Điều chỉnh Chương trình mục tiêu Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước thành phố giai đoạn 2016-2020 (21:14 05/12/2017)


HNP - Chiều 5/12, với tỷ lệ 100% số đại biểu có mặt tại hội trường biểu quyết tán thành, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh Chương trình mục tiêu Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020.  

Giám đốc Sở TT&TT Phan Lan Tú trình bày Tờ trình tại kỳ họp


Theo Tờ trình do Giám đốc Sở TT&TT Phan Lan Tú trình tại kỳ họp, để triển khai các nội dung Chương trình mục tiêu, UBND TP đã ban hành các Kế hoạch Ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước của Thành phố năm 2016 và 2017, đồng thời, ban hành các kế hoạch cụ thể trong từng lĩnh vực để triển khai, thực hiện. Bên cạnh đó, TP tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát, đơn giản hóa các thủ tục để tạo mọi thuận lợi, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người dân, đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết các TTHC. Năm 2017, TP xác định là năm đột phá căn bản về CNTT, tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT, tạo bước chuyển biến căn bản về xây dựng chính quyền điện tử và hướng tới xây dựng Thành phố thông minh.
 
Trong hai năm 2016 và 2017, TP đã tích cực triển khai ứng dụng CNTT và đã đạt được những kết quả, cụ thể: Nền tảng của chính quyền điện tử Thành phố từng bước được củng cố, hoàn thiện giúp cho bộ máy chính quyền Thành phố hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn; đảm bảo giao dịch giữa Thành phố với công dân và các tổ chức được cải thiện, nâng cao chất lượng. Thực hiện thuê dịch vụ Trung tâm dữ liệu chính của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel; kết nối mạng diện rộng (WAN) tới các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và 584 UBND xã, phường, thị trấn… TP đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư cho hơn 7,5 triệu người dân Hà Nội và đưa vào khai thác hiệu quả từ năm 2016 để triển khai các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, doanh nghiệp và phục vụ công tác quản lý điều hành của Thành phố. Ứng dụng CNTT trong lĩnh vực giáo dục, y tế, tài nguyên môi trường... được đẩy mạnh. Tiếp tục duy trì ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành nội bộ. 100% Sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn duy trì và sử dụng phần mềm quản lý văn bản thống nhất và kết nối, liên thông trên môi trường mạng.

Từ năm 2016 đến nay, TP đã triển khai và đưa vào vận hành 156 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (bao gồm cả các dịch vụ công trực tuyến do các Bộ chuyên ngành triển khai) nâng tổng số dịch vụ công trực tuyến của Thành phố hiện có lên 451 dịch vụ (tăng 52,9% so với năm 2015), đạt gần 24% tổng số TTHC của cơ quan nhà nước TP. Dự kiến, hết năm 2017, sẽ hoàn thành thêm 154 dịch vụ mức độ 3 nâng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 32%. Năm 2016, TP cũng đã tổ chức đào tạo kỹ năng sử dụng CNTT cơ bản cho 9.805 học viên đảm bảo 100% cán bộ công chức xã, phường, thị trấn được đào tạo “Chuẩn CNTT năm 2016”, đồng thời tổ chức đào tạo cho 2000 viên chức ngành giáo dục.

Từ đầu năm 2017 đến nay, Thành phố đã tiếp tục tổ chức đào tạo cho 5.145 học viên về chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT cơ bản, an toàn thông tin, Chính phủ điện tử, phần mềm ứng dụng dùng chung và đào tạo chuyên sâu về phần cứng máy tính, lập trình và sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Dự kiến đến 31/12/2017 sẽ hoàn thành đào tạo cho 8.952 học viên....
 
Theo Nghị quyết vừa được thông qua, HĐND TP quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tại điểm 2.3. Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp: “50% TTHC thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4” thành “100% TTHC thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. Điều chỉnh nhiệm vụ tại khoản 2. Ứng dụng phục vụ hoạt động điều hành nội bộ: “Duy trì các ứng dụng cơ bản: thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản điều hành tác nghiệp, chuyển nhận văn bản điện tử, tích hợp ứng dụng chữ ký số” thành “Duy trì các ứng dụng cơ bản: thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp thống nhất liên thông 3 cấp trên toàn địa bàn Thành phố và kết nối với Văn phòng Chính phủ, tích hợp ứng dụng chữ ký số;”. 
 
Điều chỉnh nhiệm vụ tại khoản 3. Ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp: “Duy trì, mở rộng các Trang/Cổng thông tin điện tử các cấp trên nền tảng công nghệ dùng chung, hình thành Cổng dịch vụ công thành phố và kết nối đến Cổng dịch vụ công Quốc gia theo qui định để thống nhất cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4, công khai tiến độ giải quyết hồ sơ trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trước ngày 01/3/2016” thành “Duy trì, mở rộng các Trang/Cổng thông tin điện tử các cấp trên nền tảng công nghệ dùng chung, hình thành Cổng dịch vụ công thành phố và kết nối đến Cổng dịch vụ công Quốc gia theo qui định để thống nhất cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4, công khai tiến độ giải quyết hồ sơ trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ”. “Kết nối ứng dụng một cửa điện tử với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và liên thông giữa các cấp” thành “Hoàn thiện, triển khai hệ thống 1 cửa điện tử dùng chung 3 cấp kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành”.
 
