Khâm Thiên khắc sâu căm thù giặc Mỹ - 26/12/1972 (09:39 21/12/2017)


HNP - Trong guồng quay của kế hoạch đưa Hà Nội về thời kỳ đồ đá, ngoài khu quân sự, Mỹ còn cho B52 rải thảm xuống các bệnh viện, trường học và khu dân cư. Khâm Thiên, ngày 26/12/1972, chìm trong biển lửa và sau một đêm bị san bằng trong đổ nát.

Một góc phố Khâm Thiên sau trận rải thảm bom B52 của đế quốc Mỹ. Ảnh tư liệu


Sau hồi báo động, vào khoảng 22h45 phút, ngày 26/12/1972, giặc Mỹ đã cho máy bay B52 từng đợt mưa bom rải thảm xuống dọc phố và khu chợ Khâm Thiên, con phố đông đúc của trung tâm thành phố Hà Nội. Trong đó, các khối 42, 43, 46, 47 bị hủy diệt, đổ nát hoàn toàn. Nhà trẻ, lớp mẫu giáo, cửa hàng lương thực thực phẩm, chợ Khâm Thiên, di tích lịch sử văn hóa đình Tương Thuận, trạm y tế và nhiều cơ sở sản xuất thủ công, hàng nghìn căn hộ, nhà dân bị san bằng trong đổ nát. Sau vệt bom kéo dài 1000m với chiều rộng 40-50m; 3 căn hộ liền nhau có số nhà 47, 49, 51 bị san phẳng.

Khi ngừng tiếng bom, các lực lượng trực chiến, dân quân tự vệ đã nhanh chóng có mặt để đào bới, cứu những người bị thương. Theo số liệu công bố treo tại phòng lưu niệm, Đài tưởng niệm Khâm Thiên, trong trận bom B52 này, giặc Mỹ đã sát hại 287 người (trong đó có: 40 cụ già, 56 trẻ em, 94 phụ nữ; 97 nam giới); làm bị thương 290 người (trong đó có: 20 cụ già, 31 trẻ em, 104 phụ nữ; 109 nam giới); Làm cho 178 cháu bị mồ côi (trong đó có: 66 cháu mồ côi cha lẫn mẹ, 112 cháu mồ côi cha hoặc mẹ); đã phá hủy hoàn toàn 534 ngôi nhà, làm hư hỏng 1.200 ngôi và phá hủy hoàn toàn hệ thống dây điện, cột điện của phố Khâm Thiên; cả 17 khối phố bị quân Mỹ giải bom, trong đó, 4 khối phố bị san phẳng, phá hủy hoàn toàn, dấu vết còn lại của sự hủy diệt chỉ là những hố bom lổn nhổn gạch đất.

Đêm ngày 26/12/1972, đã để lại nhiều trường hợp vô cùng đau thương, có gia đình 14 người thì 9 người chết, còn lại 3 người cũng bị thương nặng. Đau xót hơn có cô giáo đang chuẩn bị để đi sinh con ở nhà hộ sinh cũng bị trúng bom chết, tay vẫn còn cầm những tã lót cho bé sơ sinh. Rồi những đôi vợ chồng vừa tổ chức lễ cưới cũng cùng nằm xuống... Đế quốc Mỹ đã cướp đi cuộc sống êm ấm của bao gia đình.

Cũng trong đợt ném bom cao điểm của đế quốc Mỹ trong 12 ngày đêm năm 1972, nhiều người trong đợt giải cứu phố Khâm Thiên đã kể lại cho nhau nghe về hình ảnh hai mẹ con ở ngôi nhà số 47 Khâm Thiên bị sức ép của bom B52 cướp đi sinh mạng. Người mẹ ấy chết nhưng vẫn giữ nguyên tư thế đứng ôm chặt, che chở cho con. Và người con bé bỏng, tuy không còn sống nhưng tấm thân còn mềm, cánh tay vẫn bám chặt vào mẹ như muốn bấu víu vào cuộc sống mỏng manh. Tuy không có mặt tại hiện trường cuộc giải cứu nhưng khi nghe kể về hình ảnh đau thương ấy, cảm xúc thương xót dâng trào và họa sỹ Nguyễn Tự (lúc đó là họa sĩ công tác tại Công ty mỹ thuật thuộc Sở Văn hóa Hà Nội) đã nảy ra ý định làm một điều gì đó để tố cáo tội ác này của giặc Mỹ. Sau đó, ông đã bắt tay vào chế tác thời gian liên tục 18 ngày đêm, đã cho ra tác phẩm điêu khắc "người mẹ đứng trên tay bế con nằm ngửa, chân đạp lên quả bom B.52 chưa nổ", cao 2,4m. Bức tượng được họa sỹ Nguyễn Tự khắc họa lấy nguyên mẫu hình ảnh người phụ nữ, tay ôm đứa con đã chết, tóc xoã, cùng với nét mặt đau khổ vì mất mát, nhưng không khóc lóc, bước chân nhấc lên cao đạp lên bom Mỹ. Đó là hình ảnh người phụ nữ với tinh thần mạnh hơn cái chết, hơn cả sự hủy diệt của bom đạn. Trong tâm trạng xúc động, người họa sĩ đã thực hiện công việc chắp nối, cụ thể hóa, khái quát những hình ảnh ấy để trở thành một hình tượng nghệ thuật. Hình ảnh đó có giá trị tố cáo tội ác của giặc Mỹ và thể hiện tình thần bất khuất của người dân Việt trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc.

