Xây dựng Chính phủ điện tử: Đáp ứng xu thế phát triển của thế giới, phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam (20:03 26/08/2020)


HNP - Chiều 26/8, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT) đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các Ban chỉ đạo xây dựng CPĐT bộ, ngành và Ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử 63 tỉnh, thành phố.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị


Dự tại điểm cầu thành phố Hà Nội có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, sau hơn 8 tháng hoạt động, đến nay Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp 1.039 dịch vụ công trực tuyến/6.842 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền. Cổng Dịch vụ công quốc gia nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân, doanh nghiệp, đã đạt trên 60 triệu lượt truy cập, trên 235.000 tài khoản đăng ký; hơn 15 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 295.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến trên Cổng; tiếp nhận, hỗ trợ trên 24.000 cuộc gọi và 7.800 phản ánh, kiến nghị. Từ tháng 3/2020, hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia được đưa vào vận hành, đến nay đã có 9.000 giao dịch, riêng trong tháng 8/2020 có trên 3 nghìn giao dịch với số tiền khoảng 5 tỷ đồng.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hàng năm, các địa phương chi ngân sách trung bình khoảng 0,3% dành cho công nghệ thông tin, như vậy là còn thấp và Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất, con số này phải tăng lên ít nhất 1%.

Các đại biểu dự tại điểm cầu thành phố Hà Nội

Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Thành phố tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng Chính quyền điện tử, từng bước xây dựng Thành phố thông minh như: xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố Hà Nội theo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0; Đề án “Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Chương trình Chuyển đổi số thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình mục tiêu Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông; Xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi và chuyên ngành; Đẩy mạnh Ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động điều hành nội bộ, Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Tính đến hết tháng 7/2020, tổng số DVC TT mức 3, 4 của Thành phố đang cung cấp cho người dân và doanh nghiệp là 1.671 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 100%. Hoàn thành tích hợp, kết nối 249/249 DVC TT của Thành phố lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Đáng chú ý, trước diễn biến của dịch Covid-19, thành phố Hà Nội đã triển khai Cổng thông tin thành phố - Hà Nội Smart City để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, giúp người dân Thủ đô nắm bắt kịp thời, chính xác thông tin về tình hình diễn biến dịch bệnh. Ứng dụng Cổng thông tin thành phố - Hà Nội Smart City cung cấp tính năng “Phản ánh” tiếp nhận kiến nghị về y tế (về người nghi nhiễm, thông tin vi phạm phòng, chống dịch Covid-19) và tích hợp các ứng dụng dùng chung, thông minh của thành phố Hà Nội để phục vụ người dân và doanh nghiệp (môi trường, giao thông, giáo dục, an ninh…).

Cùng với đó, Thành phố cũng tiếp tục triển khai các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực CNTT cho Thành phố; Đảm bảo an toàn thông tin mạng…

Cũng tại Hội nghị, một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, cách làm về Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá những kết quả tích cực trong xây dựng Chính phủ điện tử thời gian qua, như: xây dựng các ứng dụng vào công tác phòng chống dịch Covid-19; Các nền tảng điện tử được phát triển nhanh, tăng đột biến với hơn 3 lần; các hệ thống an toàn thông tin tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ; các dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được phát triển…

Nhắc đến các tồn tại về môi trường pháp lý; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 còn thấp; một số cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng cơ sở dữ liệu còn chậm; chưa đầu tư đúng mức cho an toàn an ninh mạng; triển khai chuyển đổi số quốc gia ở các địa phương chưa được mạnh mẽ…, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, việc xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử phải làm nhanh hơn, không thể chậm trễ hơn nữa.

Nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành tham mưu hoàn thiện thể chế, chiến lược xây dựng Chính phủ điện tử, đảm bảo đáp ứng xu thế phát triển của thế giới, phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam. "Các bộ, ngành, địa phương phải đặt mục tiêu đến hết năm 2020 đạt 30% về cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Bộ TT&TT tổng hợp kết quả từng tỉnh, bộ để đánh giá, triển khai. Khẩn trương hoàn thành việc tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Chúng ta phải làm đến nơi, đến chốn công tác này” - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.

Giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành liên quan, Thủ tướng yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai các Đề án thành phần để thúc đẩy Chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Bộ Công an tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để bảo đảm tiến độ đưa vào khai thác, vận hành trước tháng 7/2021, cung cấp dữ liệu cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa giấy tờ công dân.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương khuyến khích, hỗ trợ để các doanh nghiệp, bạn trẻ có điều kiện tham gia xây dựng sáng kiến, sáng chế, đề xuất, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử ngày càng hiệu quả.


Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t