10 năm thực hiện mở rộng địa giới hành chính Thủ đô:


Bài 4: Phát huy bản sắc văn hóa thanh lịch của người Tràng An (10:53 26/07/2018)


HNP - Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội về “Điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”, Thủ đô Hà Nội đã có bước phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, tiêu chí văn hóa của người dân Thủ đô được nâng cao, nét thanh lịch, văn minh của người Tràng An được lan tỏa…

Lễ cưới tập thể tại Thủ đô theo định hướng trang trọng - vui tươi - lành mạnh - tiết kiệm


Hưởng ứng các phong trào - mô hình văn hóa 
 
Giai đoạn 2008-2018, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Hà Nội đã có nhiều chuyển biến. Nhất là sự tích cực tham gia vào các phong trào, mô hình văn hóa ngày càng được người dân quan tâm và ủng hộ. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các mô hình “Gia đình văn hóa”; “Tổ dân phố văn hóa”; “Làng văn hóa”; “Đơn vị văn hóa”; “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”; “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”... đã và đang đi vào nền nếp, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần giữ vững và ổn định tình hình chính trị - xã hội ở các địa phương, đơn vị. Cụ thể, tỷ lệ Tổ dân phố văn hóa, Làng văn hóa, Gia đình văn hóa tăng lên. Nếu như năm 2008, tỷ lệ này đạt 60,1%; 40,7% và 82,4% thì đến năm 2017, cả 3 tỷ lệ cùng tăng lên đạt 70,5%, 60% và 86,5%. 
 
Nhiều mô hình cưới mới được đông đảo người dân hưởng ứng theo định hướng cưới "Trang trọng - Vui tươi - Lành mạnh - Tiết kiệm". Qua đó, đã thể hiện được mong muốn của đại đa số các tầng lớp nhân dân nhằm tránh các hiện tượng tiêu cực trong tổ chức lễ cưới... Trong khoảng 10 năm qua, Quy ước cưới đang từng bước phát huy tác dụng góp phần làm lành mạnh trong tổ chức cưới ở nhiều nơi, đặc biệt là khu vực ngoại thành Hà Nội đã có những tiến bộ rõ rệt. Hầu hết các đám cưới không còn sử dụng thuốc lá, chỉ tiến hành trong một ngày, không tổ chức nhiều ngày kéo theo ăn uống tràn lan...
 
Việc tổ chức tang lễ trên địa bàn Thành phố cũng được triển khai khá tốt phù hợp với nếp sống văn minh. Từ khi có quy ước, quy định việc tổ chức tang lễ hầu hết theo đáp ứng được tinh thần: Trang nghiêm - Tiết kiệm - Nghĩa tình. Các thôn, làng, tổ dân phố đã thành lập Ban tổ chức tang lễ thống nhất quy trình, nghi thức phù hợp với tinh thần Quy ước, ít tốn kém, thể hiện mối quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong cộng đồng khi khó khăn, hoạn nạn. Tình trạng tổ chức tang lễ rườm rà, kéo dài nhiều ngày, ăn uống tràn lan... được khắc phục. Các hủ tục trong tang lễ như: Lăn đường, khóc mướn, chơi cờ bạc... hầu như không còn.
 
Bộ Quy tắc ứng xử - văn minh người Tràng An
 
Xây dựng văn hóa - con người Hà Nội là một chủ trương lớn của Thành phố, thể hiện rõ nét qua Chương trình 04 của Thành ủy về "Phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" trong nhiều năm qua. Ðể cụ thể hóa Chương trình 04, góp phần thiết thực xây dựng văn hóa ứng xử của người Hà Nội cũng như đáp ứng sự phát triển sau khi mở rộng địa giới hành chính, năm 2017, UBND Thành phố đã ban hành Quy tắc ứng xử cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan trực thuộc và Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Đây là hệ giá trị chuẩn trong văn hóa ứng xử thời hiện đại của Thủ đô. Việc triển khai hai Quy tắc ứng xử này đã cải thiện văn hóa ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, của người dân tại các địa điểm công cộng...
 
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Tô Văn Động, Hà Nội là Thành phố tiên phong của cả nước xây dựng, ban hành 2 bộ Quy tắc ứng xử, thể hiện sự quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền Thành phố trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh. Hiện, 2 bộ Quy tắc ứng xử đã bước đầu đã đi vào cuộc sống. Đặc biệt, bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan đã có kết quả rõ nét hơn. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động luôn chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, không sử dụng phương tiện công vào việc riêng. Thái độ ứng xử của công chức đúng mực, niềm nở với người dân và am hiểu pháp luật, quy trình thủ tục…
 
Cùng với Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, Quy tắc ứng xử nơi công cộng cũng được triển khai rộng rãi và nhận được sự hưởng ứng của hầu hết các cộng đồng dân cư. Tùy theo từng đối tượng điều chỉnh trong quy tắc, đã niêm yết công khai quy tắc tại trụ sở UBND các xã, thị trấn, Trung tâm văn hóa - thể thao thôn làng, tổ dân phố. Các điểm di tích cũng đã được niêm yết công khai để các du khách chấp hành theo đúng quy định… 
 
Cùng với những phong trào, mô hình văn hóa, Quy tắc ứng xử đã phần nào lan tỏa những nét đẹp trong cuộc sống người dân Thủ đô trong 10 năm qua. Người dân ý thức hơn trong việc xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch, qua đó, dần dần "thẩm thấu" vào cuộc sống, định hình nét văn hóa thanh lịch của người Hà Nội thời kỳ hiện đại.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t