 


Bức tượng đầu tiên bằng xi măng do họa sĩ Nguyễn Tự chế tác


Để ghi lại tội ác đẫm máu của đế quốc Mỹ, Ủy ban Hành chính thành phố đã ra văn bản số 47/UB-QĐ ngày 25/5/1973, Quyết định xây dựng ngay tại vị trí ba ngôi nhà số 47, 49, 51 bị bom Mỹ san phẳng một khu di tích ghi dấu tội ác đẫm máu của đế quốc Mỹ ném bom hủy diệt giết hại dân thường. Và dựng tấm bia: “Khâm Thiên khắc sâu căm thù giặc Mỹ” bằng vật liệu gỗ và cót ép sơn màu trắng.

Một thời gian sau, tại vị trí 3 ngôi nhà với diện tích 8.200m2, ý tưởng xây dựng tượng đài sao cho xứng đáng với tinh thần của nhân dân Khâm Thiên nói riêng và nhân dân Hà Nội nói chung trong đợt chiến đấu với vũ khí hủy diệt B52 của giặc Mỹ năm 1972 được phát động. Như một cơ duyên, tác phẩm điêu khắc của họa sĩ Nguyễn Tự được chọn và được đặt tại Đài tưởng niệm nạn nhân Khâm Thiên (nay là số 49 phố Khâm Thiên, phường Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội).

Đến năm 1997, bức tượng bằng bê tông đổi tên là: “Đài tưởng niệm Khâm Thiên”; Năm 2000, tượng đài được đúc bằng đồng theo nguyên mẫu tượng xi măng, được đặt trước cột bia căm thù đã thay thế chỗ đặt bức tượng làm bằng xi măng. Tượng xi măng được cất giữ nguyên vẹn vào phòng lưu niệm, trưng bày cùng với các ảnh về chiến thắng B.52 ở Khâm Thiên. Bốn góc chung quanh có trồng 4 cây đại và 2 cây ngâu. Ai đến đây đều có cảm giác mình vào một ngôi đền thờ cổ kính, linh thiêng. “Khu di tích Khâm Thiên - nơi ghi tội ác của giặc Mỹ ném bom hủy diệt khu đông dân bằng máy bay B52” đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa ký Quyết định số 54/VH-QĐ, công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 29/4/1979.

 


“Đài tưởng niệm Khâm Thiên” - Bức tượng được đúc bằng đồng thay thế bức tượng cũ từ năm 2000


Hiện nay, “Đài tưởng niệm Khâm Thiên” được giao cho UBND phường Khâm Thiên quản lý, chăm sóc và cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân Khâm Thiên đã làm tốt nhiệm vụ này, luôn giữ cho “Đài tưởng niệm Khâm Thiên” khang trang, phát huy giá trị và ý nghĩa của nó trong đời sống của nhân dân Hà Nội nói riêng và đồng bào cả nước nói chung. Để hàng năm, vào mỗi dịp kỉ niệm các ngày lễ lớn và đặc biệt là vào dịp kỉ niệm chiến thắng B52, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và nhân dân, học sinh các địa phương lân cận đến dâng hương tưởng nhớ, biết ơn công lao của những người anh hùng đã chiến thắng B52 trên bầu trời Hà Nội.  

45 năm trôi qua, từ những đống đổ nát, từ hố bom sâu, Khâm Thiên nay đã thay áo mới, trở thành một con phố sầm uất với biết bao nhà cao tầng mọc lên san sát, cơ sở kinh doanh, xe cộ chạy như mắc cửi. Và 45 năm đã trôi qua, nhưng trận “Điện Biên Phủ trên không” với 12 ngày đêm kiên cường của quân và dân Hà Nội vẫn thường được nhắc tới, được lưu truyền và ôn lại trong mỗi dịp kỷ niệm. Và mỗi khi nhắc tới trận chiến đó chúng ta không thể không nhắc tới con phố Khâm Thiên hay còn gọi là phố B52, Phố vắng 3 số nhà - nơi có Đài tưởng niệm mẹ bồng con, là một chứng tích tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, nơi nhắc nhở mỗi người dân Việt nhớ về những ngày cuối năm 1972 đau thương nhưng rất đỗi hào hùng của dân tộc.


Thu Hiền


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t