Phát huy tốt hơn phương châm "4 tại chỗ" trong PCCC, cứu nạn cứu hộ (14:22 10/07/2018)


HNP - Sáng 10/7, Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND Thành phố tổ chức hội nghị giao ban với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý II/2018. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu Thành ủy Hà Nội (số 217 Trần Phú - Hà Đông) với các điểm cầu 30 quận, huyện, thị xã.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung điều hành hội nghị


Các đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP chủ trì hội nghị.
 
Hội nghị lần này tập trung vào 3 nội dung: Tăng cường các biện pháp đảm bảo công tác phòng cháy và chữa cháy, ứng phó, khắc phục xử lý sự cố thiên tai và cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn Thành phố; công tác cấp nước sạch và tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của Thành phố.
 
Trong 6 tháng đầu năm xảy ra 411 vụ cháy
 
Báo cáo tại hội nghị về tình hình, kết quả tăng cường các biện pháp đảm bảo công tác phòng cháy và chữa cháy, ứng phó, khắc phục xử lý sự cố thiên tai và cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn Thành phố, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) Thành phố cho biết, qua điều tra cơ bản đến tháng 6/2018, toàn Thành phố có gần 500 nghìn nhà liền kề (dạng ống); 44.141 cơ sở (tăng 855 cơ sở so với năm 2017), trong đó có 8.234 cơ sở nguy hiểm về cháy nổ. 
 
Trong 6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn Thành phố xảy ra 411 vụ cháy (2 vụ cháy lớn, 7 vụ cháy nghiêm trọng, 6 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng…) làm 4 người chết, 9 người bị thương, thiệt hại ước tính trên 263 tỷ đồng và 1,8ha rừng. Cùng thời gian này, trên địa bàn Thành phố cũng xảy ra 2 vụ nổ, làm 5 người bị thương, thiệt hại về tài sản 325 triệu đồng (so với cùng kỳ năm 2017 giảm 1 vụ, giảm 3 người chết, tăng 1 người bị thương, thiệt hại tài sản giảm gần 100 triệu đồng).
 
Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hoàng Quốc Định báo cáo tại hội nghị
 
Về công tác cứu nạn, cứu hộ, lực lượng cảnh sát PCCC đã tổ chức cứu nạn, cứu hộ 53 vụ, cứu được 80 người, trong đó có 9 vụ cháy, 1 vụ nổ, 22 vụ mắc kẹt trong thang máy trên tầng cao, 10 vụ đuối nước, 25 vụ tai nạn giao thông…
 
Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC nhận định, tình hình cháy nổ trong thời gian qua còn diễn biến phức tạp, vẫn xảy ra các vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, tập trung ở những cơ sở sản xuất, kinh doanh xen cài trong khu dân cư hoặc nhà dân kết hợp kinh doanh, dịch vụ… Nguyên nhân do quá trình đô thị hóa nhanh, gia tăng về quy mô và diện tích các công trình như khách sạn, tổ hợp văn phòng, các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, cùng với sự gia tăng về dân số cơ học, các nguyên, nhiên liệu, chất dễ cháy được sử dụng ngày càng gia tăng và đa dạng…
 
Bên cạnh đó, nhận thức của nhiều người dân về PCCC còn hạn chế, còn lơ là, chủ quan, chưa chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật về PCCC; việc đầu tư cho hệ thống PCCC tại chỗ ở nhiều nơi còn mang tính hình thức, đối phó, còn nhiều vi phạm về PCCC chậm được khắc phục. Công tác tuyên truyền về PCCC chưa đáp ứng yêu cầu; công tác nắm địa bàn, việc kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm về an toàn PCCC còn chậm và để lọt, để sót; công tác PCCC, cứu nạn cứu hộ cơ sở chưa phát huy được phương châm “4 tại chỗ”.
 
Quan tâm xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ
 
Phát biểu tham luận tại hội nghị, Giám đốc Công an Thành phố Đoàn Duy Khương nhấn mạnh những tiềm ẩn nguy hiểm về cháy nổ. Qua các đợt kiểm tra cho thấy lực lượng PCCC cơ sở còn rất yếu. “Nhiều cơ sở đi kiểm tra cũng để bình chữa cháy nhưng khi yêu cầu thao tác sử dụng thì rất lóng ngóng”, Giám đốc Công an Thành phố nêu. Do vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức PCCC của nhân dân, cần xử lý nghiêm các cơ sở không tuân thủ quy định pháp luật về PCCC. Đặc biệt phải xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ hoạt động hiệu quả để hỗ trợ cho lực lượng chuyên trách xử lý các đám cháy ngay từ đầu.
 
