Hà Nội trở thành địa phương đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn FDI (09:42 17/06/2018)


HNP - Tại Hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, diễn ra sáng nay 17/6, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP đã có bài phát biểu quan trọng thông báo về kết quả thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của thành phố trong những năm qua và định hướng phát triển của Thành phố trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển”


Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết: Hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển” là sự nối tiếp thành công của Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016 và năm 2017. Kiên định với mục tiêu “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”, tiếp tục “cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”, “đồng hành cùng doanh nghiệp” và “phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Thủ đô”.  Đồng thời, tận dụng, nắm bắt cơ hội của cuộc cách mạng 4.0 để nhanh chóng xây dựng cơ sở hạ tầng cho nền tảng phát triển thành phố thông minh. Kết hợp với mục tiêu “Đẩy mạnh hợp tác toàn diện, mở rộng không gian liên kết kinh tế vùng” nhằm đảm bảo cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô được toàn diện, bền vững và tạo sự kết nối lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô ra toàn vùng.
 
Kinh tế Thủ đô phát triển bền vững với nhiều kết quả nổi bật
 
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định: Kinh tế - xã hội Thủ đô, trong những năm qua và 6 tháng đầu năm 2018, tiếp tục phát triển toàn diện và đạt những kết quả nổi bật. Nền kinh tế tiếp tục duy trì mức tăng trưởng nhanh, bền vững: Năm 2016, tăng 7,15%; năm 2017, tăng 7,31%; 6 tháng đầu năm 2018 ước tăng 7,07%. Tổng vốn đầu tư xã hội tăng trưởng đều: Năm 2016, đạt 278.880 tỷ đồng, tăng 10,37%; Năm 2017, đạt 308.219 tỷ đồng, tăng 10,52%; 6 tháng đầu năm 2018, ước đạt 128.900 tỷ đồng, tăng 9,9%. Đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước chiếm tỷ trọng cao (51,1%). Đến nay, đã có 2.200 dự án từ nguồn vốn tư nhân với tổng mức đầu tư 1.070.000 tỷ đồng. Đầu tư trực tiếp nước ngoài, lũy kế đến 15/6/2018, có trên 4.300 dự án, vốn đầu tư đăng ký đạt 33 tỷ 380 triệu đô la Mỹ, trong đó, riêng 02, năm 2016 - 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, thu hút được 12 tỷ 460 triệu đô la Mỹ, bằng 59% tổng số vốn đầu tư đã thu hút từ giai đoạn 1986 - 2015.
 
Thành phố Hà Nội cũng đã khai trương và vận hành “Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo”; “Cổng thông tin khởi nghiệp StartupCity.vn”, “Cổng thông tin doanh nghiệp Hà Nội”; đã có 14/27 nhóm khởi nghiệp đăng ký các ý tưởng sáng tạo được chính thức tiếp nhận hồ sơ dự án. Trong 2 năm 2016 - 2017, có 47.826 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn 472.760 tỷ đồng, đưa tổng số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn đến nay đạt trên 250.000 đơn vị.
 
Lĩnh vực giáo dục, từ năm 2016 đến nay, toàn Thành phố đã xây mới và cải tạo được 177 trường với 6.209 phòng học; đã công nhận mới được 249 trường chuẩn quốc gia, nâng tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia toàn Thành phố lên 62%. Trong lĩnh vực y tế đã từng bước đổi mới phong cách, thái độ phục vụ bệnh nhân, hướng tới sự hài lòng của người bệnh; tiếp nhận chuyển giao gần 30 kỹ thuật mới trong điều trị, phát hiện sớm các loại bệnh.
 
Hà Nội cũng đã tổ chức nhiều lễ hội, sự kiện giao lưu văn hóa quốc tế tại không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm, phố Trịnh Công Sơn, phố bích họa Phùng Hưng góp phần thúc đẩy phát triển du lịch. Năm 2017, Hà Nội đón 23 triệu 830 nghìn lượt khách du lịch, trong đó, khách quốc tế tăng 23% so với năm 2016; 6 tháng đầu năm 2018 tăng 27% so với cùng kỳ năm 2017. Qua đó, Hà Nội được xếp hạng trong nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.
 
Đạt nhiều hiệu quả từ Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2016, 2017
 
Tại các Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2016, 2017, Thành phố đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 71 dự án (trong đó: năm 2016: 23 dự án, tổng vốn đầu tư là 36.919 tỷ đồng, năm 2017: 48 dự án, tổng vốn đầu tư 74.369 tỷ đồng).
 
