Chính quyền TP sẽ khắc phục những yếu kém để lấy lại lòng tin của người dân (21:20 05/07/2017)


HNP - Ngày làm việc cuối cùng kỳ họp thứ Tư, HĐND TP khóa XV, HĐND TP đã dành trọn một ngày để chất vấn các thành viên UBND TP các vấn đề “nóng” đang được cử tri Thủ đô quan tâm. Tham dự phiên chất vấn có đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy; đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại kỳ họp


Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung thay mặt Ban cán sự Đảng UBND TP đã có bài phát biểu trước các đại biểu HĐND TP và cử tri Thủ đô. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các vị đại biểu HĐND và cùng tập thể UBND TP tiếp tục chủ động, tích cực triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của HĐND TP tại kỳ họp này; đặc biệt sẽ quyết tâm hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2017.
 
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết: với phương châm bám sát vào các chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thành ủy và các Nghị quyết của HĐND TP, tập thể Ban Cán sự Đảng UBND TP đã xây dựng chương trình công tác khoa học, cụ thể đảm bảo của từng tuần, từng tháng, từng quý và làm việc với tinh thần thẳng thắn, cầu thị, quyết liệt, chắc chắn, luôn lắng nghe những ý kiến đóng góp của nhân dân.
 
Trong công tác chỉ đạo điều hành, UBND TP đã tiếp nhận và xử lý trên 35 nghìn văn bản hành chính, trong đó, các văn bản, hồ sơ tại bộ phận 1 cửa liên thông hoàn thành đúng hạn 100%; đồng thời, đã ban hành trên 15 nghìn văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính. Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND TP đã trực tiếp xử lý và giao nhiệm vụ các các sở, ngành quận huyện triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp trên, đồng thời, thường xuyên đôn đốc kiểm tra tiến độ và giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Lãnh đạo UBND TP cũng đã tiếp 284 lượt công dân, Chủ tịch UBND TP đã tiếp nhận và xử lý trên 9.000 đơn thư khiếu nại tố cáo.
 
Trong điều hành thu - chi ngân sách, tổng thu ngân sách trên địa bàn TP đến 30/6/2017 là 104.844 tỷ đồng, đạt 51,2% dự toán và tăng 20,9% so với cùng kỳ 2016, cao hơn so với mức bình quân của cả nước. UBND TP đã ban hành kế hoạch và triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện NQ số 19, NQ số 35 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển DN, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tập trung đẩy mạnh cải cách TTHC, tháo gỡ vướng mắc trong việc giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất, xác định giá đất, nghĩa vụ tài chính đất đai, góp phần giảm bớt chi phí, thời gian và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp. Tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế, xử lý nợ đọng thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, giảm dần nợ cũ, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào NSNN. Nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh; đồng thời, tiếp tục duy trì việc thành lập BCĐ đôn đốc. 5 tháng đầu năm 2017 đã thu được 5.326 tỷ đồng tiền nợ, trong đó, thu nợ thuế, phí là 2.019 tỷ đồng; thu nợ liên quan đất là 2.910 tỷ đồng; thu nợ tiền phạt và tiền chậm nộp 397 tỷ đồng. Năm 2017, TP cũng đã tiết giảm 1.496 tỷ đồng so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó, 1.000 tỷ đồng bổ sung dự phòng ngân sách để sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, đột xuất phát sinh và 496 tỷ đồng dành cho chi trả nợ gốc các khoản TP đã huy động trong các năm trước.
 
