Tạo chuyển biến rõ nét trong kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền Thành phố (17:30 12/10/2020)


HNP - Chiều 12/10, tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII, Đảng bộ Thành phố Hà Nội, đồng chí Vũ Thu Hà, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ đã trình bày tham luận về “Kinh nghiệm sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương (khóa XII)”.

Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà trình bày tham luận tại Đại hội


Giám đốc Sở Nội Vụ Vũ Thu Hà cho biết: Hà Nội có số lượng đầu mối tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ lớn nhất cả nước: 54 cơ quan hành chính, 2.787 đơn vị sự nghiệp, 584 xã, phường, thị trấn, 7.968 thôn, tổ dân phố, tổng biên chế hành chính, sự nghiệp là 153.875 biên chế. 
 
Qua 2,5 năm thực hiện Nghị quyết 18, 19-NQ/TW và 05 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, công tác kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền Thành phố đã khắc phục cơ bản tình trạng bộ máy cồng kềnh, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, hoạt động kém hiệu quả; tổ chức bộ máy gọn nhẹ và hiệu quả hơn, tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét; được bình chọn là một trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô trong giai đoạn 2015 - 2020. Đến nay, có thể nói, Hà Nội là một trong địa phương đầu tiên hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18/NQ-TW, 19-NQ/TW gắn với thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, được Trung ương và dư luận đánh giá cao. 
 
Về kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Thành phố đã đạt được một số kết quả nổi bật:
 
Thứ nhất, tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế: đã giảm 01 cơ quan hành chính cấp Sở, 02 chi cục, 03 phòng chuyên môn cấp huyện; giảm 65 phòng thuộc Sở (29%) từ 224 phòng xuống còn 159 phòng; Giảm 290 đơn vị sự nghiệp công lập (giảm 10,4%) từ 2.787 đơn vị xuống còn 2.497 đơn vị. Đặc biệt, thực hiện Luật Xây dựng năm 2014 và Nghị định số 59/2015/NĐ-CP của Chính phủ, sắp xếp xong 70 BQL dự án đầu tư xây dựng thuộc Thành phố (với quy mô lớn 2.110 người) thành 05 BQL dự án chuyên ngành trực thuộc UBND Thành phố, 03 BQL Duy tu thuộc Sở, 03 BQL dự án đặc thù và 30 BQL dự án khu vực thuộc Quận, huyện, thị xã, tổng giảm 29 đơn vị (giảm 41,4%). Giảm 05 đơn vị hành chính cấp xã, từ 584 xuống còn 579; giảm 2.708 thôn tổ dân phố (giảm 34%), từ 7.968 xuống còn 5.260 thôn, tổ, dân phố. Giảm 65 Trưởng phòng, 116 Phó trưởng phòng cơ quan hành chính, 290 thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập. Giảm 18.403 biên chế CC, VC; giải quyết nghỉ tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP cho 1.172 đối tượng.
 
Nhiều cách làm hay của Hà Nội đã được Trung ương ghi nhận và cụ thể hóa để nhân rộng như: sáp nhập 03 đơn vị Trung tâm văn hóa, Trung tâm thể thao, Đài truyền thanh cấp huyện; sáp nhập 02 đơn vị Trung tâm Y tế và Trung tâm DS-KHHGĐ cấp huyện; sáp nhập 02 đơn vị Ban bồi thường GPMB và Trung tâm phát triển quỹ đất cấp huyện và giao UBND quận, huyện, thị xã quản lý. Thành phố cũng đã chủ động, sáng tạo, đề xuất các mô hình mới: thí điểm thành lập Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị cấp huyện trên cơ sở tổ chức lại các Đội Thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã thuộc.
 
Theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và 19-NQ/TW, đến năm 2021, giảm đầu mối bên trong, giảm số lượng đơn vị sự nghiệp, giảm biên chế tối thiểu 10% so với năm 2015. Đến nay, Thành phố hoàn thành vượt chỉ tiêu về giảm số phòng thuộc Sở (29%), giảm số đơn vị sự nghiệp công lập (10,4%), giảm thôn, tổ dân phố (34%). Hoàn thành chỉ tiêu giảm 10% biên chế công chức. Tiết kiệm ngân sách chi lương đối với 18.403 biên chế, chi phụ cấp chức vụ đối với 471 lãnh đạo quản lý. Bộ máy hoạt động tinh gọn, giảm nhiều khâu trung gian, giải quyết kịp thời nhu cầu người dân và doanh nghiệp.
 
