Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ triển khai nhiệm vụ năm 2018 (20:12 08/02/2018)


HNP - Sáng 8/2, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018. Đồng chí Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu Hà Nội có Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu cùng lãnh đạo một số sở, ngành Thành phố.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị


Năm 2017, công tác cải cách hành chính tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ (Ban Chỉ đạo) và các thành viên Ban Chỉ đạo quan tâm, chỉ đạo xuyên suốt, linh hoạt và toàn diện nhằm đẩy nhanh tiến trình cải cách, hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội trong năm, đồng thời, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập của đất nước.

Xác định công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong năm 2017, nhất là các thể chế về doanh nghiệp, đầu tư, kinh doanh và an sinh xã hội, Chính phủ đã tham mưu, trình Quốc hội ban hành 18 luật; các bộ, ngành đã trình Chính phủ ban hành 166 nghị định để điều chỉnh các quan hệ kinh tế - xã hội mới phát sinh. Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã giảm mạnh so với trước (giảm 41,67% so với cùng kỳ năm 2016). Công tác rà soát, kiểm tra và xử lý văn bản tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả.

Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đơn giản hóa giấy tờ công dân đã có những bước tiến rõ rệt. Thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thường xuyên được rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa, góp phần tạo lập hệ thống hỗ trợ khởi sự kinh doanh, thúc đẩy tự do sáng tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Từ đầu năm đến nay, đã có gần 127.000 doanh nghiệp thành lập mới. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng cao nhất trong 10 năm, đạt khoảng 17,5 tỷ USD. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc so với năm 2016, xếp vị trí thứ 68/190 quốc gia và nằm trong nhóm dẫn đầu của các nước ASEAN.

Hạ tầng công nghệ thông tin đã được các cơ quan, đơn vị quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu công việc, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin của các bộ, ngành, địa phương đã mang lại kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức.

 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu tham luận tại Hội nghị


Tham luận tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu cho biết, Công tác Cải cách hành chính (CCHC) trong những năm qua luôn được thành phố Hà Nội xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá. Năm 2017, Thành phố chọn chủ đề công tác là “Năm kỷ cương hành chính” nhằm “Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đổi mới lề lối, phong cách làm việc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội”.

Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thành ủy, HĐND Thành phố, công tác CCHC của thành phố Hà Nội năm 2017 tiếp tục được triển khai toàn diện, thực hiện hiệu quả, có nhiều chuyển biến tích cực; các nhiệm vụ CCHC về cơ bản hoàn thành theo tiến độ kế hoạch.

Sự nỗ lực, cố gắng của Thành phố đã được cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao qua các chỉ số như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 10 bậc, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố, cao nhất từ trước tới nay; Chỉ số CCHC (PAR INDEX) xếp thứ 3 cả nước (tăng 6 bậc); Chỉ số về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT) xếp thứ 2 cả nước. Hà Nội là địa phương đứng đầu toàn quốc về số lượng hồ sơ giao dịch qua mạng và cũng là địa phương duy nhất cung cấp dịch công mức 3 trong lĩnh vực tư pháp đồng bộ tới 100% xã, phường có liên thông dữ liệu với Bảo hiểm xã hội và Công an Thành phố trên cơ sở khai thác cơ sở dữ liệu dân cư.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng đã thực hiện thành công việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 39/NQ-TW của Bộ Chính trị; hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính; kiện toàn, tổ chức lại số lượng lớn các đơn vị sự nghiệp, đã sắp xếp xong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Thành phố, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cấp huyện được tổ chức lại theo hướng tinh gọn, đa ngành, đa lĩnh vực, phù hợp với thực tiễn và gắn với đề án vị trí việc làm. Đây là lần kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy lớn nhất từ trước đến nay, Hà Nội là một trong địa phương đầu tiên của cả nước triển khai quyết liệt và thành công, được Trung ương và dư luận đánh giá rất cao.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá: Ccông tác cải cách hành chính trong năm vừa qua đã được triển khai thực hiện tương đối đồng bộ, đạt được nhũng kết quả tích cực, nhờ đó, tạo nhiều chuyển biến trong hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước các cấp theo hướng kiến tạo, phục vụ.

Năm 2018, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, phổ biến quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, làm chuyển biến nhận thức trong toàn hệ thống chính trị và bộ máy công quyền, làm cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “cán bộ là công bộc của dân, phải gần dân, hiểu dân, học dân, trọng dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân”.
 
Đẩy mạnh thực hiện đổi mới, sắp xếp và kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật, đặc biệt là thể chế về phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin và truyền thông, giáo dục và đào tạo để tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, thuế, hải quan, nông nghiệp, nông thôn, ứng dụng công nghệ thông tin, khởi nghiệp, phát triển du lịch, tiếp cận tín dụng, bảo hiểm xã hội, chính sách đối với người có công, lý lịch tư pháp, hộ tịch...; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, nhân rộng mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công hoạt động hiệu quả ở các địa phương.

Tiếp tục phát huy vai trò của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tại các bộ, ngành, địa phương trong việc đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; các bộ, ngành, địa phương; khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng, phê duyệt bản mô tả công việc và khung năng lực của từng vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính theo danh mục đã được phê duyệt, làm cơ sở cho việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách tinh giản biên chế theo quy định.

Hoàn thành việc triển khai xác định, công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2017 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2017.


Lê Hải


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t