Trong công tác CCHC, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, TP đã quán triệt thực hiện nghiêm “Năm kỷ cương hành chính 2017” gắn với việc thực hiện quy tắc văn hóa ứng xử của CBCCVC; qua đó, chỉ số CCHC tăng 6 bậc so với năm 2015 và xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố cả nước. TP đã hoàn thành xong công tác sắp xếp tổ chức bộ máy 22 Sở và tương đương; các phòng chuyên môn tại 30 quận, huyện, thị xã; sắp xếp xong các đơn vị sự nghiệp thuộc TP, giảm từ 401 đơn vị xuống 280 đơn vị (30,2%), các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc quyện, huyện giảm từ 206 đơn vị còn 96 đơn vị (53,4%); hoàn thành sắp xếp 05 Ban QLDA đầu tư xây dựng chuyên ngành trực thuộc TP, giảm 73/108 phòng (67,6%), giảm 177/308 lãnh đạo trưởng phó đơn vị và trưởng phó phòng (57,5%), giảm được 7/23 trụ sở làm việc (30,4%)… Hiện nay, 100% sở, ban, ngành, UBND các cấp xây dựng xong quy trình, quy chế làm việc, quy trình giải quyết các TTHC sau khi thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy và thực hiện tốt việc công khai đối với các TTHC… Hà Nội là địa phương đứng đầu toàn quốc về số lượng hồ sơ giao dịch qua mạng và cũng là địa phương duy nhất cung cấp dịch công mức 3 trong lĩnh vực tư pháp đồng bộ tới 100% xã, phường có liên thông dữ liệu với BHXH và Công an trên cơ sở khai thác cơ sở dữ liệu dân cư. Thí điểm triển IPARKING trên 02 tuyến phố Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm) với 17 điểm đỗ, sức chứa 248 xe; dự kiến, sẽ triển khai diện rộng trên toàn Thành phố từ ngày 01/9/2017. TP cũng đang chuẩn bị xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành của TP, xây dựng và triển khai hệ thống Giao thông thông minh, du lịch thông minh và các ứng dụng thông minh trong các lĩnh vực khác….
 
TP tiếp tục tích cực huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư, 6 tháng đầu năm duy trì đà tăng trưởng cao với mức 7,37%; khách du lịch quốc tế tăng 14%, XK tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây với mức 12,1%, thị trường hàng hóa sôi động, tổng mức lưu chuyển hàng hóa tăng 7,2%. Đáng chú ý, tại Hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và Phát triển”, TP đã giới thiệu danh mục 136 DA đến các nhà đầu tư với tổng mức đầu tư dự kiến 1,1 triệu tỷ đồng; đồng thời, ký biên bản ghi nhớ với kinh phí dự kiến thực hiện là 134,79 nghìn tỷ đồng. Thu hút đầu tư nước ngoài FDI đạt 1,012 tỷ USD, trong đó một số dự án lớn cấp mới, tăng vốn gồm: Dự án Trung tâm thương mại Aeonmall Hà Đông 192,5 triệu USD; Dự án nước giải khát Coca-Cola Việt Nam tại Hà Nội, thực hiện tăng vốn thêm 319,8 triệu USD, Dự án Tòa tháp Thiên niên kỷ tăng 32,2 triệu USD, Dự án Khu đô thị Park City tăng vốn 72 triệu USD,...
 
Về chương trình nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, để đáp ứng nhu cầu nước sạch cho 4,33 triệu người ở khu vực nông thôn, TP đã kêu gọi XHH đầu tư lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn. Đến nay, TP đã phê duyệt QĐ chủ trương đầu tư cho 23 DA với tổng mức đầu tư hơn 9,6 nghìn tỷ đồng. Đã khởi công Nhà máy nước mặt sông Đuống. Các DA hoàn thành sẽ nâng tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch lên 86,6%, tăng 49,4% so với thời điểm cuối năm 2016; sẽ có thêm khoảng 2 triệu người dân ở 200 xã được dùng nước sạch. Về phát triển công viên, khu vui chơi giải trí, năm 2017, TP dự kiến hoàn thành 4 công viên: Công viên hồ điều hòa Mai Dịch; Công viên Nhân Chính; Công viên Khu đô thị mới Dương Nội ký hiệu CX-05; Công viên hồ điều hòa Phùng Khoang. Chủ tịch cho biết thêm, TP đang triển khai xây dựng nhà hát đa năng đảm bảo cho 25 nghìn người có thể vui chơi giải trí tại đây, dự kiến, đến 10/10/2019 sẽ hoàn thành. Về dự án trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội hiện các nhà tư vấn trong nước và quốc tế đang tích cực xây dựng phương án trưng bày đảm bảo trong khai thác và phát huy bảo tồn giá trị văn hóa của Hà Nội.
 
