Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội (17:47 27/04/2019)


HNP - Sáng 27/4, đoàn công tác của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về kết quả 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); tình hình kinh tế - xã hội nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và một số nội dung quan trọng khác.

Đồng chí Trần Quốc Vượng phát biểu tại buổi làm việc


Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó trưởng Bộ phận thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII, Trưởng đoàn công tác và Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cùng chủ trì hội nghị.
 
Tham dự hội nghị, về phía đoàn công tác có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương...
 
Về phía thành phố Hà Nội có các đồng chí: Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành của Thành phố.
   
Mở đầu hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trình bày Báo cáo tóm tắt đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 của Thủ đô Hà Nội và một số kết quả trong tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Theo đó, sau gần 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011, Hà Nội đã đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Kinh tế duy trì tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm sau cao hơn năm trước (theo cách tính mới), bình quân 3 năm 2016-2018 tăng 7,36% (giai đoạn 2011-2015 là 6,74%); dự kiến giai đoạn 2016-2020 tăng 7,37-7,45% (đạt mục tiêu Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI đề ra). Quy mô nền kinh tế tiếp tục được mở rộng. GRDP năm 2018 đạt 906,5 nghìn tỷ đồng; GRDP/người đạt 116 triệu đồng, tương đương 5.043 USD. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Thu ngân sách năm 2018 đạt 244,4 nghìn tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần năm 2010.
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng báo cáo tại buổi làm việc
 
Báo cáo của thành phố cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế còn tồn tại; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Cương lĩnh 2011; nguyên nhân khách quan, chủ quan, từ đó, nêu 9 nhóm đề xuất, kiến nghị với Trung ương về những định hướng và giải pháp lớn xây dựng, phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
 
Tiếp đó, báo cáo về tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô Hà Nội nhiệm kỳ Đại hội XII (2016-2020), Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, bên cạnh kết quả tăng trưởng kinh tế như đã nêu trên, Hà Nội đã đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Chỉ số PCI của Hà Nội năm 2018 xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố (cao nhất từ trước tới nay, tăng 15 bậc so với năm 2015 và tăng 42 bậc so với năm 2012), hoàn thành sớm 2 năm so với mục tiêu của nhiệm kỳ. Hà Nội cũng đứng thứ 2 cả nước về mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông.
 
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung báo cáo tại hội nghị
 
Trong 3 năm 2016-2018, trên địa bàn Thành phố có gần 80 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, lũy kế số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn đến hết năm 2018 là trên 255 nghìn doanh nghiệp. Hà Nội cũng đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài, giai đoạn này đạt 14,05 tỷ USD (gấp 2,25 lần giai đoạn 2011-2015 và bằng 51,54% cả giai đoạn 1986-2015). Riêng năm 2018, Hà Nội thu hút 7,5 tỷ USD, lần đầu tiên đứng đầu cả nước sau hơn 30 năm đổi mới, hội nhập.
 
Sự nghiệp văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm, phát triển; hạ tầng đô thị được tập trung đầu tư, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình trọng điểm, cấp bách, như đường vành đai 2 đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy; Nút giao trung tâm quận Long Biên, cầu vượt nút Bắc Hồng; đường vành đai 1 đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái... Diện tích đất dành cho giao thông tăng từ 8,65% (năm 2015) lên 9,8% (năm 2018) và dự kiến đến năm 2020 tăng lên 12%. Diện tích nhà ở bình quân của Thành phố đến năm 2018 cũng đạt 25,86 m2/người, dự kiến đến năm 2020 là 26,3 m2/người...
 
Phát biểu trao đổi, giải đáp một số vấn đề đoàn công tác quan tâm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, hiện nay, một trong những khó khăn lớn nhất của Hà Nội là thiếu nguồn lực đầu tư so với nhu cầu thực tiễn. Muốn tạo bước phát triển đột phá, Hà Nội phải có đủ nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng; để có đủ nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, giải pháp chủ yếu là đẩy mạnh xã hội hóa, áp dụng các hình thức để thu hút các nguồn lực đầu tư từ xã hội. Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cũng kiến nghị Trung ương tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương, trong đó có Hà Nội.
 
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu tại hội nghị
 
Sau khi nghe báo cáo của Ban Thường vụ Thành ủy, các ý kiến trao đổi, thảo luận của đoàn công tác và thành phố Hà Nội, đồng chí Trần Quốc Vượng ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, nghiêm túc và những kết quả đạt được của Đảng bộ và nhân dân thành phố Hà Nội trong thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), các Nghị quyết của Đảng. Nổi bật là, kinh tế duy trì tăng trưởng cao; thu ngân sách trên địa bàn các năm đều đạt và vượt so với dự toán được giao; cải cách hành chính chuyển biến tích cực, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ nét; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
 
Đồng chí Trần Quốc Vượng cũng đánh giá cao kết của công tác xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và đảm bảo an sinh xã hội của Hà Nội. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ trên địa bàn đạt nhiều kết quả tốt. Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng Sông Hồng và ngày càng đóng góp quan trọng đối với kinh tế đất nước.
 
Cùng với đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đã được cấp uỷ các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc theo đúng chỉ đạo và hướng dẫn của Trung ương, như sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp về phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
 
Đồng chí Trần Quốc Vượng cũng chỉ ra những hạn chế của thành phố Hà Nội trên một số lĩnh vực, gợi mở những vấn đề Hà Nội cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong những năm tới để bảo đảm thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, chuẩn bị tốt cho Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ tới và Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Trong đó, Hà Nội phải là địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế tri thức, công nghệ cao, về năng lực cạnh tranh của nên kinh tế... để cuối cùng là phục vụ nhân dân, nâng cao đời sống nhân dân. Đồng chí Trần Quốc Vượng cũng gợi ý, Hà Nội cần quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực môi trường, trước mắt, chọn một số nơi làm điểm để xây dựng môi trường thật xanh, sạch, đẹp, từ đó nhân rộng ra toàn Thành phố. 
 
Trưởng đoàn công tác cũng ghi nhận những kiến nghị của thành phố Hà Nội, đồng thời, đề nghị Thành phố hoàn thiện báo cáo, làm rõ hơn những kết quả, kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, trong công tác cán bộ; trong xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa và công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước... để đoàn công tác tổng hợp, báo cáo Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t