Bí thư Thành ủy: Hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật là ưu tiên số một (12:39 07/05/2019)


HNP - Sáng 7/5, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì làm việc với Sở Tư pháp về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2018, 4 tháng đầu năm 2019 và nhiệm vụ những tháng cuối năm 2019. 

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận buổi làm việc


Cùng tham gia buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP; Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP; Nguyễn Quang Huy, Trưởng ban Nội chính Thành ủy; Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy.
 
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Tư pháp Ngô Anh Tuấn cho biết, năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019, công tác tư pháp Thành phố cơ bản được triển khai thống nhất, đồng bộ trên các lĩnh vực. Cụ thể, trên lĩnh vực xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, Sở Tư pháp đã thẩm định, góp ý 383 văn bản (trong đó có 99 văn bản quy phạm pháp luật của Thành phố); UBND TP đã ban hành 38 quyết định (trong đó 4 tháng đầu năm 2019 ban hành 9 quyết định), HĐND TP ban hành 17 nghị quyết (trong đó, có 2 nghị quyết ban hành năm 2019),... Các VBQPPL của Thành phố được xây dựng đúng quy trình, đảm bảo hợp hiến, hợp pháp và khả thi.


Năm 2018, Sở đã tham mưu, thực hiện Kế hoạch hệ thống hóa VBQPPL trên địa bàn Thành phố kỳ 2014-2018, qua đó đã tham mưu UBND TP ban hành Quyết định công bố Danh mục VBQPPL do HĐND, UBND TP ban hành (trong đó 399 văn bản còn hiệu lực, 71 văn bản hết hiệu lực toàn phần, 19 văn bản hết hiệu lực một phần và 93 văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế).

 
Công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực bổ trợ tư pháp được tăng cường. Hiện nay, toàn Thành phố có 1.232 tổ chức hành nghề luật sư với 3.713 luật sư; 122 tổ chức công chứng với 470 công chứng viên; 101 tổ chức bán đấu giá với 254 đấu giá viên; 8 văn phòng thừa phát lại; 57 quản tài viên thực hiện nhiệm vụ quản lý, thanh lý tài sản,... Bên cạnh đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai bằng nhiều hình thức; hoạt động trợ giúp pháp lý tăng cường hướng về cơ sở. Năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước đã tư vấn tại trụ sở cho 251 lượt người; tổ chức 450 đợt trợ giúp pháp lý lưu động, thu hút trên 22 nghìn lượt người tham dự.
 
Bên cạnh những kết quả trên, Giám đốc Sở Tư pháp Ngô Anh Tuấn cũng cho rằng, đội ngũ cán bộ tư pháp, nhất là cấp huyện, cấp xã còn thiếu, không ổn định; chất lượng dự thảo VBQPPL ở một số lĩnh vực chưa cao; nhiều văn bản được tập trung xây dựng ở một thời điểm nên ảnh hưởng đến tiến độ thẩm định, có văn bản còn chưa sát thực tiễn... Ngoài ra, việc quản lý xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật còn khó khăn; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở một số nơi còn hạn chế.
 
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Tư pháp Thành phố kiến nghị với Trung ương, Thành phố 3 nhóm vấn đề, trong đó cho phép Sở thành lập Trung tâm Công nghệ thông tin và Cơ sở dữ liệu Tư pháp; chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường phối hợp với Sở, nhất là cung cấp kịp thời, đầy đủ các thông tin, bản án, quyết định phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp,...
 
Sau khi nghe ý kiến phát biểu, thảo luận của các sở, ngành, lãnh đạo UBND, HĐND TP, kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đánh giá, Sở Tư pháp có vị trí, vai trò quan trọng, là cơ quan tham mưu giúp Thành phố trên các lĩnh vực xây dựng, rà soát các VBQPPL; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; bổ trợ tư pháp... Trong những năm qua, Sở đã thực hiện toàn diện các nhiệm vụ chuyên môn, đạt kết quả tích cực; đã xây dựng tập thể đoàn kết, triển khai hiệu quả các chỉ đạo của Thành phố; đi đầu trong CCHC, qua đó góp phần vào kết quả chung của toàn Thành phố.
 
Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, càng phát triển, càng hội nhập thì ưu tiên số một phải là hoàn thiện thể chế và chính sách pháp luật. Đây là nhiệm vụ quan trọng và cũng là một nhiệm vụ khó, điều đó cho thấy vai trò của Sở Tư pháp phải được tăng cường hơn nữa; nhận thức của CB, CC, VC phải nâng lên để phát huy tốt hơn năng lực, sở trường vào thực hiện nhiệm vụ.
 
Đồng chí Hoàng Trung Hải đề nghị Sở Tư pháp tiếp tục duy trì truyền thống đoàn kết, chia sẻ, nhất là đối với lĩnh vực tư pháp thì việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm càng quan trọng hơn. Đội ngũ cán bộ tư pháp cần không ngừng trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt từng phòng, ban phải chỉ ra được hiện nay Thành phố đang vướng những gì, từ đó, đề xuất ra giải pháp về mặt pháp lý, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
 
Cùng với đó, các sở, ngành Thành phố phải tăng cường kết nối với nhau, trước hết là kết nối về CNTT, chia sẻ dữ liệu quản lý... qua đó, giúp giảm tải và giải quyết công việc tốt hơn. Bí thư Thành ủy cũng hoan nghênh Sở Tư pháp đã chủ động xây dựng “Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật giai đoạn 2018-2022”, đồng chí đề nghị Sở triển khai hiệu quả Đề án, gắn với thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
 
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cũng lưu ý Sở Tư pháp bám sát Dự thảo Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị để chủ động tham gia xây dựng các dự thảo VBQPPL luật liên quan, trình Chính phủ, Quốc hội thông qua để triển khai ngay sau khi Dự thảo Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị được ban hành.

Trọng Toàn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t