Liên quan đến một số vấn đề khác, Chủ tịch cho biết, sau sự cố cá chết ở Hồ Tây, Thường trực Thành ủy đã ra 3 văn bản chỉ đạo, Ban cán sự UBND TP đã có 5 cuộc họp, trong đó, có 2 cuộc họp với các nhà khoa học và các bộ, ban, ngành. Trên cơ sở thực hiện đã quyết định xây dựng dự án để nạo vét và làm sạch nước Hồ Tây. Thực tiễn, phải làm 4 công việc, đó là: nạo vét 1,5 triệu khối bùn; thu gom toàn bộ nước thải Hồ Tây và Trúc Bạch; làm sạch nước Hồ Tây hiện có; cải tạo cảnh quan để đảm bảo Hồ Tây là danh lam thắng cảnh. Hiện, TP đang cố gắng triển khai dự án trong quý III và việc nạo vét bùn sẽ hoàn thành trước Tết Dương lịch.
 
Đối với dự án nạo vét Hồ Hoàn Kiếm, vừa qua, dư luận ồn ào quanh việc cải tạo cây xanh xung quanh hồ, Chủ tịch khẳng định: “Lãnh đạo TP chưa bao giờ đặt vấn đề là trồng lại cây quanh Hồ Hoàn Kiếm, mà chỉ đặt vấn đề là cải tạo, nạo vét lại hồ Hoàn Kiếm và có 3 hạng mục chính, đó là: Nạo nét, làm sạch nước hồ trên cơ sở bảo tồn văn hóa nước hồ; chỉnh trang ánh sáng, ốp lát vỉa hè đá để đảm bảo bền vững. Hiện, quy trình thủ tục đã được TP giao cho BQL dự án quận Hoàn Kiếm xin ý kiến để hoàn thiện và TP sẽ công khai để người dân có ý kiến cũng như giám sát trong quá trình thực hiện”.
 
Về công tác khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh, TP đã tổ chức thường xuyên kiểm tra công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết; phát động hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết” lần thứ 7; duy trì các vị trí trực tiếp nhận, xử lí thông tin dịch bệnh truyền nhiễm; tổ chức tốt hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm...  Chương trình “Xét nghiệm sàng lọc phát hiện sớm ung thư đại trực tràng” được Thường trực Thành ủy ra quyết định định sáng lọc cho 2,3 triệu người dân trên 40 tuổi, đợt đầu thí điểm từ 28/2/2017 đến 15/03/2017 tại 03 phường Tây Mỗ, Nguyễn Trung Trực và Điện Biên, đến nay đã được triển khai rộng tại nhiều phường, kết quả tổng số xét nghiệm dương tính là 2.136 trường hợp (tỷ lệ 6,1%)…
 
Về công tác cấp giấy chứng nhận QSDĐ, tính lũy kế đến ngày 30/6/2017, toàn TP đã thực hiện cấp GCN và đăng ký kê khai đất đai lần đầu được 1.512.315 thửa/ 1.551.951 thửa, đạt 97,45%. Vấn đề này theo kế hoạch của Thành ủy cũng như kế hoạch của TP tính đến nay là chưa đạt kế hoạch, Chủ tịch cho biết, Ban cán sự Đảng UBND TP sẽ duy trì 6 tổ công tác, kể cả Sở TNMT để tiếp tục đôn đốc các quận, huyện sớm hoàn thành theo kế hoạch, trong đó sẽ chú ý đôn đốc việc cấp GCN cho các hộ dân ở các tòa nhà mà chủ đầu tư có vi phạm. 
 
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng cũng đề cập tới một số vấn đề mà đại biểu HĐND TP và cử tri Thủ đô quan tâm liên quan đến lĩnh vực giáo dục – đào tạo; hạ tầng giao thông; đảm bảo an sinh xã hội như chăm lo cho người có công, giải quyết việc làm, đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; việc hạ ngầm đường dây đi nổi; vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm….
 
