Hà Nội với Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lịch sử (11:02 17/08/2018)


HNP - Cách đây 73 năm trước, trong khí thế sục sôi cách mạng “...dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập...”, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ vĩ đại, nhân dân Hà Nội đã nhất tề đứng lên, tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa, đập tan xiềng xích nô lệ của đế quốc thực dân và phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân.

Phủ Khâm Sai (Bắc Bộ Phủ) 19/8/1945 (ảnh: Tư liệu)


Vào những ngày đầu tháng 8/1945, tình hình chính sự Hà Nội ngày càng trở nên nóng bỏng hơn do những biến động của Chiến tranh thế giới thứ hai. Ngày 8/8/1945, Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật. Sáng ngày 9/8/1945, quân đội Liên Xô tiến như vũ bão vào Mãn Châu. Chỉ trong vài hôm, quân đội Xô Viết đã tiêu diệt đội quân chủ lực tinh nhuệ nhất của Nhật, đội quân Quan Đông gồm có gần một triệu người. Ngày 15/8/1945, Nhật đầu hàng Liên Xô và các nước Đồng minh không điều kiện. Cũng trong những ngày đó, bọn cầm đầu phát xít Nhật ở Hà Nội rất lo sợ trước một cuộc nổi dậy của Việt Minh. Từ ngày 10 đến 15/8, chúng bưng bít mọi tin tức thua trận của quân đội Nhật, tăng cường canh gác nhiều nơi trong thành phố và cho xe tăng thiết giáp đi tuần suốt đêm, cùng với lời đe dọa trừng trị theo quân luật “những ai gây hành vi khủng bố hoặc tàng trữ mang vũ khí”, “ra tay trừng phạt những kẻ gây rối loạn”...
 
Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân trào thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh”; thông qua “Lệnh tổng khởi nghĩa”; quy định quốc kỳ, quốc ca; thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương, tức Chính phủ Lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa, trong đó chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
 
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Từ ngày 14 đến ngày 18/8, cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và ở các thị xã: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam... Quân giải phóng Việt Nam liên tiếp hạ các đồn Nhật ở vùng lân cận chiến khu thuộc các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Yên Bái... rồi tiến lên giải phóng các thị xã. Một đơn vị Giải phóng quân “Nam tiến” do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy, tiến đánh thị xã Thái Nguyên, mở đường tiến về Hà Nội.
 
Ngày 18/8, Ủy ban Quân sự cách mạng chuyển vào ở hẳn nội thành và đóng trụ sở ở 101 phố Gămbétta (tức phố Trần Hưng Đạo hiện nay). Mọi công việc chuẩn bị cho ngày 19 được tiến hành rất khẩn trương. Quần chúng cách mạng tấp nập chuẩn bị cờ, khẩu hiệu, biểu ngữ và vũ khí thô sơ. Ở ngoại thành, cờ đỏ sao vàng được công khai giương cao phấp phới, ở một số xã đã lập chính quyền cách mạng như ở tổng Dịch Vọng, tổng Bưởi và ở khu vực phía Nam như các làng Tư, làng Tám, Tương Mai, Mai Động...
 
Ngày 19/8, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội
 
Sáng ngày 19/8, các đội tự vệ nội thành, ngoại thành được trang bị vũ khí, giương cao cờ đỏ sao vàng và biểu ngữ cách mạng rầm tập tiến về Nhà hát Lớn. Trên các ngả đường từ ngoại thành vào trung tâm Thành phố, hàng vạn đồng bào của các huyện lân cận Hà Nội nườm nượp kéo vào trung tâm tham gia khởi nghĩa. Phía Nam Thành phố, Đoàn thanh niên xung phong Hoàng Diệu xuất phát từ làng Giáp Tứ, Giáp Nhị hành quân lên chợ Mơ, rồi tiến vào khu trung tâm. Phía Nam và phía Tây Thành phố, một số đội tự vệ chiến đấu tiến quân theo đường Cát Linh, Cửa Nam, Tràng Thi, Tràng Tiền đến Nhà hát Lớn. Hàng vạn quần chúng hai bên đường nhập vào đoàn quân, làm cho lực lượng cách mạng ngày càng đông, khí thế dâng trào. 
 
Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền
do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945. Ảnh: Tư liệu
 
Đúng 11 giờ, ngày 19/8, một cuộc mít tinh được tiến hành rất trang nghiêm, trọng thể với hàng chục vạn người tại Nhà hát Lớn. Sau cuộc miết tinh nhanh chóng chuyển thành cuộc biểu tình, tuần hành thị uy. Quần chúng có các đơn vị tự vệ chiến đấu và xung phong dẫn đầu chia thành hai khối lớn tỏa đi chiếm các cơ quan trọng yếu của địch theo như kế hoạch đã định trước. Khối thứ nhất do Đội Công nhân xung phong dẫn đầu, có nhiệm vụ chiếm Phủ Khâm sai, Tòa Thị chính, Kho bạc, Bưu điện và Sở cảnh sát. Khối thứ hai do Đoàn thanh niên tuyên truyền xung phong Hoàng Diệu dẫn đầu, có nhiệm vụ chiếm Trại Bảo an binh và Ty Liêm phóng Bắc Kỳ.
 
Đồng thời, Mặt trận Việt Minh cử đoàn cán bộ trực tiếp gặp gỡ, đàm phán với quân Nhật, tại Tổng hành dinh của chúng (nay là 33 Phạm Ngũ Lão). Cuộc đàm phán diễn ra gay go, phức tạp, nhưng do sự linh hoạt, khôn khéo của ta, cuối cùng quân Nhật buộc phải chấp nhận theo yêu cầu của ta. Theo đó, quân Nhật phải án binh bất động, không can thiệp vào công việc của Việt Minh, chấp nhận chính quyền cách mạng; đổi lại, họ sẽ được đảm bảo an toàn... Thắng lợi của cuộc đàm phán có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cuộc khởi nghĩa của Hà Nội. Lực lượng khởi nghĩa không những tránh đối đầu trực tiếp với quân Nhật mà còn loại trừ các lực lượng chính trị khác đang có ý đồ làm đảo ngược tình thế lúc này tại Hà Nội.
 
Tối 19/8/1945, các cơ quan quan trọng của triều đình Bảo Đại tại Hà Nội đã về tay cách mạng. Việt Minh hoàn toàn làm chủ thành phố. Cả Hà Nội ngập tràn niềm vui, rực rỡ cờ, hoa. Cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội - trung tâm kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa của cả nước đã hoàn toàn thắng lợi.
 
Cuộc khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội thắng lợi là kết quả của quá trình chuẩn bị lâu dài, đấu tranh gian khổ của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần quan trọng quyết định kết thúc nhanh chóng cuộc Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trên phạm vi cả nước. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa đã thành công rực rỡ, lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền đã thực sự về tay nhân dân; mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; mở ra thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh.

Sáng 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, trước quốc dân, đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, đánh dấu sự thắng lợi lần đầu tiên của Chủ nghĩa Mác - Lênin ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, đồng thời là thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc điển hình của thế kỷ XX.
 
Kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2018), chúng ta cùng nhau ôn lại những bài học lớn vô cùng quí báu của Cách mạng nước ta, nhằm phát huy khí thế của cuộc Tổng khởi nghĩa, tinh thần cách mạng tháng Tám bất diệt, với niềm tự hào, niềm tin sâu sắc vào Đảng quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đó cũng là trách nhiệm của các thế hệ hôm nay trong việc vận dụng và phát triển những bài học kinh nghiệm quý giá của Cách mạng Tháng Tám, của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 73 năm qua vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng Thủ đô phát triển nhanh, bền vững; xứng đáng với vị trí là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế và xứng đáng với truyền thống Thủ đô nghìn năm văn hiến, với danh hiệu cao quý “Thủ đô anh hùng”.

Phương Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t