Thứ hai, chuẩn hóa chức năng, nhiệm vụ cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Sau khi rà soát sắp xếp tổ chức bộ máy, Thành phố tiến hành quy định lại chức năng, nhiệm vụ của 23 Sở, 12 phòng chuyên môn cấp huyện và toàn bộ đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng quy định tại Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ, ngành; khắc phục sự chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ, phù hợp với điều kiện tự nhiên, dân số, tình hình phát triển KT-XH của Thành phố. 
 
Thứ ba, hoàn thành phê duyệt đề án vị trí việc làm. Sau gần 3 năm triển khai đề án vị trí việc làm, toàn Thành phố đã có 646 trường hợp phải thay đổi theo vị trí việc làm. Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị thực hiện tuyển dụng CC, VC theo đúng khung năng lực xây dựng; công tác bổ nhiệm, nâng ngạch, thăng hạng, đào tạo, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật... đúng theo vị trí việc làm, bước đầu đã phát huy được trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và sở trường công tác của từng cán bộ; công tác tham mưu chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị được nâng cao.
 
Thứ tư, ban hành kịp thời các Quy chế, quy trình thủ tục giải quyết công việc. Sau kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại các phòng, ban, Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt việc rà soát, hoàn thiện nội quy, quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ, quy trình giải quyết công việc, TTHC bảo đảm thống nhất, đồng bộ và phù hợp với đặc điểm, tình hình của cơ quan, đơn vị. 
 
Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Sở Nội vụ đề xuất cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau: Một là, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 18-NQ/TW, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc tổ chức, sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CB, CC, VC. Thường xuyên nắm bắt, làm tốt công tác tư tưởng trong đội ngũ CB, CC, VC, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý để từ đó lan tỏa tới từng cơ quan, đơn vị và trong toàn hệ thống chính trị.
 
Hai là, Triển khai có hiệu quả thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội theo Nghị quyết số 91/2019/QH14, ngày 21/11/2019, của Quốc hội, tạo sự chuyển biến rõ nét trong quản lý, điều hành của Thủ đô, thực sự hướng tới người dân và doanh nghiệp.

Ba là, Tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị định số 101/2020/ NĐ-CP và Nghị định số 108/2020/NĐ-CP, ngày 14/9/2020, của Chính phủ; rà soát trùng chéo chức năng, nhiệm vụ, đặc biệt ở các nhiệm vụ phức tạp, giao thoa, khó phân định giữa các cơ quan, đơn vị. Tập trung các giải pháp đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập, đây là nội dung quyết định đến khả năng có tiếp tục giảm biên chế sự nghiệp được 10% giai đoạn 2021 - 2025. Bốn là, Đẩy mạnh công tác CCHC, đơn giản đến mức tối đa cácTTHC  liên quan, chuẩn hóa quy trình giải quyết công việc; nâng cao dịch vụ công mức độ 3 và 4 để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
 
Năm là, Tập trung điều chỉnh, phê duyệt đề án vị trí việc làm trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp theo Nghị định số 62/2020/NĐ-CP, ngày 01/6/2020 và Nghị định số 106/2020/NĐ-CP, ngày 10/9/2020, của Chính phủ, trên cơ sở danh mục khung vị trí việc làm được Bộ Chính trị thông qua và hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Bộ quản lý chuyên ngành. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn quản lý, để đề án vị trí việc làm thực sự phát huy tối đa hiệu quả.
 
Sáu là, Đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ: chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng; đổi mới công tác tuyển dụng; nâng cao chất lượng đánh giá CC, VC; tăng cường kỷ cương, kỷ luật lao động; thực hiện thanh tra, kiểm tra công vụ thường xuyên và đột xuất. Xác định chất lượng nguồn nhân lực của Thủ đô phải là yếu tố hàng đầu quyết định đến hiệu quả công tác tham mưu tại tất cả các ngành, lĩnh vực.
 
Rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài, đã, đang và sẽ có vai trò quyết định tới sự thành công của công cuộc CNH-HĐH và hội nhập quốc tế của Thủ đô, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII đề ra.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t