Về vấn đề cây xanh, Chủ tịch cũng chia sẻ, việc chặt hạ, đánh chuyển cây xanh là khó tránh trong quá trình xây dựng phát triển bất kỳ một quốc gia và thành phố nào. Trong những năm vừa qua, TP đã có nhiều dự án đánh chuyển cây xanh và tương lai sẽ còn nhiều dự án phát triển... Quan điểm nhất quán của Thường vụ Thành ủy chỉ đạo UBND TP và các sở ban ngành là đánh giá thực hiện nghiêm túc các dự án bởi đây là vấn đề được người dân quan tâm. “Chúng tôi trong quá trình thực hiện luôn có sự đóng góp ý kiến, xem xét tỉ mỉ của các nhà khoa học, các Bộ, ban, ngành liên quan. Trên tinh thần nhất quán đó, từng dự án đến từng cây xanh đều được đánh giá nghiên cứu chi tiết. Những cây nào còn độ phát triển thì đánh chuyển còn những cây không thể phát triển thì mới phải chặt hạ”, Chủ tịch cho biết. Ngoài ra, quá trình chặt hạ cũng phải được triển khai rõ ràng, minh bạch, đấu giá bán gỗ công khai để thu hồi vào ngân sách nhà nước. Đối với các cây đánh chuyển phải được trồng lại vào các vị trí thích hợp. 
 
Về vấn đề di chuyển cây xà cừ khu vực Vành đai 3 phục vụ dự án giao thông, Chủ tịch cho biết: khu vực này hiện có 1.289 cây xà cừ với đường kính 25-40cm/cây và cây già nhất là 85-90cm. Đây là loại cây được trồng lâu năm, xuất hiện trên nhiều tuyến phố đẹp của Hà Nội. Tuy nhiên, loạt xà cừ trên đường Vành đai 3 được trồng chủ yếu trong giai đoạn 1992-1996 với độ tuổi từ trên 24-28 năm. Theo đánh giá của các nhà khoa học, có một số cây thẳng và có cả cong queo, nếu như toàn bộ số cây xà cừ trên đường Vành đai 3 được đánh chuyển cần diện tích lên tới 7 hecta (50-60m2/cây) với chi phí giải phóng mặt bằng lên tới cả trăm tỷ đồng, và chi phí đánh chuyển ước tính 60-70 tỷ đồng. 
 
Khi đưa ra đánh giá giữa việc bảo tồn cây xanh và hiệu quả kinh tế, TP cũng tham khảo các ý kiến các nhà khoa học, xem xét và kết luận số xà cừ này rất khó để trồng ở bất cứ vỉa hè tuyến phố nào với diện tích hố 3m cho mỗi cây, trong khi giá trị kinh tế của xà cừ cũng không cao. Chi phí dùng để điều chuyển nếu dùng để mua cây mới, giá trị kinh tế cao hơn và tạo diện mạo đẹp hơn, chúng ta có thể trồng mới tới 20.000 cây. Theo đánh giá khoa học thì hiện có nhiều loại cây vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế, chống tiếng ồn, ô nhiễm… phù hợp với phát triển đô thị hơn, phù hợp với khi hậu, hút được tiếng ồn, có thể áp dụng trên tuyến đường này. Khi thực hiện dự án này, TP đã tính cả bài toán hiệu quả kinh tế và trên tinh thần đó, TP sẽ tiếp tục tiếp nhận các ý kiến của các nhà khoa học, tâm tư nguyện vọng của người dân trong quá trình thực hiện dự án. Chủ tịch nhấn mạnh: TP cam kết sẽ triển khai kế hoạch này thật nghiêm túc, chi tiết, công khai minh bạch để vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế và diện mạo đô thị, do đó, cũng kỳ vọng sẽ nhận được sự ủng hộ và tin tưởng của các nhà khoa học, các cử tri và toàn thể nhân dân… 
 
Người đứng đầu chính quyền TP cũng chia sẻ: TP còn nhiều vấn đề tồn tại như ô nhiễm, trật tự an toàn xã hội, chính sách với cán bộ cấp cơ sở, trật tự xây dựng… Các vấn đề này đã được UBND TP thẳng thắn nhìn nhận đánh giá và xác định ra 23 tồn tại để xây dựng thành 21 kế hoạch, có phân công cụ thể cho từng đồng chí, đã báo cáo Thường trực Thành ủy và ban hành kế hoạch triển khai. Chủ tịch khẳng định, những năm tới chính, quyền TP sẽ khắc phục những tồn tại, yếu kém, để lấy lại lòng tin của người dân. Quá trình xây dựng TP đáp ứng mong mỏi, yêu cầu của người dân không thể nóng vội, các vấn đề cần được xem xét tỷ mỷ, hiệu quả và tuân theo quy luật về xã hội, lịch sử, kinh tế; phát triển nhưng đảm bảo hài hòa, ổn định mọi quyền lợi nhà nước, doanh nghiệp, người dân…

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t