10 năm thực hiện mở rộng địa giới hành chính Thủ đô:


Bài 1: Động lực để Thủ đô phát triển bền vững (16:48 24/07/2018)


HNP - Ngày 29/5/2008, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 15/2008/QH12 “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”, có hiệu lực từ ngày 1/8/2008. Trong 10 năm qua, quãng thời gian chưa phải là dài so với lịch sử phát triển của Thăng Long - Hà Nội, nhưng là đủ để khẳng định tầm nhìn chiến lược, tính đúng đắn trong quyết định mang tính lịch sử của Đảng và Quốc hội đối với Thủ đô.

Đại lộ Thăng Long - Cửa ngõ phía Tây của Thủ đô


Quyết định lịch sử
 
Trước thời điểm hợp nhất, thành phố Hà Nội đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn, như phạm vi hành chính và không gian diện tích hạn hẹp; nhiều trường đại học, bệnh viện lớn, nhà máy xí nghiệp vẫn trong trung tâm nội thành; quy mô dân số, các hoạt động sản xuất kinh doanh và tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, trong khi hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội luôn trong tình trạng quá tải, mất cân đối ngày càng lớn…
 
Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 15/12/2000 của Bộ Chính trị đã đặt ra yêu cầu Hà Nội cần đảm bảo kinh tế có nhịp độ tăng trưởng cao, ổn định, cơ cấu kinh tế hợp lý, phát triển công nghệ có chọn lọc và ưu tiên phát triển công nghệ cao trong các lĩnh vực sinh học, công nghệ thông tin, cơ khí - tự động hóa; phát triển các ngành dịch vụ, ưu tiên giáo dục - đào tạo, đi đầu trong đào tạo nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, đặc biệt phấn đấu trở thành một trung tâm đào tạo có uy tín ở khu vực… Do đó, việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô là cần thiết, là yêu cầu tất yếu khách quan trong quá trình phát triển.
 
Việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và các tỉnh có liên quan đã trải qua quá trình chuẩn bị khoa học, kỹ lưỡng, bảo đảm tính khả thi và giá trị bền vững. Trước khi trình Quốc hội, các cơ quan chức năng của Chính phủ đã đề ra 6 yêu cầu và 9 tiêu chí tổng hợp làm cơ sở xây dựng và lựa chọn các phương án mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội. Trên cơ sở đó, 5 phương án mở rộng về các hướng khác nhau trên địa giới hành chính của các tỉnh xung quanh Hà Nội đã được đề xuất. 
 
Trong đó, phương án 1 (TP Hà Nội hợp nhất với tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn - Hòa Bình) đã được các đại biểu lựa chọn với số điểm cao nhất. Chiều 29/5/2008, 458 đại biểu Quốc hội (chiếm tỷ lệ 92,9%) đã bấm nút đồng ý thông qua Nghị quyết. Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội đã ký ban hành Nghị quyết số 15/2008/QH12 “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan” - một quyết định mang ý nghĩa lịch sử, mở ra một thời kỳ phát triển mới cho Thủ đô Hà Nội.
 
Hà Nội sau hợp nhất có diện tích tự nhiên trên 3.334 km2, dân số trên 6,2 triệu người, gồm 29 đơn vị hành chính quận, huyện, thị xã. Với không gian, diện tích như vậy đã mở ra điều kiện phát triển cho Thủ đô không chỉ 20-30 năm, mà còn trong tương lai xa hơn, trở thành Thủ đô với các ưu thế và tiềm năng phát triển, đáp ứng mọi yêu cầu về đất đai, dân số, cơ sở hạ tầng… 
 
Phân tích của nhiều chuyên gia, nhà quản lý tại các hội nghị do Hà Nội tổ chức để lấy ý kiến đóng góp vào báo cáo 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan” đều khẳng định, đây là một dấu mốc và bước ngoặt đặc biệt quan trọng trên con đường xây dựng, phát triển Thủ đô lên một tầm cao mới, hướng đến mục tiêu văn minh, hiện đạo, bền vững; là một chủ trương đúng đắn, một quyết sách lịch sử có tầm nhìn xa, trông rộng của Đảng, Nhà nước ta, không chỉ để xây dựng và phát triển Thủ đô, mà còn để phát huy vị trí, vai trò đầu tàu và sức lan tỏa của Thủ đô trong chiến lược phát triển đất nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
 
Đồng thuận trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện
 
Những kết quả toàn diện, to lớn mà Thủ đô Hà Nội đạt được trong 10 năm qua là minh chứng rõ nét nhất cho một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước đã được Hà Nội thực hiện rất hiệu quả. Đây cũng là kết quả của sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm, thậm chí dám hy sinh lợi ích cá nhân để thực hiện mục tiêu chung. Theo đồng chí Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, ý thức sâu sắc và đầy đủ trách nhiệm trước Trung ương và cả nước, ngay từ những ngày đầu triển khai Nghị quyết số 15 của Quốc hội, Đảng bộ TP Hà Nội đã xác định quyết tâm thực hiện Nghị quyết với phương châm “Đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm”, tất cả vì công việc chung, vì sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô của đất nước. 
 
Ngay sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết, lãnh đạo cấp ủy hai Đảng bộ Hà Nội và Hà Tây đã triển khai hết sức khẩn trương hàng trăm, hàng nghìn công việc. Trước tiên là tiến hành hợp nhất tổ chức bộ máy, sắp xếp bố trí cán bộ trong toàn bộ hệ thống chính trị, một công việc quan trọng và đầy khó khăn nhằm bảo đảm sự vận hành thông suốt từ ngày 1/8/2008 cho mọi hoạt động của đời sống xã hội, của nhân dân, của doanh nghiệp. 
 
Tiếp đến là việc nhất thể hóa các cơ chế, chính sách của bốn địa phương đã ban hành trước đó; rà soát, khớp nối các quy hoạch, các dự án, tạo hành lang pháp lý thống nhất cho việc điều hành, quản lý sau khi hợp nhất. Thành công hết sức quan trọng là sau thời điểm hợp nhất, mọi công việc của thành phố từ lớn đến nhỏ, đơn giản đến phức tạp, đều được vận hành và giải quyết suôn sẻ; bộ máy, biên chế không phình ra; trụ sở các cơ quan, đơn vị, cùng toàn bộ cơ sở vật chất của các địa phương hợp nhất được bố trí sử dụng một cách hợp lý, tiết kiệm... Nội bộ lãnh đạo từ thành phố đến các cấp, các ngành luôn đoàn kết, thống nhất, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân, ra sức phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.
 
Cũng nhấn mạnh tinh thần đoàn kết, trách nhiệm trong thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12, nguyên Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho rằng, nhìn lại chặng đường 10 năm qua, có thể khẳng định Hà Nội đã thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ, nhiều việc lớn, việc khó, mà “Nếu không có tinh thần đoàn kết, sự hy sinh vì sự nghiệp chung thì không thể thực hiện được”. 
 
Hà Nội hiện nay không chỉ thực hiện tốt vai trò là trung tâm chính trị, văn hóa, đối ngoại, mà còn là trung tâm kinh tế lớn của cả nước; mối quan hệ hợp tác với các thành phố trong và ngoài nước ngày càng được mở rộng, đi vào thực chất, vị thế của Thủ đô không ngừng được nâng cao. Diện mạo và kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn có bước thay đổi căn bản, theo hướng văn minh, hiện đại…

Nhóm PV


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t