Trao đổi kinh nghiệm, kết nối doanh nghiệp ngành nước hai quốc gia Đức - Việt (15:00 20/03/2019)


HNP - Sáng 20/3, tại Khách sạn Melia Hà Nội đã diễn ra “Hội thảo công nghệ và kết nối doanh nghiệp”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ “Diễn đàn ngành nước Đức - Việt tại thành phố Hà Nội” do UBND TP Hà Nội, Hội Cấp thoát nước Việt Nam và Hội Hợp tác ngành nước Đức phối hợp tổ chức.

Các đại biểu trao đổi tại Hội thảo


Phát biểu tại Hội thảo, Ngài Ruger, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam cho biết, hiện nay, ở Đức, người dân sử dụng nước với xu hướng ít đi, đây là điều rất lạ khi nhu cầu sinh hoạt nhiều hơn nhưng lượng nước sử dụng lại ít đi. Tuy nhiên, đó là do người dân đã nhận thức được nguồn nước là tài nguyên có hạn nên cần phải tiết kiệm. Đến nay, Đức cũng đã có những quy định về việc tiết kiệm khi sử dụng tài nguyên nước, ví dụ như người dân không được rửa xe riêng ở nhà, đường phố mà phải rửa ở nơi chuyên dụng, rửa tập trung để tiết kiệm nước, nếu vi phạm họ sẽ bị phạt. Bên cạnh đó, luật Liên bang Đức cũng quy định nếu làm tổn thương môi trường phải bồi thường tương xứng. Ngài Ruger cũng khẳng định, Đức đang có những doanh nghiệp có công nghệ cao trong việc xử lý nước thải, cung cấp nước và mong muốn thông qua hội thảo sẽ có thể trao đổi thông tin, kết nối doanh nghiệp hai nước để cùng hợp tác, cùng phát triển.
 
Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Việt Anh, Trưởng ban Khoa học Công nghệ VWSA tham luận tại Hội thảo
 
Trao đổi về vấn đề đổi mới công nghệ, nhu cầu thiết yếu cho phát triển bền vững ngành nước ở Việt Nam, Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Việt Anh, Trưởng ban Khoa học Công nghệ VWSA đã có bài tham luận về Tổng quan về công nghệ xử lý nước ở Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến tháng 12/2018, Việt Nam có 820 đô thị với 37% dân số. Tổng công suất cấp nước đô thị đạt 9 triệu m3/ngày. Dân số đô thị được cấp nước từ HTCN tập trung là 86%. Nước không doanh thu 21,5% (giảm từ 31% năm 2010). Lượng nước sử dụng trung bình khoiarng 110l/người/ngày.
 
Hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức trong cấp nước như: Yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nước của khách hàng (nước sạch, an toàn); Suy thoái nguồn nước mặt, nước ngầm; Ô nhiễm ngày càng tăng ở cả nguồn điểm và ô nhiễm phân tán; Các chất ô nhiễm khó xử lý: nhiễm mặn, Asen, Amoni, Mangan, các chất hữu cơ bền vững, kim loại nặng, hoocmon, kháng sinh, các chủng vi sinh vật mới...; Thách thức về tiết kiệm năng lượng, diện tích đất, vốn, xử lý chất thải thứ cấp, môi trường xung quanh nhà máy, những đột biến về lưu lượng và chất lượng nguồn nước... 
 
Bên cạnh đó là mạng lưới đường ống cũ và mới (30% trên tổng số 25.000km đường ống đã lắp đặt trên 30 năm chưa được sửa chữa, thay thế). Nhiều đường ống xuống cấp, chất lượng đường ống không đồng đều. Lưu lượng và áp lực nước ở phần lớn đô thị không đảm bảo 24h trong ngày. Mô hình bể chứa - két nước còn rất phổ biến. Một số đô thị lớn còn phải bơm theo giờ. Tuy nhiên, giá nước sạch còn thấp, chưa đủ để bù chi phí nâng cấp hệ thống, đổi mới công nghệ, đầu tư cho CNAT, giảm nước không doanh thu... 
 
Về những thách thức trong thoát nước và xử lý nước thải, hiện nay, trên 70% hộ gia đình đấu nối vào hệ thống thoát nước. Tỷ lệ đấu nối ở nhiều nơi còn rất thấp. 46 nhà máy xử lý nước thải đang hoạt động, tổng công suất đạt 950.000m3/ngày, xử lý 14% lượng nước thải đô thị phát sinh. 90% số hộ có bể tự hoại nhưng chỉ có 4% lượng phân bùn được thu gom đạt yêu cầu. Hệ thống thoát nước đô thị phần lớn chắp vá, không đồng bộ, nhiều tuyến cống cũ nát, xuống cấp, không đáp ứng khả năng tiêu thoát, gây úng ngập, rò rỉ, thấm vào đất, nguồn nước… Vốn đầu tư cho lĩnh vực đạt khoảng này là khoảng 200 triệu USD/năm, trong đó, trên 80% là nguồn ODA, 20% nguồn NSNN… 
 
