Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Bùi Bằng Đoàn với cách mạng Việt Nam” (14:06 09/09/2019)


HNP - Sáng 9/9, tại Nhà Quốc hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Văn phòng Quốc hội và Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Bùi Bằng Đoàn với cách mạng Việt Nam”.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tham luận tại hội thảo


Dự hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Văn An, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Đại biểu thành phố Hà Nội dự hội thảo có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng. Dự hội thảo còn có các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và thân nhân gia đình cụ Bùi Bằng Đoàn.

Tham luận tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nêu rõ: Cụ Bùi Bằng Đoàn, sinh năm 1889 trong một gia đình có truyền thống nho học, thuộc làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội, vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng. Cụ là nhà chí sĩ yêu nước, một học giả uyên bác, thấm nhuần đạo lý, triết lý phương Đông và truyền thống văn hóa của dân tộc. Dù ở cương vị công tác nào cụ Bùi Bằng Đoàn luôn là người mẫu mực, liêm khiết. Khi làm quan Thượng thư Bộ hình của triều đình Huế, cụ Bùi Bằng Đoàn đã có công thực hiện cải cách tư pháp, sửa đổi luật pháp, bãi bỏ nhiều quy định lỗi thời của hệ thống tư pháp 17 tỉnh thuộc Trung Kỳ.

Cách mạng tháng Tám thành công, Chính phủ được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng viết thư mời cụ Bùi Bằng Đoàn tham gia chính quyền cách mạng, trong thư có đoạn viết: “Tôi tài đức ít ỏi, mà trách nhiệm nặng nề. Thấy Ngài học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú. Vậy nên, tôi muốn Ngài làm cố vấn cho tôi để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ hại cho nước nhà dân tộc…” Từ một vị quan thanh liêm, chính trực làm việc dưới triều đình phong kiến vì mến mộ tài đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cụ rời quê hương Liên Bạt, Ứng Hòa ra làm cố vấn cho Bác Hồ, tham gia xây dựng chính quyền cách mạng vừa mới thành lập.

Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban bố sắc lệnh thành lập Ban thanh tra đặc biệt do cụ Bùi Bằng Đoàn làm Trưởng ban. Hoạt động của Ban thanh tra đặc biệt trong thời điểm đất nước vừa mới giành được độc lập là vấn đề cực kỳ khó khăn. Với tri thức, kinh nghiệm phong phú của mình, cụ Bùi Bằng Đoàn đã tham mưu với Chính phủ ban hành nhiều sắc lệnh có tác động tích cực đến đời sống xã hội, giữ gìn kỷ cương, phép nước, chấn chỉnh và làm trong sạch đội ngũ cán bộ cách mạng trong chính quyền thời kỳ đầu đất nước giành được độc lập.

Sau cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I, tại kỳ họp thứ nhất, ngày 2/3/1946, các đại biểu đã bầu chí sĩ Bùi Bằng Đoàn vào Ban Thường trực Quốc hội. Trên cương vị mới, cụ đã có những đóng góp quan trọng vào việc ký kết bản Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946, tạm thời hòa hoãn thực dân Pháp, giúp Đảng và Chính phủ có thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến lâu dài.

Trong tám tháng hoạt động kể từ kỳ họp thứ nhất tháng 3/1946 đến kỳ họp thứ 2, tháng 11/1946, cụ Bùi Bằng Đoàn và hội Liên Việt đã nỗ lực hoạt động, giữ vững nguyên tắc dân chủ cùng Chính phủ đưa nước nhà vượt qua mọi khó khăn, giữ vững chính quyền cách mạng non trẻ. Tháng 11/1946, tại kỳ họp thứ 2, cụ Bùi Bằng Đoàn được cử làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội thay cho cụ Nguyễn Văn Tố.

Trên cương vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội, cụ Bùi Bằng Đoàn sống và làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ và thực hiện nhiệm vụ được Quốc hội ủy nhiệm là tham dự các cuộc họp của Hội đồng chính phủ để góp ý kiến trong mọi công việc kháng chiến. Cụ Bùi Bằng Đoàn đã không phụ lòng tin của Quốc hội và của quốc dân đồng bào cả nước, Cụ đã tham gia đóng góp vào việc cải tổ nhân sự của Chính phủ năm 1947; chỉ đạo các đoàn đại biểu các khu vực, lấy nguyện vọng nhân dân góp ý cho Quốc hội và Chính phủ lãnh đạo kháng chiến; tham dự các sinh hoạt trọng đại như lễ thụ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, tháng 7/1948… Ngoài các hoạt động đối nội, lập pháp, cụ Bùi Bằng Đoàn còn có các hoạt động đối ngoại tích cực, trả lời báo, đài phát thanh trong và ngoài nước về một số vấn đề trọng đại của đất nước.

Đến tháng 9/1948, trong điều kiện kháng chiến trên chiến khu còn nhiều khó khăn, do tuổi cao, cụ Bùi Bằng Đoàn bị ốm nặng. Trung ương, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, bố trí các bác sĩ chữa trị và đưa cụ về gần Hà Nội có điều kiện thuận lợi cung cấp thuốc men chữa trị cho cụ một cách kín đáo và thuận tiện. Trong thời gian chữa bệnh, cụ Bùi Bằng Đoàn vẫn giữ liên hệ với chiến khu, thường xuyên qua thư từ và góp ý với Trung ương về những vấn đề mà cụ quan tâm. Cụ còn viết bài đăng báo động viên quân dân tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Cả cuộc đời Cụ luôn cố gắng cống hiến cho công việc của đất nước, Quốc hội, nỗ lực làm tròn nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nêu rõ, ở bất cứ cương vị nào, cụ Bùi Bằng Đoàn cũng thể hiện là một tấm gương sáng, trọn đời phấn đấu hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Ghi nhận những cống hiến và công lao đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã truy tặng cụ Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huân chương độc lập hạng Nhất; quận Hà Đông đã đặt tên một con đường mang tên Bùi Bằng Đoàn.

Phát huy tinh thần yêu nước của cụ Bùi Bằng Đoàn và những bậc tiền bối cách mạng khác, Đảng bộ và nhân dân thành phố Hà Nội đẩy mạnh thực hiện mục tiêu xây dựng Thủ đô tập trung vào các nội dung: Xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ chủ chốt có bản lĩnh chính trị vững vàng, trong sáng về đạo đức, lối sống; hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường. Phấn đấu xây dựng thành phố Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn, nhà cách mạng tiền bối tiêu biểu của Thủ đô và cả nước, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô nguyện tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Đó chính là ý chí, quyết tâm và là hành động cách mạng thiết thực, có ý nghĩa cao đẹp nhất để tưởng nhớ, tri ân chí sĩ yêu nước Bùi Bằng Đoàn và những đóng góp to lớn của Cụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của Đảng bộ Hà Nội trong thời kỳ mới.

Phát biểu tổng kết hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Tưởng nhớ cụ Bùi Bằng Đoàn, chúng ta nguyện học tập tấm gương ngời sáng về lòng tận tụy, đức hy sinh, trọn đời vì đất nước, vì nhân dân; từ đó, thôi thúc mỗi cán bộ, đảng viên luôn nỗ lực học tập, rèn luyện để xứng đáng với sự hy sinh của các vị tiền bối cách mạng.


Nguyễn Văn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t