồng chí Đinh Hạnh, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Kinh tế cho rằng hiện nay một số tập đoàn kinh tế tư nhân đang nắm giữ trong tay nhiều nguồn lực tài nguyên lớn của đất nước, do đó, cần đưa ra một số giải pháp căn cơ, cụ thể để khu vực kinh tế quốc doanh đóng góp có hiệu quả hơn vào nền kinh tế đất nước. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu phân phối thu nhập tiền lương công bằng, hợp lý giữa các thành phần kinh tế (đánh giá cụ thể, công bằng và đầy đủ hơn) để tạo công bằng xã hội
 
Đồng chí cũng kiến nghị sớm nghiên cứu, đổi mới, hoàn thiện xây dựng thể chế Đảng cầm quyền, đổi mới về nguyên lý, hệ thống tổ chức trong các cơ quan tổ chức của Đảng, hệ thống các cơ quan lập pháp, tư pháp, hành pháp…sao cho thực chất và hiệu quả; cần xem lại các quy chế tổ chức cán bộ và đánh giá đậm nét, nêu 3 nguyên nhân chính quyết định mọi thắng lợi của Đảng, nhà nước ta trong thời gian qua.
 
Đồng chí Phạm Lợi đóng góp ý kiến tại hội nghị
 
Đồng chí Phạm Lợi, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa Xã hội góp ý nội dung về công tác xây dựng Đảng cần bổ sung thêm cụm từ “sức chiến đấu của Đảng” - đây là yêu cầu tất yếu bởi năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu là hai mặt hợp thành để Đảng ta hoàn thành nhiệm vụ đảng cầm quyền. Nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng là yêu cầu khách quan hiện nay. Hiện nay, sức chiến đấu của nhiều tổ chức đảng giảm sút, nhất là trong công tác chống tham nhũng, tiêu cực. Để nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, đồng chí đề nghị quan tâm 3 vấn đề: Thứ nhất, đánh giá, xếp loại tổ chức đảng và đảng viên phải thực chất; Thứ hai là công tác sinh hoạt đảng tại chi bộ; Thứ ba là công tác cán bộ.

Đồng chí Ngô Hữu Thảo, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân tộc - Tôn giáo góp ý cần chú ý đổi mới hệ thống chính trị nhằm đảm bảo mối quan hệ hữu cơ giữa các tổ chức, bộ máy; Nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong đảng; chú trọng công tác dân vận trong đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng tôn giáo và kiều bào ở nước ngoài.
 
Đảng, Nhà nước cần nhanh chóng cụ thể hóa các tư tưởng, quan điểm của Đảng, Nhà nước thành thể chế về tín ngưỡng, tôn giáo; nâng cao nhận thức của toàn xã hội, của đảng viên về tôn giáo, quyền tự do và chính sách pháp luật về tôn giáo; giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trong thời đại mới; cần nhận thức đúng về các nguyên nhân sử dụng tài nguyên kém hiệu quả, gây ảnh hưởng môi trường.
 
Đồng chí Nguyễn Chí Mỳ phát biểu tại hội nghị
 
Đồng chí Nguyễn Chí Mỳ, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa Xã hội nhận xét dấu ấn của 5 năm còn chưa rõ, do đó, để ghi đậm thêm dấu ấn trong nhiệm kỳ 5 năm tới, nên bổ sung thêm, phấn đấu đến hết nhiệm kỳ là nước đang phát triển, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đồng chí cũng nhấn mạnh phải lấy văn hóa làm điểm tựa, trung tâm, làm nguồn lực cho xây dựng các chiến lược quốc gia.
 
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương phát biểu kết luận Hội nghị
 
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương trân trọng cảm ơn các ý kiến đóng góp của các đại biểu đối với công tác Đại hội Đảng, thông qua 11 ý kiến và 28 bài, MTTQ TP sẽ tổng hợp chuyển đến các bộ phận tiếp thu. Đồng chí nhận xét các ý kiến đóng góp trên tinh thần thẳng thắn và có sự chuẩn bị kỹ, công phu, toàn diện thể hiện sự quan tâm, tin tưởng của các đại biểu đối với công tác lãnh đạo của Đảng, nhà nước, sự đồng thuận trong xã hội, nhân dân trong quá trình tổ chức Đại hội Đảng; phản ánh ý chí của nhân dân và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân.

Trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Lan Hương đề nghị các đại biểu tiếp tục tham gia ý kiến góp ý chung vào Văn kiện hoặc một trong những vấn đề các đại biểu thật sự tâm đắc, tâm huyết để hoàn thiện văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII. Bằng nhiều kênh góp ý khác nhau, nhất là ý kiến trực tiếp của các cá nhân, các đại biểu lựa chọn hình thức phù hợp tiếp tục tham gia xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII để phản ánh được thực tiễn cuộc sống, để văn kiện thực sự là kết tinh trí tuệ của toàn dân.

Vương Vân


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t