Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2-9 (15:32 01/09/2020)


HNP - Cùng với sự phát triển chung của đất nước, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng, truyền thống anh dũng đi đầu trong Cách mạng Tháng 8, nhân dân Thủ đô luôn đoàn kết, xây dựng Thủ đô “ngày càng đàng hoàng hơn to đẹp hơn”, thực hiện lời Bác Hồ căn dặn phải làm sao để “Thủ đô Hà Nội phải là Thành phố gương mẫu”.

75 năm trước, Cách mạng tháng 8 đã thắng lợi, ghi dấu một sự kiện vĩ đại trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta tại mảnh đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đã nhất tề đứng lên tiến hành cuộc Cách mạng Tháng 8 vĩ đại, lật đổ chế độ thực dân phong kiến và phát xít Nhật. Tại thủ đô Hà Nội, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội với khí thế ngút trời, đoàn kết một lòng, chủ động mưu trí, sáng tạo, dũng cảm vùng lên giành chính quyền thắng lợi vào ngày 19/8/1945. Cách mạng Tháng 8 thắng lợi ở Hà Nội đã góp phần quyết định vào thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa và thiết lập chính quyền nhân dân trong phạm vi cả nước.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một chính thể dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á, chấm dứt chế độ phong kiến ở Việt Nam, kết thúc hơn 80 năm ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội.

Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9 đã chấm dứt hơn 80 năm dân tộc ta dưới ách đô hộ của chế độ thực dân phong kiến, đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới kỷ nguyên Độc lập - Tự do và Chủ nghĩa xã hội.

Trên chặng đường 75 năm qua, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, dân tộc ta đã vượt qua biết bao khó khăn thử thách hiểm nghèo vừa bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng 8 vừa thực hiện trọn vẹn khát vọng độc lập, tự do, thống nhất tổ quốc.

Đó là công cuộc trường kỳ kháng chiến gian khổ “quyết tử để tổ quốc quyết sinh”, làm nên chiến công Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Đó là, với ý chí sắt đá “Không có gì quý hơn độc lập - tự do” cả nước “hành quân”. Kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược với đại thắng mùa Xuân 1975 “Đánh cho Mỹ, đánh cho Ngụy nhào”, thu non sông về một mối.

Phát huy tinh thần của Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9 bất diệt, Đảng, nhà nước và nhân dân ta lại lập nên những kỳ tích trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN, đặc biệt, trong khôi phục và phát triển kinh tế. Giai đoạn 1945 - 1954 là giai đoạn đầu tiên xây dựng chế độ kinh tế mới ở Việt Nam và là giai đoạn khó khăn nhất. Cùng với nhiệm vụ thực hiện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chúng ta đã thực hiện chuyển nền kinh tế tàn tích thực dân, phong kiến và thấp kém thành nền kinh tế dân chủ, độc lập phục vụ nhu cầu kháng chiến và kiến quốc.

Giai đoạn 1955 - 1975 đất nước bị chia cắt, do vậy, nền kinh tế của hai miền cũng khác nhau. Kinh tế miền Bắc giai đoạn 1955 - 1975 thực hiện nhiều nhiệm vụ: thời kỳ 1955-1957 là thời kỳ khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, tiếp tục hoàn thành cải cách ruộng đất, tạo cơ sở kinh tế và chính trị vững chắc đưa miền Bắc tiến lên Chủ nghĩa xã hội; thời kỳ 1958 - 1960 thực hiện nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa nền kinh tế; thời kỳ 1961 - 1975 thực hiện đường lối phát triển kinh tế trong bối cảnh miền Bắc có chiến tranh. Còn nền kinh tế miền Nam, từ năm 1945 đến năm 1975, phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ Mỹ nhưng hết sức yếu ớt, trống rỗng.

Giai đoạn 1976 - 1985, Tổ quốc thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, công cuộc cải tạo, xây dựng và phát triển kinh tế trở thành nhiệm vụ hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân ta. Nhân dân sôi nổi thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976 - 1980) và kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981 - 1985). Mặc dù đạt được một số thành tựu nhưng nhìn chung nền kinh tế nước ta thời kỳ trước đổi mới có nhiều hạn chế, thậm chí có những dấu hiệu khủng hoảng.

Từ năm 1986, thực hiện đường lối đổi mới đất nước, chúng ta đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng. Đến năm 1995, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm (1991 - 1995) hoàn thành vượt mức, sự nghiệp đổi mới đã đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo được những tiền đề cần thiết để chuyển sang thời kỳ phát triển mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của 10 năm 1990 - 2000 đạt 7,5%.

Giai đoạn 2006 - 2010, nền kinh tế nước ta vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng nhanh, nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 7%. Quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2010 đạt 101,6 tỉ USD (gấp 3,26 lần so với năm 2000).

Giai đoạn 2011 - 2020, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định vững chắc, lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức thấp tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt bình quân 5,9%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 6,8%/năm.

Kinh tế 6 tháng đầu năm 2020 diễn ra trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của các quốc gia trên thế giới, trong đó có nước ta, GDP 6 tháng đầu năm 2020 của nước ta vẫn đạt mức tăng trưởng dương, tăng 1,81%. Trong bối cảnh chung của thế giới và khu vực, kết quả đạt được thể hiện sự nỗ lực lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Cùng với sự phát triển chung của đất nước, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng, truyền thống anh dũng đi đầu trong Cách mạng Tháng 8, nhân dân Thủ đô luôn đoàn kết, xây dựng Thủ đô “ngày càng đàng hoàng hơn to đẹp hơn”, thực hiện lời Bác Hồ căn dặn phải làm sao để “Thủ đô Hà Nội phải là Thành phố gương mẫu”.


Phạm Quốc Bản


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t