10 năm thực hiện mở rộng địa giới hành chính Thủ đô:


Bài 7: Bước tiến mới trong lĩnh vực khoa học - công nghệ (09:12 27/07/2018)


HNP - Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, lĩnh vực khoa học và công nghệ của Thành phố đã có nhiều chuyển biến đáng kể. Đặc biệt là lĩnh vực ứng dụng công nghệ hướng đến xây dựng Thành phố thông minh đã đạt được những kết quả ngoài mong đợi.

Hệ thống đánh giá chất lượng dịch vụ hành chính được người dân sử dụng ngay sau khi làm các thủ tục dịch vụ tại bộ phận


Chú trọng hoạt động khoa học - công nghệ
 
Giai đoạn 2008-2017, Thành phố đã thẩm định công nghệ 257 hồ sơ dự án đầu tư trong các lĩnh vực: Xử lý chất thải, hiện đại hóa các cơ sở y tế, các dây truyền chế biến thực phẩm. Đã cấp giấy chứng nhận đăng ký 74 hợp đồng chuyển giao công nghệ, trợ giúp kỹ thuật; cấp mới giấy chứng nhận hoạt động khoa học - công nghệ cho 366 tổ chức; giấy chứng nhận hoạt động khoa học - công nghệ cho 44 doanh nghiệp; đồng thời, giúp các cá nhân, tổ chức, các doanh nghiệp và địa phương xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hoá, nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm truyền thống nhằm nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm. 
 
Cũng trong 10 năm qua, ngành đã tổ chức hướng dẫn, tư vấn xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho trên 355 tổ chức và cá nhân trên địa bàn. Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho 23 sản phẩm đặc sản của làng nghề truyền thống. Hỗ trợ tích cực trong việc áp dụng tiêu chuẩn ISO. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai tới 100% các cơ quan sở, ngành và quận, huyện, thị xã áp dụng thành công hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2000, 135 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh được hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến ISO 14.000 về môi trường 106 doanh nghiệp được hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý ISO 22.000 về an toàn vệ sinh thực phẩm. Khoa học và công nghệ thực sự trở thành đòn bẩy, động lực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
 
Ứng dụng công nghệ xây dựng Thành phố thông minh
 
Xây dựng thành phố thông minh là ứng dụng thành tựu của CNTT để giải quyết một số vấn đề cấp bách của đô thị. Để xây dựng Thành phố thông minh, Hà Nội bắt đầu bằng giao thông thông minh. Thành phố đã triển khai thí điểm ứng dụng tìm kiếm và thanh toán phí trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động (iParking) tại hai tuyến phố Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm. Sau thời gian thí điểm, mô hình này được nhân rộng ra 9 tuyến phố thuộc 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Ðình, Ðống Ða, Hai Bà Trưng. Cùng thời gian này, Thành phố đã giao Tập đoàn FPT xây dựng hệ thống giao thông thông minh. Tháng 4/2018, thành phố đầu tư Trung tâm Giám sát hệ thống thoát nước thành phố và thử nghiệm phần mềm HSDC Maps - cảnh báo úng ngập và gợi ý chỉ đường trên điện thoại thông minh. Phần mềm này có thể tương tác với người dân qua chức năng gửi thông tin sự cố về trung tâm để xử lý. 
 
Trong lĩnh vực môi trường, từ đầu năm 2016, Hà Nội đã vận hành 2 trạm quan trắc chất lượng không khí; công bố thông tin về chất lượng môi trường không khí; thu thập cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý và lập quy hoạch, chính sách về bảo vệ môi trường Thủ đô. Toàn bộ thông tin đã được đưa lên Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội để người dân truy cập. Cuối năm 2017, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết số 11/2017/ NQ-HĐND về việc điều chỉnh chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước thành phố giai đoạn 2016-2020, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Nghị quyết nêu rõ, Hà Nội xây dựng thành phố thông minh bằng việc hình thành Trung tâm Điều hành thông minh TP Hà Nội và một số thành phần cơ bản của thành phố thông minh (giao thông, y tế, du lịch, giáo dục, năng lượng, môi trường thông minh...) và điều chỉnh mức kinh phí thực hiện...
 
Đẩy mạnh CNTT định hình chính quyền điện tử
 
Năm 2007, toàn Thành phố mới có 50% cán bộ công chức có máy tính, trên 60% cơ quan Nhà nước kết nối mạng LAN, internet; 84% cơ quan có cán bộ chuyên trách CNTT, 85% cán bộ công chức biết sử dụng máy tính, 80% sử dụng thư điện tử; 30/43 sở, ngành, quận, huyện sử dụng phần mềm quản lý văn bản; mạng diện rộng của TP kết nối chưa tới 60% sở, ngành, quận, huyện, xã, phường... Đặc biệt, tỉnh Hà Tây (cũ) có nhiều huyện gần như "trắng" về cơ sở hạ tầng, ứng dụng, nguồn nhân lực CNTT.
 
Trong bối cảnh đó, ngay sau hợp nhất, Thành phố đã quyết liệt chỉ đạo, xây dựng và triển khai nhiều chương trình ứng dụng CNTT trên toàn địa bàn. Nhờ cố gắng không ngừng, đến nay, mạng diện rộng Thành phố đã kết nối tới 100% sở, ngành, quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn; 100% sở, ngành, UBND cấp huyện có máy chủ quản trị mạng. 100% sở, ngành, UBND cấp huyện, xã có mạng LAN, Internet kết nối tới mọi phòng, ban và đã sử dụng phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ công việc, phần mềm một cửa điện tử; thiết lập hệ thống thư điện tử công vụ cho 100% cán bộ công chức để trao đổi công việc… Việc giải quyết hồ sơ hành chính nhiều lĩnh vực như xây dựng, quy hoạch, đăng ký kinh doanh luôn được quan tâm cải tiến…
 
Cùng với đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào giải quyết công việc của cơ quan, một kết quả nổi bật nhất của Thành phố trong ứng dụng CNTT vào CCHC là đã triển khai thành công dịch vụ công trực tuyến tới tận cấp xã để đẩy nhanh giải quyết TTHC cho người dân. Nếu 2007, toàn TP mới có 13 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 thì nay đã có 337 dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 169 dịch vụ công trực tuyến mức 4.
 
Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, hiện, Hà Nội đã trở thành điểm sáng của cả nước trong đầu tư mạnh cho hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng CNTT. Hàng năm, Thành phố triển khai các kế hoạch ứng dụng CNTT đúng lộ trình, chuẩn hóa, với nhiều chỉ tiêu cao hơn Chính phủ giao; thường xuyên đôn đốc đẩy nhanh tiến độ với những chỉ tiêu chưa đạt. Nhờ những bước tiến mạnh mẽ trong ứng dụng CNTT, nền tảng chính quyền điện tử tại Thành phố đã cơ bản hình thành và làm cơ sở xây dựng Thành phố thông minh.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t