Tiếp tục rà soát để sáp nhập các đơn vị sự nghiệp có chức năng, nhiệm vụ tương đồng (06:16 28/05/2017)


HNP - Chiều 27/5, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ dẫn đầu, đã làm việc với TP Hà Nội về cơ chế tài chính, cơ chế quản lý, tổ chức hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TP. Tiếp và làm việc với đoàn của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc, lãnh đạo một số sở, ngành TP.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc


Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản, tổng số đơn vị sự nghiệp được giao quyền tự chủ năm 2016 trên địa bàn TP là 2.596 đơn vị, trong đó, số đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên là 70; số đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên là 1.353 và số đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên là 1.173 đơn vị.
 
Sau 10 năm thực hiện Nghị định 43/2006/NĐ-CP, các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn TP đã từng bước nâng cao tính tự chủ tài chính trong hoạt động, qua đó, tiết kiệm chi cho ngân sách Nhà nước, đồng thời, tăng thu nhập cho người lao động cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ công cho xã hội. Tuy nhiên, việc phân bổ kinh phí hoạt động chi thường xuyên chưa thực sự gắn kết giữa giao nhiệm vụ và giao kinh phí, nên còn tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước. Quy mô hầu hết các đơn vị sự nghiệp công còn nhỏ, cơ sở vật chất, các điều kiện phục vụ còn thiếu thốn trong khi việc huy động xã hội hóa để đầu tư phát triển hoạt động sự nghiệp còn hạn chế...
 
Về cơ chế quản lý các đơn vị sự nghiệp công, trong những năm qua, việc phân cấp, giao quyền và giao trách nhiệm cho thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập được đẩy mạnh, qua đó, tạo điều kiện để đơn vị có động lực và chủ động đề xuất cơ chế quản lý hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị. Song, việc ban hành một số cơ chế, chính sách, như quy định về xác định, phê duyệt vị trí việc làm, định mức viên chức, hợp đồng lao động... còn chậm và thiếu đồng bộ. Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo cơ chế hợp đồng không xác định thời hạn, hưởng lương theo hạng chức danh nghề nghiệp nên chưa tạo động lực để phát huy năng lực, trình độ chuyên môn trong công việc; chưa khai thác, sử dụng triệt để nguồn lực hiện có cũng như chưa xây dựng cụ thể các tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động của đơn vị sự nghiệp.
 
Đối với hệ thống tổ chức và nhân lực của các đơn vị sự nghiệp công lập, năm 2016, tổng số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công là 145.892 lao động, trong đó, số người được các cơ quan có thẩm quyền giao là 133.463 người, số lao động hợp đồng theo Nghị định 68 là 12.429 người. Thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, TP Hà Nội đã giảm được 231 đơn vị sự nghiệp (trong đó trực thuộc các sở, ngành là 121 đơn vị; trực thuộc các quận, huyện, thị xã là 110 đơn vị), tinh giản 420 biên chế, trong đó, công chức là 76 trường hợp, viên chức là 272 trường hợp và công chức cấp xã là 71 trường hợp. Tuy nhiên, còn một số đơn vị chưa chủ động, tích cực trong công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy; chưa thực hiện được việc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần; thiếu cơ chế đối với những trường hợp tự nguyện tinh giản...
 
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, vừa qua, TP thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị với tinh thần quyết tâm, quyết liệt cao và triển khai đồng bộ ở tất cả các cấp, ngành. Mục tiêu xuyên suốt là đến năm 2021 sẽ giảm 10% biên chế so với hiện nay, đồng thời, giúp tiết kiệm chi thường xuyên cho TP, như năm 2016, Hà Nội đã giảm chi thường xuyên gần 5%, phấn đấu 5 năm nữa giảm 10%.
 
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi làm việc
 
Riêng đối với hoạt động của các đơn vị sự nghiệp, quan điểm của TP là phải chuyển dần từ cơ chế thu phí dịch vụ sang cơ chế giá dịch vụ, theo hướng tính đúng, tính đủ để tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển sang tự chủ hoàn toàn về kinh phí, từ đó, mới tự chủ về con người. Cùng với đó, TP sẽ đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng chính phủ điện tử để cung ứng nhiều hơn dịch vụ công qua mạng, qua hệ thống bưu điện để người dân không phải đi lại nhiều. 
 