Từ thực trạng trên, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Việt Anh cho rằng, để quản lý hệ thống cấp và thoát nước thông minh, Việt Nam cần nâng cấp hệ thống SCADA (CMCN 3.0) để nâng cao năng lực quản lý, điều hành sản xuất và cung cấp nước sạch Công nghệ xử lý nước tiên tiến; ứng dụng IT để thiết lập mô hình vật lý số trong quản lý HTCN; Tích hợp các cảm biến vào hệ thống CNTT; Ổn định chất lượng và áp lực nước, quản lý lượng nước khai thác và lượng nước tiêu thụ, vận hành và quản lý hệ thống máy móc thiết bị, quản lý hệ thống đường ống cung cấp nước, quản lý đến tận từng hộ tiêụ thụ nước, với đầy đủ cơ sở dữ liệu, ứng dụng CNTT để thu tiền nước, giá dịch vụ xử lý nước thải. Đồng thời, kiểm soát chất lượng nước mặt, nước ngầm; tính toán, mô phỏng, dự báo mưa lũ lụt, ngập úng, đưa ra phương án qụản lý, điều hành, xử lý tình huống thích hợp; dự báo chất lượng nguồn nước, đưa ra các giải pháp bảo vệ và khai thác hợp lý tài nguyên nước…
 
Bà Julia Braune, Giám đốc điều hành GWP phát biểu tại Hội thảo
 
Tại diễn đàn, bà Julia Braune, Giám đốc điều hành GWP đã tham luận giới thiệu về mạng lưới Hiệp hội Hợp tác ngành nước Đức và những thế mạnh xử lý môi trường. Cụ thể, Hiệp hội GWP có khoảng 350 hội viên bao gồm các đơn vị quản lý, nghiên cứu và ngành công nghiệp nước tại Đức với 75% là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mục tiêu của Hiệp hội là góp phần giải quyết các thách thức về nước trên toàn cầu; Xây dựng đầu mối liên lạc trung tâm; Liên lạc và điều phối văn phòng cho các đối tác và khách hàng quốc tế tiềm năng cho các sản phẩm và dịch vụ "Sản xuất tại Đức"; Đẩy mạnh hợp tác thị trường đặc thù về chính trị, khoa học và công nghiệp. 
 
Trong hợp tác quốc tế, ở VN GWP có sự hợp tác với Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA) với mục đích tăng cường hợp tác với đối tác hiệp hội Việt Nam với các mục tiêu nhằm Chuyên nghiệp hoá VWSA; Giới thiệu về giáo dục nghề và các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu các hội viên VWSA; Phổ biến thông tin và thúc đẩy đối thoại giữa VWSA và các nhóm mục tiêu; Tăng cường mạng lưới hợp tác quốc tế, ví dụ thông qua cung cấp dịch vụ tư vấn cho các khách hàng quốc tế. Ngoài ra, Hiệp hội Hợp tác ngành nước Đức còn có hợp tác ở Khu vực MENA, Trung Á,  Châu Âu, Iran, Nga, Ukraine.
 
Giám đốc điều hành GWP nhấn mạnh, GWP có thế mạnh trong quản lý nước công nghiệp, các công nghệ xử lý nước thải, hợp tác khoa học và đổi mới và mong muốn thông qua diễn đàn sẽ tạo cơ sở hỗ trợ cho các hội viên GWP tiếp cận các thị trường mới tại Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.
 
Tại Hội thảo, đại diện Công ty Cổ phần TNHH MTV thoát nước Hà Nội đã trình bày về Ứng dụng công nghệ mới trong xử lý nước thải tại sông, hồ trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, từ cuối năm 2016, nhằm cải thiện chất lượng nước hồ công ty Thoát nước Hà Nội được thành phố giao đưa chế phẩm Redoxy vào thử nghiệm xử lý môi trường nước hồ. Redoxy-3C là chế phẩm dạng hạt được sản xuất tại Đức thân thiện với môi trường có tác dụng loại bỏ các cation kim loại và Anion, oxy hóa các chất hữu cơ, vô cơ. Sử dụng chế phẩm này hiệu quả xử lý sau 24h, không ảnh hưởng đến hệ sinh thái hồ, thực hiện xử lý đơn giản, với duy nhất một bước phun rải và không ảnh hưởng đến dân cư sống xung quanh. Quá trình thực hiện được tiến hành thận trọng bằng nhiều hình thức với nhiều mẫu nước trong Phòng thí nghiệm và ngoài hiện trường, với sự giám sát chặt chẽ của hội đồng các nhà khoa học. Với việc sử dụng chế phẩm kết hợp với các biện pháp hỗ trợ như lắp đặt máy sục khí, bè thủy sinh, nạo vét bùn đáy hồ, phương pháp này đã cho kết quả khả quan đó là đã tăng khả năng tự làm sạch hồ, hệ sinh thái từng bước được khôi phục, chất lượng nước được từng bước cải thiện đáng kể. Hiện nay, việc sử dụng chế phẩm Redoxy sẽ dựa vào tình trạng nước của hồ, đối với những hồ có tiếp nhận nguồn thải ô nhiễm sẽ xử lý 3 tháng một lần, đối với những hồ sạch, không ô nhiễm sẽ xử lý 9 tháng lần. Đại diện Công ty Cổ phần TNHH MTV thoát nước Hà Nội khẳng định rằng việc áp dụng công nghệ, khoa học vào xử lý nước thải cho hiệu quả cao, không gây tác động đến môi trường và mong muốn có cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong việc xử lý nước thải.
 
Sau hai ngày diễn ra diễn đàn, các doanh nghiệp hai bên đã giới thiệu môi trường, cơ hội hợp tác đầu tư; giới thiệu các công nghệ tiên tiến trong xử lý nước thải, cấp nước. Diễn đàn cũng là môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp hai bên gặp gỡ, trao đổi và có những chương trình hợp tác để thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp ngành nước hai quốc gia Đức - Việt.

Nhóm PV


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t