Nghị quyết cũng Bổ sung thêm nhiệm vụ: Phê duyệt Khung kiến trúc Chính phủ điện tử và triển khai xây dựng kiến trúc chính phủ điện tử chi tiết sau khi Khung kiến trúc được phê duyệt; Triển khai Cổng thông tin Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Hà Nội; Xây dựng Thành phố thông minh: Hình thành Trung tâm giám sát, điều hành tập trung của Thành phố và một số thành phần cơ bản của Thành phố thông minh (giao thông, y tế, du lịch, giáo dục, năng lượng, môi trường thông minh...). Bổ sung Giải pháp chủ yếu thực hiện chương trình, ở nội dung cơ chế chính sách là tiếp tục hỗ trợ cơ chế, chính sách đặc thù cho các cán bộ, công chức, viên chức làm công tác chuyên môn về công nghệ thông tin, tại các cơ quan nhà nước và ban hành cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao của Thành phố.
 
Nghị quyết cũng điều chỉnh, bổ sung Kinh phí thực hiện, tổng mức kinh phí sau khi điều chỉnh, bổ sung của Chương trình mục tiêu Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020 là 3.000 tỷ đồng.
 
Giám đốc Sở TT&TT Phan Lan Tú cũng cho biết những hiệu quả đạt được sau khi điều chỉnh, bổ sung Chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020 đó là: Nội dung Chương trình mục tiêu đảm bảo phù hợp với các định hướng, chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy, HĐND và UBND Thành phố về ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước từ nay đến năm 2020. Giúp cho việc xây dựng các kế hoạch triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước hàng năm đảm bảo thống nhất, phù hợp những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình mục tiêu. Sớm hoàn thành nền tảng của Chính phủ điện tử giúp bộ máy chính quyền Thành phố hiện đại, hoạt động hiệu quả và minh bạch hơn, cải thiện mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng các dịch vụ được chính quyền Thành phố cung cấp. Hình thành các thành phần cơ bản của Thành phố thông minh, tạo lập hệ thống cơ sở dữ liệu lớn (Bigdata), ứng dụng trí tuệ nhân tạo, IoT (intertnet kết nối vạn vật), phân tích và xử lý dữ liệu hỗ trợ Lãnh đạo các cấp ra quyết định kịp thời, chính xác; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý trong một số lĩnh vực như: giao thông, du lịch, an ninh trật tự, môi trường,... góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và lợi ích tốt hơn cho người dân, là nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Đưa thành phố Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo, khởi nghiệp hàng đầu của Việt Nam.
 
Góp ý cho dự thảo Nghị quyết, đại biểu Đỗ Thùy Dương cho rằng, hiện nay, đã có 178 TP trên thế giới tham gia xây dựng TP thông minh nên chúng ta cũng không thể đi ngược dòng. Bên cạnh đó, đại biểu cũng lưu ý TP cần nhắc đến chuyển đổi về biên chế và lao động, phương án tạo ra nguồn nhân lực chiến lược, cơ chế chính sách cho lãnh đạo sở ngành cam kết thành công thực hiện triển khai chương trình y tế thông minh, giáo dục thông minh…
 
ĐB Nguyễn Thùy Dương góp ý cho dự thảo Nghị quyết

Trả lời những băn khoăn của đại biểu Thùy Dương quan tâm, Giám đốc Sở TT&TT Phan Lan Tú cho biết: khung kiến trúc TP thông minh và đang được Chính phủ giao cho Bộ TT&TT xây dựng. Trên cơ sở đó, TP sẽ định hình xây dựng TP thông minh với những cách thức tiếp cận khác nhau. Đối với Hà Nội có lộ trình cụ thể gồm 3 giai đoạn gồm: xây dựng nền tảng cơ sở hạ tầng cơ bản của TP thông minh; tiếp tục hình thành những nền tảng thông minh khác, thu hút người dân tham gia và quản lý xã hội và hình thành nền kinh tế số; phát triển TP thông minh ở mức độ cao…
 
Về kinh phí, Giám đốc Sở TT&TT Phan Lan Tú cho biết, TP dành 6 nghìn tỷ đồng để triển khai theo phương thức thuê dịch vụ CNTT và thu hút nguồn xã hội hóa. Về chính sách thu hút đầu tư và thu hút truyền thông, hàng năm, UBND TP sẽ báo cáo HĐND TP các giải pháp và lộ trình cụ thể. Về thu hút nguồn nhân lực cao, TP có chương trình đạo tạo hệ thống cán bộ công chức trong lĩnh vực này. Đồng thời, vừa đào tạo vừa truyền thông cho người dân để trở thành những “công dân thông minh” và có chính sách bổ sung thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao…

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t