Bên cạnh đó, TP tiếp tục rà soát lại toàn bộ các đơn vị sự nghiệp trong từng ngành, từng lĩnh vực để sáp nhập các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Như trong lĩnh vực nông nghiệp, tới đây, có thể sáp nhập trạm thú y với trạm bảo vệ thực vật. Lĩnh vực y tế, Chủ tịch UBND TP cho biết: toàn TP có 584 xã, phường, thị trấn thì hiện nay có 572 trạm y tế. Trung bình mỗi trạm được đầu tư, xây dựng với kinh phí 8 tỷ đồng, cao nhất 14 tỷ đồng/trạm. Mỗi trạm cũng có từ 7-12 bác sỹ, y tá và nhân viên. Từ đó, TP Hà Nội mạnh dạn đề nghị thí điểm chuyển hoạt động của các trạm này sang mô hình bác sỹ gia đình; tổ chức linh hoạt hệ thống trạm y tế theo hướng ở những xã, phường đã có bệnh viện tuyến huyện, tuyến TP, tuyến Trung ương đóng trên địa bàn thì không cần thiết tổ chức trạm y tế. 
 
Tuy nhiên, để làm được, Chủ tịch UBND TP kiến nghị cần sửa đổi một số quy định của Bộ Y tế cũng như tiêu chí trong công tác xây dựng nông thôn mới; cho phép thanh toán bảo hiểm y tế đối với một số dịch vụ khám chữa bệnh thông thường tại các trạm y tế; sửa đổi một số nội dung trong Luật Phí và lệ phí để tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp chuyển sang cơ chế tính giá dịch vụ, tăng tính tự chủ về kinh phí.
 
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, đối với cơ sở vật chất, đất đai của các đơn vị sự nghiệp công lập dôi dư sau khi sắp xếp, TP ưu tiên cho các đơn vị hành chính có nhu sử dụng, nếu không sẽ tổ chức đấu giá để tạo nguồn lực cho TP. Hiện nay, TP đã thu về gần 100 địa điểm để giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý.
 
Tại buổi khảo sát, sau khi nghe các ý kiến phát biểu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã xác định cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công là 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của cơ cấu lại nền kinh tế. Trên cơ sở đó, Trung ương đã giao Ban Cán sự đảng Chính phủ nghiên cứu, xây dựng Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, trình Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa XII vào cuối năm nay.
 
Phó Thủ tướng đánh giá, Hà Nội là một địa phương có số lượng nhiều các đơn vị sự nghiệp công lập và đa dạng ở các lĩnh vực, ngành nghề. Trong thời gian qua, Hà Nội thực hiện tinh giản, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập đạt được những kết quả ấn tượng, Thành phố triển khai rất quyết liệt nhưng cũng rất “êm”, có kế hoạch bài bản, rõ ràng, đặc biệt không phát sinh khiếu nại. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề nghị Hà Nội cần nhấn mạnh hơn nội dung này, đặc biệt cần bổ sung cho đoàn khảo sát rõ 231 đơn vị tinh giảm được ở những lĩnh vực nào; cơ sở vật chất, con người sau sắp xếp được sử dụng thế nào và hiệu quả hoạt động của đơn vị ra sao... Đoàn công tác cũng mong muốn Hà Nội phân tích kỹ hơn vai trò của các đơn vị chủ quản, hay hiệu quả quản lý nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp, theo ngành, lĩnh vực hay theo địa bàn quản lý…
 
“Đoàn công tác sẽ ghi nhận các kinh nghiệm của Hà Nội và một số địa phương khác để hoàn thiện đề án trình Bộ Chính trị, Trung ương, với mục tiêu là để hệ thống các đơn vị sự nghiệp tinh gọn, ít đầu mối hơn nhưng hoạt động với chất lượng cao hơn, cung cấp dịch vụ công tốt hơn để đáp ứng nhu cầu xã hội, đồng thời cũng thúc đẩy xã hội hóa các dịch vụ công lập; giảm chi ngân sách Nhà nước, nâng cao thu nhập cho người lao động”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Huy Kiên


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t