Nêu 4 nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong công tác PCCC, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam cho rằng, trước hết là do ý thức, trách nhiệm chấp hành quy định pháp luật về PCCC của người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp chưa cao, còn coi đó là trách nhiệm của lực lượng Cảnh sát PCCC; nhiều nơi chính quyền chưa quan tâm, chưa làm hết trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC; công tác phối hợp giữa Cảnh sát PCCC với Công an và chính quyền địa phương chưa tốt; kỹ năng, nghiệp vụ chữa cháy, cứu hộ cứu nạn cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Theo ông Nguyễn Hoài Nam, ngoài những giải pháp đã nêu, quan trọng nhất là phải xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong công tác này.
 
Là một địa bàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm chia sẻ, UBND quận đã phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC số 1 xây dựng kế hoạch tổng thể về PCCC trên địa bàn quận, tập trung vào những địa bàn trọng điểm như khu phố cổ, khu nhà gỗ 2 phường ngoài đê, khu chợ đêm, chợ Đồng Xuân, phố đi bộ… Quận cũng bố trí 1 đội PCCC chuyên nghiệp đặt tại 1A Trần Quang Khải, rà soát trang thiết bị PCCC; xây dựng phương án phối hợp giữa Cảnh sát PCCC với Công an quận, Ban Chỉ huy Quân sự quận. Cùng với đó kiện toàn lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở.
 
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu
 
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, đối với những công trình vi phạm về PCCC, Ban cán sự Đảng UBND TP đã yêu cầu những chủ đầu tư có sai phạm mà chưa khắc phục thì sẽ không được cấp dự án mới, nhờ đó, tiến độ khắc phục vi phạm về PCCC có chuyển biến. Trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TP đề nghị các quận, huyện rà soát lại toàn bộ công cụ, vật tư, phương tiện phục vụ PCCC và cứu nạn, cứu hộ; xây dựng phương án, kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể trong thực hiện công tác này.
 
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận hội nghị
 
Kết luận nội dung này, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đánh giá: Tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND TP đối với các giải pháp tăng cường PCCC, cứu nạn cứu hộ đã lan tỏa tới các quận, huyện, nhận thức và ý thức trách nhiệm về PCCC đã được nâng lên. Theo Bí thư Thành ủy, dù có chuyển biến trong PCCC, nhưng nguy cơ còn rất lớn. Nguyên nhân có nhiều, nhưng quan trọng nhất là trách nhiệm của cấp quản lý, của người đứng đầu các đơn vị. “Tất cả các vụ cháy đều có trách nhiệm quản lý nhà nước”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
 
Cũng theo Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, hiện nay, vẫn còn trên 800 vụ cháy mỗi năm mà chưa có chiều hướng giảm, trong khi công tác PCCC ở các cơ quan, đơn vị, hộ gia đình chưa được quan tâm đúng mức; công tác thực hiện phương châm “4 tại chỗ” có nơi chưa làm tốt.
 
Đồng chí đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, xác định rõ trách nhiệm trong công tác PCCC. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng kiến thức pháp luật, kỹ năng PCCC. “Từng cơ quan, đơn vị đến các hộ gia đình phải xây dựng phương án PCCC của mình, xác định rõ những nguy cơ dễ phát sinh cháy nổ để có phương án PCCC và cứu hộ, cứu nạn”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh. Đối với những khu du lịch, khu tập trung đông người đã có phương án PCCC thì phải phổ biến rộng rãi cho người dân, du khách.
 
Cùng với đó, tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các đội PCCC cơ sở để thực hiện tốt hơn phương châm “4 tại chỗ”. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là những công trình nhà cao tầng phải được kiểm tra ngay từ đầu, đủ điều kiện về PCCC mới được cho dân vào ở, Bí thư Thành ủy yêu cầu.

Nhóm PV


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t