Giám sát thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (21:49 27/08/2019)


HNP - Ngày 27/8, Đoàn Giám sát của Quốc hội, do đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn, đã làm việc với UBND Thành phố Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. 

Chủ tịch UBND Nguyễn Đức Chung trả lời kiến nghị của đoàn giám sát


Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; đại diện lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương. Dự và tiếp đoàn giám sát có các đồng chí: Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố; Nguyễn Ngọc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố; Nguyễn Văn Sửu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố; Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND Thành phố; Bùi Huyền Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP cùng đại diện các sở, ban, ngành.
 
Xâm hại trẻ em còn nhiều diễn biến phức tạp
 
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Ngô Văn Quý cho biết, tính đến ngày 30/6/2019, Hà Nội có 1.852.454 trẻ em, chiếm 24,9% dân số. Có hơn 12.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo Luật Trẻ em; hơn 54.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trong đó, số trẻ em sống trong gia đình có vấn đề xã hội (cha mẹ ly hôn, bạo lực gia đình, có người nhiễm HIV/AIDS…) là 2.154 trẻ em. 
 
Về tình hình xâm hại trẻ em, lãnh đạo Thành phố cũng cho biết, tính từ ngày 01/01/2015 đến tháng 6/2019, trên địa bàn Thành phố có 322 trẻ em bị xâm hại, gồm có: Bạo lực là 51 trẻ (49 vụ); xâm hại tình dục: 29 trẻ (23 vụ); mua bán 07 trẻ (02 vụ); trẻ em bị bỏ rơi/bỏ mặc là 235 trẻ (235 vụ). Qua tổng hợp cho thấy, địa bàn xảy ra các hành vi xâm hại trẻ em thường là tại cộng đồng, nhà trường và trong chính gia đình của trẻ. Đa phần đối tượng xâm hại trẻ em là người có mối quan hệ thân quen với trẻ em. 
 
Hậu quả của hành vi xâm hại trẻ em là tổn thương theo các mức độ khác nhau về thể chất, tinh thần, có thể trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, sự phát triển bình thường của trẻ về tâm lý, giới tính…Ngoài ra, còn gây ảnh hưởng đến trật tự trị an xã hội, tấn công trực diện đến các nền tảng đạo đức của xã hội, gây tâm lý hoang mang, mất lòng tin, lo sợ trong dư luận xã hội.
 
Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý nhấn mạnh tình hình xâm hại trẻ em trên địa bàn Thành phố diễn biến hết sức phức tạp (độ tuổi trẻ bị xâm hại, đối tượng xâm hại trẻ, tính chất mức độ nghiêm trọng của các vụ xâm hại). Mặc dù phương thức thủ đoạn của đối tượng không mới, nhưng do nhận thức, đặc điểm tâm lý nên trẻ em vẫn là nhóm tuổi dễ bị xâm hại và có những trường hợp bị xâm hại cũng chưa được phát hiện kịp thời. 
 
Tích cực vào cuộc phòng, chống xâm hại trẻ em
 
Trả lời các kiến nghị của đoàn giám sát, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, ngoài các cộng tác viên được đào tạo chuyên môn về phòng, chống xâm hại trẻ em, công tác này luôn được quan tâm và nhận được sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị. Từ các cấp, các ngành, những người làm công tác giáo dục đến cha mẹ học sinh cùng toàn xã hội. Theo Chủ tịch UBND Thành phố, những năm gần đây, công tác bảo vệ trẻ em được báo chí, truyền thông chú ý và thông tin công khai. Mặc dù vẫn còn tỷ lệ nhỏ chưa được biết đến do tâm lý gia đình e ngại không cung cấp thông tin, song nhìn chung các vụ việc liên quan đến trẻ em được truyền tải rất kịp thời.
 
Đồng chí Nguyễn Đức Chung cũng khẳng định, chăm sóc và bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố. Chính sách về trẻ em luôn được lồng ghép với các chính sách đảm bảo an sinh xã hội. Ngoài ra, công tác phòng, chống xâm hại trẻ em hằng năm đều nằm trong các Nghị quyết chung. Dù chưa có Nghị quyết riêng, song đây là nội dung mà Thành phố rất quan tâm, được báo cáo thường xuyên trong các kỳ họp HĐND cuối năm. 
 
Đồng chí Nguyễn Đức Chung cho biết, mặc dù khu vực nội thành còn khó khăn về quỹ đất, tuy nhiên, những năm vừa qua, Thành phố cũng đã thu hồi một số trụ sở của các Sở, ban, ngành dành cho các phường xây dựng trường học. Đến cuối năm 2020, phấn đấu cơ bản giải quyết tình trạng thiếu trường, lớp. Cùng với việc tập trung đầu tư đất xây dựng trường học, các thiết chế văn hóa dành cho trẻ em cũng luôn được chú trọng. Theo đó, Thành phố yêu cầu tất cả các nhà cao tầng đều phải đầu tư thiết chế văn hóa cho trẻ; lắp trang thiết bị vui chơi trẻ em tại các khu tập thể, chung cư. Đồng thời, khuyến khích đầu tư xã hội hóa cho các khu vui chơi trẻ em; mỗi điểm trường đều phải có thiết chế văn hóa cho học sinh…
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận tại buổi làm việc
 
Phòng, chống xâm hại trẻ em bằng những giải pháp phù hợp
 
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát Uông Chu Lưu nhận định, Thành phố đã có nhiều chủ trương, giải pháp thực hiện việc chăm sóc, giáo dục trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em. Qua các báo cáo đã cho biết khá đầy đủ thông tin liên quan đến nội dung, phạm vi giám sát. Tuy nhiên, đồng chí đề nghị Thành phố và các sở, ngành rà soát, đối chiếu lại các nội dung để bảo đảm không có sự vênh nhau giữa số liệu báo cáo của các cơ quan.
 
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, tình hình chung ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước là có xu hướng gia tăng về xâm hại trẻ em, có diễn biến phức tạp, tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm hơn. Hậu quả để lại nặng nề, nghiêm trọng, lâu dài đối với trẻ em, gia đình và xã hội… Thành phố Hà Nội cũng đã dự báo tình hình xâm hại trẻ em sắp tới cũng sẽ gia tăng. Đối tượng xâm hại và bị xâm hại đều đa dạng, trẻ em nhỏ tuổi bị xâm hại ngày càng nhiều. Đồng chí đề nghị Thành phố phân tích, đánh giá nguyên nhân và có giải pháp phù hợp để phòng, chống tình trạng trên.
 
Trưởng đoàn giám sát đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Thành phố trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, trong đó có phòng, chống xâm hại trẻ em. Đoàn giám sát đề nghị Thành phố có nhiều hình thức phong phú và đa dạng hơn để huy động cả cộng đồng vào cuộc. Đồng thời, phải xác định phòng ngừa là chủ yếu, cần hướng dẫn kỹ năng không chỉ cho trẻ em mà cả gia đình, người thân kỹ năng bảo vệ trẻ em. Trưởng đoàn giám sát lưu ý, cần có giải pháp cụ thể để có "gia đình an toàn", "nhà trường an toàn", "cộng đồng an toàn", "phường, xã thân thiện"... 

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t