Đến nay, 62 dự án đã thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, khởi công và xây dựng, hoạt động; 09 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Đặc biệt, đến nay, đã có 23 nhà đầu tư với 34 dự án cấp nước sạch đã được phê duyệt, với tổng công suất 2.105.000 m3/ngày đêm, đã phủ được 94% diện tích cấp nước sạch cho các vùng nông thôn trên địa bàn Thành phố. Đến ngày 31/5/2018, đã có 52% nhân dân các huyện ngoại thành được cấp nước sạch theo tiêu chí nước đô thị.
 
Trong số 135 dự án giới thiệu kêu gọi đầu tư có 21 dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư, nhiều nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu thông tin đối với các dự án còn lại.
 
Định hướng thu hút đầu tư những năm tiếp theo của thành phố Hà Nội
 
Để đạt được mục tiêu xây dựng Thành phố “Xanh, Văn hiến, Văn minh, Hiện đại” hướng tới xây dựng thành phố thông minh; giữ vững danh hiệu thành phố Hòa bình, giữ được tốc độ phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, Thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục: Đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, ứng dụng công nghệ thông tin; chủ động tham gia và nắm bắt cơ hội thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế; phát triển Hà Nội thành trung tâm khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo - thành phố thông minh. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Huy động tối đa nguồn lực, tạo bước đột phá về phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung.
 
Bên cạnh đó, Thành phố sẽ tập trung xây dựng Hà Nội thành trung tâm dịch vụ chất lượng cao của cả nước và khu vực. Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, hướng tới đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn khu vực và thế giới trong các lĩnh vực cung cấp nước sạch, sử dụng năng lượng xanh, xử lý rác thải, xử lý ô nhiễm môi trường, đảm bảo mục tiêu phát triển xanh, bền vững. Hà Nội cùng các Tỉnh, Thành phố trong vùng, sẽ xây dựng kế hoạch khai thác tối đa mọi tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương để giải quyết các vấn đề chung như: xử lý môi trường; phát triển năng lượng xanh; khởi nghiệp, kết nối hạ tầng giao thông, tiêu thụ, chế biến, nông, lâm, hải sản, dịch vụ, du lịch. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; tăng cường các hoạt động đối ngoại, các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá du lịch, nhất là với thủ đô các nước, các tập đoàn lớn, xuyên quốc gia; đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các thành tựu khoa học - công nghệ mới trên mọi lĩnh vực.
 
Trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án
 
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, tại Hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển” thành phố Hà Nội sẽ trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư 397.335 tỷ đồng (tương đương với hơn 17 tỷ  đô la Mỹ). Trong đó, có 11 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 130.061 tỷ đồng (tương đương 5 tỷ 428 triệu đô la Mỹ), 60 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đầu tư là 267.274 tỷ đồng. Đồng thời, thành phố Hà Nội, các Tỉnh, Thành phố trong Vùng, Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc cùng các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ trao 24 Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư trên nhiều lĩnh vực với tổng mức đầu tư, dự kiến trong thời gian tới, khoảng gần 70.000 tỷ đồng.
 
Với kết quả này, đã đưa Hà Nội trở thành địa phương đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn FDI và lần đầu tiên trong 30 năm qua: 6 tháng đầu năm 2018, với tổng số vốn FDI thu hút là 5 tỷ 915 triệu đô la Mỹ, Hà Nội đã tạm vượt lên đứng thứ nhất cả nước của năm 2018.
 
Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội và các tỉnh trong Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng Thủ đô, Ban Quản lý khu Công nghệ cao Hòa Lạc tiếp tục ưu tiên và kêu gọi đầu tư các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, năng lượng sạch và các dự án liên kết, phát triển Vùng, các dự án xây dựng nhà ở cho công nhân; các nhà máy xử lý rác thải, xử lý bùn; xây dựng nông nghiệp công nghệ cao; các nhà máy chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm; chăn nuôi, chế biến nông, lâm, thủy, hải sản; các trường học, trường đại học, trường dạy nghề; các ngành công nghiệp chế tạo, công nghiệp phụ trợ... Trong đó, có 553 dự án giới thiệu đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp gồm: 161 dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật; 36 dự án phát triển hạ tầng xã hội; 91 dự án phát triển hạ tầng thương mại dịch vụ, du lịch; 75 dự án nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 90 dự án kinh doanh bất động sản. 
 
Thành phố Hà Nội cam kết
 
Thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng, đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ, kiên định với mục tiêu “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”; Sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu các đề nghị và đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo; Tập trung hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mua bán, chuyển giao công nghệ, đặc biệt là các công nghệ tiết kiệm, tái tạo năng lượng, bảo vệ môi trường, các giải pháp phòng chống biến đổi khí hậu…

Nhóm PV


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t