Huyện Gia Lâm: Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án (16:54 01/10/2024)


HNP - Ngày 1/10, HĐND huyện Gia Lâm khoá 20, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ 17 - kỳ họp chuyên đề để xem xét, quyết nghị và thực hiện một số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền; giải trình về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án do huyện làm chủ đầu tư.  

Quang cảnh kỳ họp


Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt cho biết: 9 tháng đầu năm 2024, tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công trên địa bàn huyện còn chậm, đạt 42,9% kế hoạch vốn huyện giao; một số dự án gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, không bảo đảm tiến độ giải ngân, như: Vướng mắc trong công tác GPMB; dự án phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung... Tại kỳ họp thứ 17, HĐND huyện Gia Lâm xem xét, thông qua Điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công huyện Gia Lâm năm 2024 (đợt 3), nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công năm 2024, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, đầu tư xây dựng huyện thành quận và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng của huyện trong thời gian tiếp theo.
 
Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt phát biểu tại Kỳ họp
 
Cụ thể: Điều chỉnh giảm 97,59 tỷ đồng của 20 dự án chuyển tiếp và 6,91 tỷ đồng của 1 dự án mới; bổ sung vốn 182,54 tỷ đồng cho các dự án đã được bố trí kế hoạch vốn đề xuất bổ sung thêm; bổ sung 63,1 tỷ đồng cho 7 dự án chuyển tiếp và 500 triệu đồng cho 1 dự án mới; bổ sung 118,94 tỷ đồng cho các nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, GPMB, thanh tất toán dự án hoàn thành; bổ sung 68,75 tỷ đồng cho 34 dự án đề xuất thực hiện mới thuộc nhóm các dự án: Tu bổ tôn tạo di tích theo Nghị quyết số 02 của HĐND thành phố; xây dựng chợ Gióng thực hiện Chương trình 03 của Thành ủy; cải tạo, nâng cấp các trường học phục vụ xây dựng trường chuẩn quốc gia; cải tạo, sửa chữa trụ sở, trung tâm văn hoá, nhà văn hoá phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp.
 
Giải trình về công tác GPMB thực hiện các dự án, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền cho biết: Những năm qua, huyện tập trung thực hiện các tiêu chí phấn đấu thành quận, nên tốc độ đô thị hóa nhanh. Huyện đã triển khai thực hiện 477 dự án, trong đó, khối lượng công tác GPMB các dự án đầu tư tăng 50 dự án, trong đó có 40 dự án do huyện làm chủ đầu tư, 10 dự án chủ đầu tư khác, diện tích phải GPMB hơn 252ha.
 
Hiện, huyện đang tập trung thực hiện GPMB 40 dự án do huyện làm chủ đầu tư, trong đó có: 8 dự án tuyến đường hạ tầng khung, 13 dự án giao thông, diện tích GPMB hơn 132ha;14 dự án đấu giá đất, 5 dự án kè ao hồ, vườn hoa, cây xanh quy mô diện tích khoảng 51,3ha.
 
Đến nay, huyện đã thực hiện GPMB được 136,35/183,3ha, chi trả bồi thường, hỗ trợ 893,294 tỷ đồng cho 4.081 hộ dân, tổ chức; dự kiến 13 dự án hoàn thành công tác GPMB trong năm 2024, gồm: 4 dự án giao thông, 1 dự án hạ tầng khung, 6 dự án đấu giá đất và 2 dự án công viên, vườn hoa. Có 26 dự án dự kiến hoàn thành công tác GPMB trong quý II/2025, gồm: 16 dự án giao thông, hạ tầng khung, 8 dự án đấu giá đất và 2 dự án khác; 1 dự án Nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống), dự kiến năm 2026 hoàn thành GPMB.
 
Tuy nhiên, trong số 40 dự án do huyện làm chủ đầu tư có 324 hộ/8 dự án phải bố trí tái định cư, trong đó: 7 dự án đã được chấp thuận vị trí tái định cư tại các khu tái định cư trên địa bàn huyện, đã phê duyệt phương án giao tái định cư cho 96/205 hộ; 1 dự án cầu đường sắt Đuống, dự kiến có 119 hộ được giao tái định cư bằng đất, nhưng trên địa bàn huyện không đủ quỹ đất để giao tái định cư. UBND huyện đang báo cáo UBND Thành phố chấp thuận phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư phục vụ GPMB dự án cầu đường sắt Đuống, làm cơ sở bố trí tái định cư cho các hộ. 
 
Hiện, công tác GPMB trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn do hồ sơ quản lý đất đai còn hạn chế, thiếu sót; một số dự án các hộ dân không đồng thuận trong công tác kê khai kiểm đếm, không nhận tiền và bàn giao mặt bằng; một số dự án đã và đang thực hiện công tác GPMB trên địa bàn huyện, khi có phát sinh khó khăn, vướng mắc, UBND huyện đã tổ chức họp giải quyết vướng mắc tuy nhiên công tác giải quyết còn chậm…
 
Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác như: Theo rà soát, quỹ đất tại một số khu tái định cư trên địa bàn huyện theo quy định tại Luật Đất đai 2024, không bảo đảm quỹ đất để giao cho các hộ, do hạn mức giao đất tối thiểu tăng lên từ 20-40m2; quy trình xin giá đất cụ thể bị kéo dài 3-4 năm; quy trình thực hiện GPMB và di chuyển các công trình ngầm nổi còn có những bất cập chưa phù hợp với quy định; cơ chế, chính sách quy định về GPMB của Nhà nước và thành phố còn bất cập, đôi khi chưa phù hợp với thực tế, nên người dân có kiến nghị…
 
Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà phát biểu chỉ đạo
 
Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Việt Hà đề nghị UBND huyện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành thành phố giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện; xây dựng kế hoạch thực hiện công tác GPMB có tính khả thi sát với điều kiện thực tế, xác định rõ tiến độ từng dự án; phân công rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc, để hoàn thành công tác GPMB; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, tổ chức, đoàn thể huyện và các xã, thị trấn trong công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận của người dân trong công tác GPMB các dự án; phân loại các vướng mắc trong công tác GPMB để tổ chức đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án…

Vương Vân


Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t