Công bố Điểm du lịch Bát Tràng, huyện Gia Lâm (09:05 10/10/2019)


HNP - Tối 9/10, UBND huyện Gia Lâm tổ chức lễ đón nhận quyết định và công bố Điểm du lịch Bát Tràng. Dự buổi lễ có các đồng chí: Vũ Đức Bảo, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy; Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND Thành phố và đông đảo nhân dân huyện Gia Lâm.

Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý trao quyết định công nhận Điểm du lịch Bát Tràng


Tại buổi lễ, Giám đốc Sở Du lịch Trần Đức Hải đã công bố Quyết định 3936/QĐ-UBND, ngày 23/7/209, của UBND TP Hà Nội, công nhận xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội là Điểm du lịch. Thay mặt lãnh đạo Thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý đã trao Quyết định công nhận Điểm du lịch cho đại diện xã Bát Tràng và huyện Gia Lâm.
 
Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý phát biểu tại buổi lễ
 
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho biết: Những năm qua, thành phố Hà Nội luôn được đánh giá là điểm đến an toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Nhiều báo chí và tổ chức du lịch quốc tế đã đánh giá và xếp hạng về du lịch Hà Nội. Đặc biệt, năm 2018, 2019, tổ chức Du lịch Thế giới đã đề cử Thành phố Hà Nội vào hạng mục bình chọn là điểm đến Thành phố hàng đầu Thế giới.

Trong những kết quả chung đó, có sự đóng góp của điểm du lịch Bát Tràng. Căn cứ các tiêu chí, quy định của nhà nước, năm 2019, UBND Thành phố quyết định công nhận điểm du lịch Bát Tràng là 1/13 điểm du lịch đã được công nhận của Thành phố. 

Để xây dựng điểm du lịch Bát Tràng chất lượng cao, phát triển bền vững, là địa chỉ tin cậy, yêu thích của du khách trong nước và quốc tế, trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Gia Lâm, xã Bát Tràng cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền sâu rộng tới các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, nghệ nhân về ý nghĩa của việc công nhận Bát Tràng là điểm du lịch, để nhân dân chủ động, tự giác và tích cực tham gia trong công tác phát triển du lịch; đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, làm đẹp cảnh quan, thực hiện ứng xử văn minh nơi công cộng và hoạt động du lịch. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, quảng bá thương hiệu du lịch Bát Tràng; hoàn thiện phương án quản lý, khai thác; thu hút các doanh nghiệp đầu tư cho các tuyến, điểm và hoạt động du lịch tại địa phương.

Cùng với đó, UBND huyện Gia Lâm khẩn trương phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các đơn vị liên quan sớm tổng hợp ý kiến cộng đồng dân cư về quy hoạch chi tiết làng nghề Bát Tràng trình UBND Thành phố xem xét, phê duyệt. Tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống làng nghề Bát Tràng gắn với phát triển du lịch; xây dựng điểm du lịch Bát Tràng có môi trường văn minh sạch đẹp an toàn, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của du lịch.

UBND xã Bát Tràng có giải pháp khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề gốm sứ Bát Tràng không ngừng sáng tạo, đổi mới, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng, phong phú, hấp dẫn, chất lượng phục vụ du khách trong nước và quốc tế khi đến với Bát Tràng.
 
Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý cũng giao Sở Du lịch có trách nhiệm tuyên truyền quảng bá du lịch Bát Tràng; hướng dẫn, kết nối các doanh nghiệp du lịch với địa phương, xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, có nhiều sự lựa chọn cho du khách; phát triển mô hình Du lịch thông minh, ứng dụng CNTT tạo ra những sản phẩm du lịch theo hướng hiện đại gắn với các hoạt động truyền thống.

Phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử của làng nghề truyền thống, đồng chí tin tưởng, trong thời gian tới, làng nghề truyền thống Bát Tràng ngày càng phát triển vững mạnh, Bát Tràng thực sự là điểm du lịch hấp dẫn của Thủ đô, của du khách trong nước và quốc tế.
 
Các đại biểu nhấn nút khởi động Cổng thông tin điện tử và Apps du lịch Bát Tràng
 
Cũng tại buổi lễ, UBND huyện Gia Lâm đã tổ chức nhấn nút khởi động Cổng thông tin điện tử và Apps du lịch Bát Tràng giúp du khách có thể tham quan và trải nghiệm các sản phẩm du lịch trên không gian mạng, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay.
 
Các đại biểu tham quan các sản phẩm gốm sứ trưng bày tại các gian hàng
 
Huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội là vùng đất có nhiều di tích lịch sử - văn hóa có giá trị, các lễ hội đặc sắc như: Hội Gióng đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhiều làng nghề truyền thống đặc sắc như: Dát quỳ vàng, may da Kiêu Kỵ, thuốc Nam thuốc Bắc Ninh Hiệp, gốm sứ Kim Lan… đã cùng tạo nên các giá trị đặc trưng của Gia Lâm.

Đặc biệt, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm với 2 làng nghề truyền thống Giang Cao và Bát Tràng. Với các sản phẩm gốm sứ nổi tiếng, tinh xảo, kết tinh giá trị nghệ thuật văn hóa tinh hoa của dân tộc, toàn xã có 105 nghệ nhân, trong đó, có 01 Nghệ nhân nhân dân, 04 Nghệ nhân ưu tú, 27 Nghệ nhân Hà Nội, 05 Nghệ nhân dân gian và 15 Nghệ nhân làng nghề Việt Nam và các nghệ nhân khác. Đây là những người con ưu tú có nhiều tâm huyết cùng nhân dân địa phương trong công cuộc xây dựng và bảo tồn các giá trị tinh hoa của làng gốm Bát Tràng. 

Đến nay, trải qua những thăng trầm, biến động của lịch sử, nhưng những nét tinh hoa, đặc trưng của gốm sứ Bát Tràng vẫn còn nguyên giá trị và xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm đang thực sự trở thành một trong những điểm du lịch làng nghề thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t