10 năm thực hiện mở rộng địa giới hành chính Thủ đô:


Bài 6: Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế (14:24 26/07/2018)


HNP - Hà Nội mở rộng, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ đã đặt ra cho ngành Y tế Thủ đô nhiều thách thức trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thế nhưng, với mục tiêu tất cả vì người bệnh, ngành Y tế Thành phố đã tập trung đầu tư, phát triển đồng bộ hệ thống y tế chuyên sâu và phổ cập, thu hẹp dần khoảng cách y tế giữa các tuyến, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dịch vụ chất lượng cao ở tuyến cơ sở.

Chú trọng chất lượng khám, chữa bệnh


Sau khi Hà Nội điều chỉnh địa giới hành chính, ngành y tế Thủ đô ngày càng lớn mạnh với 78 đơn vị, trong đó, có 41 bệnh viện, 30 TTYT quận, huyện, thị xã…, trên 23.000 cán bộ, viên chức và người lao động. Cùng với việc làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao hiệu quả các hoạt động về công dân số, đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng, hàng năm, các cơ sở y tế đã khám cho khoảng trên 6 triệu lượt người. Nhiều bệnh viện của Hà Nội đã vươn lên khẳng định được thương hiệu và tự chủ về tài chính, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước như Bệnh viện Tim Hà Nội, Phụ sản Hà Nội, Đa khoa Hòe Nhai, Đa khoa Xanh Pôn.
 
Nguồn nhân lực chất lượng cao cũng được bổ sung thường xuyên bằng việc tuyển dụng hàng năm và trong nhiều năm nay, Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với Trường Đại học Y Hà Nội để đào tạo 25 chỉ tiêu bác sĩ nội trú/năm cho các đơn vị y tế của Hà Nội. Ngành y tế cũng thực hiện hiệu quả công tác cử người hành nghề đi luân phiên hỗ trợ tuyến dưới, chuyển giao kỹ thuật, chính vì vậy, nhiều bệnh viện tuyến huyện đã thực hiện được các kỹ thuật cao, giúp người dân được chăm sóc sức khỏe ngay tại cơ sở. Những năm gần đây, tất cả các bệnh viện tuyến huyện của Hà Nội đã thực hiện được kỹ thuật phẫu thuật nội soi. Các đơn vị tuyến thành phố tiếp tục phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị, nhiều kỹ thuật ngang tầm với các bệnh viện tuyến trung ương ở lĩnh vực sản phụ khoa, tim mạch, ung bướu, phẫu thuật tạo hình.
 
So với năm 2008, trước khi sáp nhập, chất lượng khám chữa bệnh đã được nâng cao; phong cách, thái độ phục vụ bệnh nhân được đổi mới, trách nhiệm hơn; bệnh viện vệ sinh, xanh - sạch - đẹp hơn. Phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị, nhiều kỹ thuật ngang tầm với các bệnh viện Trung ương, khu vực. Hiện nay, 100% bệnh viện tuyến huyện đã thực hiện phẫu thuật nội soi (viêm ruột thừa, u nang buồng trứng, u xơ tiền liệt tuyến, cắt túi mật,...). Phát triển kỹ thuật cao trong các lĩnh vực: sản phụ khoa, tim mạch, ung bướu, phẫu thuật tạo hình, ghép thận. Tính đến hết năm 2017, đã thực hiện ghép thận thành công cho 24 ca và đưa hoạt động ghép thận là hoạt động thường quy của bệnh viện. Tháng 11/2016, ngành Y tế Thủ đô đã đưa Trung tâm và kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội vào hoạt động. Và đến năm 2017, thực hiện thí điểm sàng lọc ung thư đường tiêu hóa sau đó đánh giá và nhân rộng toàn Thành phố.
 
Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh, đã chủ động, quyết liệt kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm được triển khai đồng bộ, chủ động từ Thành phố đến cơ sở. Thực hiện nghiêm túc công tác an toàn thực phẩm. Từ tháng 11/2016, đưa vào sử dụng 03 xe chuyên dụng phục vụ kiểm tra nhanh thực phẩm. Triển khai quản lý các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng (tăng huyết áp, đái tháo đường,...) gắn với phát triển mô hình bác sỹ gia đình. Kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng công tác dược tại các bệnh viện. Quản lý hoạt động cung ứng, lưu thông, buôn bán thuốc trên địa bàn. Tổ chức đấu thầu thuốc tập trung thuốc chữa bệnh. Hà Nội là thành phố đầu tiên triển khai diện rộng hệ thống quản lý hồ sơ sức khoẻ điện tử cho nhân dân và hệ thống quản lý tầm soát ung thư sớm trên địa bàn.
 
Trong giai đoạn 2008 - 2018, các đơn vị y tế trong ngành luôn nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính, cải tiến khoa khám bệnh, triển khai bệnh viện vệ sinh, bệnh viện xanh - sạch - đẹp, tăng cường quản lý chất lượng bệnh viện, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh cho bệnh nhân. Năm 2017, Sở Y tế đã tiến hành khảo sát 67 bệnh viện trong và ngoài công lập đánh giá sự hài lòng của người bệnh, nhân viên y tế và đã có 84,2% người bệnh ngoại trú hài lòng và rất hài lòng, tỷ lệ này ở người bệnh điều trị nội trú là 91,36%.
 
Công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình cũng được Thành phố và ngành quan tâm. Tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 72%, sàng lọc sơ sinh đạt 82%. Tỷ lệ giới tính khi sinh đạt 114 trẻ nam/100 trẻ nữ. Năm 2018, ngành y tế Thủ đô phấn đấu tỷ suất sinh giảm còn 15,5‰, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn 6,57%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 8,4%; số giường bệnh/vạn dân đạt 24,5 và số bác sỹ/vạn dân đạt 13,3.
 
Trong chặng đường cuối của giai đoạn 2008-2018, Hà Nội đã có 5 bệnh viện tự chủ tài chính (năm 2017) và trước khi kết thúc giai đoạn 10 năm, Hà Nội tiếp tục có thêm 13 bệnh viện thực hiện tự chủ về thu - chi. Và điều này đặt ra những nhiệm vụ mới cho ngành Y tế Thủ đô trong thời gian tới. Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết, những đổi thay về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực tại hệ thống cơ sở y tế trên địa bàn Thủ đô thời gian qua là rất cần nhưng chưa đủ, quan trọng là y đức người thầy thuốc. Người thầy thuốc không chỉ khám bệnh bằng trình độ, năng lực chuyên môn mà phải bằng cả tấm lòng, trách nhiệm với người bệnh, góp phần tạo niềm tin yêu hơn nữa nơi người dân Thủ đô đối với ngành Y tế Hà Nội.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t