Tăng cường hợp tác giữa Hà Nội với Tuyên Quang, Yên Bái:


Bài 1: Lan tỏa tinh thần hợp tác, cùng phát triển (14:25 01/05/2019)


HNP - Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, trong các ngày từ 24-26/4, đoàn công tác thành phố Hà Nội, do đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy làm trưởng đoàn, đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm và làm việc với 2 tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, mở ra cơ hội tăng cường hợp tác, cùng phát triển giữa các địa phương trong thời gian tới.

Đoàn công tác TP Hà Nội dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh và thăm Di tích lán Nà Nưa


Đến “Thủ đô kháng chiến”
 
Tuyên Quang là tỉnh miền núi nằm ở phía Bắc nước ta. Trong cách mạng tháng Tám năm 1945, Tuyên Quang được Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn làm trung tâm của cách mạng cả nước. Tại Tân Trào (huyện Sơn Dương) đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử gắn liền với vận mệnh dân tộc, như: Hội nghị toàn quốc của Đảng quyết định chủ trương lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền và cử ra Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc; Quốc dân Đại hội họp tại đình Tân Trào thành lập ỦY ban dân tộc giải phóng tức Chính phủ lâm thời do Bác Hồ làm Chủ tịch…
 
Trong những năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Tuyên Quang là “Thủ đô Kháng chiến”, nơi đồng bào cả nước "trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền". Nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã luôn làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng: Xây dựng, bảo vệ An toàn khu; bảo vệ Bác Hồ, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận cùng nhiều bộ, ban, ngành Trung ương. Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đóng góp phần quan trọng, to lớn vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, lập nhiều chiến công vang dội. Xuất phát từ những ý nghĩa đó, Tuyên Quang là địa phương đầu tiên đoàn công tác thành phố Hà Nội đến thăm, làm việc, trong Kế hoạch 120-KH/TU, ngày 6/3/2019, của Thành ủy về hoạt động đối ngoại với các tỉnh, thành ủy năm 2019 của Đảng bộ Hà Nội.
 
Trong những năm qua, các hoạt động hợp tác giữa Hà Nội và Tuyên Quang đã được triển khai toàn diện trên các lĩnh vực, từ công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; hợp tác trong kết nối, tiêu thụ nông sản đến văn hóa, giáo dục, y tế,… Năm 2012, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội và Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị Hà Nội hỗ trợ 10 tỷ đồng đầu tư xây dựng nhà hiệu bộ, 4 phòng học và các hạng mục phụ trợ Trường THCS thị trấn Na Hang (huyện Na Hang). 
 
Theo Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm, tỉnh nhận thức rõ Hà Nội là một thị trường rộng lớn với 10 triệu dân, chính vì thế, việc “kết thân” với Hà Nội sẽ giúp tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa của tỉnh với giá trị cao hơn. Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, từ năm 2014, nông sản tỉnh Tuyên Quang đã đến Sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn và các siêu thị trên địa bàn Hà Nội. Lũy kế từ năm 2016 đến nay, có trên 20 mặt hàng nông sản của Tuyên Quang được tiêu thụ tại Hà Nội, trong đó, có cam sành Hàm Yên (trên 3 nghìn tấn), miến dong Hợp Thành (trên 6,2 nghìn tấn), tinh bột nghệ Tiến Phát (trên 1 tấn), mật ong Tuyên Quang (trên 24 nghìn lít), cùng các sản phẩm như trà, cá Lăng chấm, cá Chiên,…
 
Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm chia sẻ, những kết quả hợp tác với Hà Nội trong những năm qua đã tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, chuyến thăm và làm việc của đoàn công tác Hà Nội lần này tiếp tục thể hiện tình cảm sâu sắc của Thủ đô Hà Nội với “Thủ đô kháng chiến”.
 
Hợp tác và hỗ trợ kịp thời, hiệu quả
 
Cùng với Tuyên Quang, Yên Bái là "cửa ngõ phên dậu" vùng Tây Bắc, nơi giao thoa của hai khu vực Đông Bắc - Tây Bắc, của những nền văn hóa đa sắc tộc, hình thành nên nền văn minh sông Hồng rực rỡ. Yên Bái sở hữu nhiều tiềm năng du lịch hấp dẫn, với các di tích lịch sử cách mạng, hệ thống các đình, đền, chùa gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nổi bật trong số đó là danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải, là hồ thủy điện Thác Bà - một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất, với trên 1 nghìn đảo lớn nhỏ và hang động hoang sơ, được ví như Hạ Long trên cạn. Đây cũng là công trình thủy điện đầu tiên của nước ta.
 
Thành phố Hà Nội tặng Quỹ an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo tỉnh Yên Bái 3 tỷ đồng
 
Những năm qua, chương trình hợp tác giữa Hà Nội và Yên Bái đã được các sở, ngành 2 địa phương cụ thể hóa thành những việc làm thiết thực, hiệu quả. Tiêu biểu như ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tích cực triển khai các hoạt động trao đổi, hỗ trợ về vật chất, chuyên môn trong giảng dạy đối với tỉnh Yên Bái, nhất là sau đợt mưa lũ năm 2017, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã phát động phong trào trong toàn ngành giúp đỡ các trường học vùng khó khăn, ảnh hưởng bởi mưa lũ; tổ chức thăm hỏi, tặng 300 triệu đồng hỗ trợ ngành Giáo dục và Đào tạo Yên Bái khắc phục hậu quả thiên tai lũ lụt; đồng thời, chia sẻ tới gia đình các nạn nhân bị thiệt hại do mưa lũ tại huyện Mù Cang Chải, động viên các giáo viên, học sinh vùng bị thiệt hại sớm khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống chuẩn bị đón năm học mới...
 
Trong lĩnh vực đảm bảo an sinh xã hội, hằng năm, thành phố Hà Nội chỉ đạo MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội có các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Đặc biệt, năm 2017, tỉnh Yên Bái bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai, bão lũ gây ra trên địa bàn các huyện Văn Chấn và Trạm Tấu. Thành phố Hà Nội đã kịp thời hỗ trợ cho 50 hộ gia đình xây dựng nhà ở an toàn, khang trang hơn với mức hỗ trợ 2 tỷ đồng (40 triệu đồng/nhà), qua đó góp phần hỗ trợ các gia đình sớm ổn định cuộc sống.
 
Như chia sẻ của Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà, sự quan tâm, hợp tác, giúp đỡ của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thủ đô Hà Nội đối với Yên Bái luôn hiệu quả, kịp thời, đây là động lực to lớn để tỉnh Yên Bái hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, nhất là trong những giai đoạn khó khăn nhất của tỉnh như phải đối diện với thiên tai, bão lũ...

Trọng Toàn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t