Quận Tây Hồ tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn (09:42 21/05/2024)


HNP - Thời gian qua, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn quận Tây Hồ đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, chỉ đạo sát sao, từ đó tạo những chuyển biến rõ nét, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, được Nhân dân, dư luận đánh giá cao. 

Lực lượng chức năng quận kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại Trường Tiểu học Chu Văn An


Trên địa bàn quận Tây Hồ hiện có 1.670 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Trong đó, phân cấp Thành phố quản lý là 169 cơ sở, cấp quận 444 cơ sở, cấp phường 1.057 cơ sở. Đến nay, 97,8% (497/508) cơ sở được cấp giấy chứng nhận ATTP; 96% (1.019/1.057) cơ sở đã ký cam kết ATTP… 
 
Để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các ngành chức năng quận đã tập trung tuyên truyền các quy định của pháp luật, các tiêu chuẩn, điều kiện và kiến thức khoa học về vệ sinh an toàn thực phẩm với nhiều hình thức phong phú. Từ đó, tạo sự hưởng ứng tích cực trong đông đảo các tầng lớp Nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành; các cơ sở chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng về vệ sinh ATTP.
 
Phó Chủ tịch UBND quận Bùi Thị Lan Phương cho biết, giai đoạn 2018-2023, quận Tây Hồ đã hoàn thành mục tiêu đánh giá phân hạng được 40 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó 23 sản phẩm OCOP cấp quận (3 sao) và 17 sản phẩm cấp Thành phố (4 sao). Các sản phẩm thực phẩm OCOP được người tiêu dùng tin dùng như: chè sen Quảng An, bánh dẻo nhân cốm, bánh nướng nhân đậu xanh chay, bánh nướng nhân trà xanh trứng muối, bún Ốc Bà Ngoại, bánh Trung thu Bảo Phương...
 
Đồng thời, trên địa bàn quận Tây Hồ có 6/8 phường xây dựng được Tuyến phố ATTP có kiếm soát gồm: Tô Ngọc Vân (phường Quảng An), Nhật Chiêu (phường Nhật Tân), Trích Sài (phường Bưởi), Thuỵ Khuê và Nguyễn Đình Thi (phường Thuỵ Khuê), Xuân La (phường Xuân La) với 180 cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại Tuyến phố được kiểm soát chặt chẽ về ATTP.
 
Hiện nay, quận Tây Hồ cũng đang triển khai Đề án “Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025” và Đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025”. Đã có 33 cơ sở kinh doanh trái cây theo Đề án “Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2025”; 28 cơ sở kinh doanh thực phẩm tại 5 chợ trên địa bàn quận được cấp biển nhận diện.
 
Trong tháng Hành động vì ATTP năm 2024, các lực lượng chức năng đã kiểm tra 326 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố
 
Để đảm bảo vệ sinh ATTP, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, công tác thanh tra, kiểm tra cũng được các cấp quan tâm chú trọng. Ngoài kiểm tra theo kế hoạch, Đoàn Kiểm tra liên ngành của quận còn tăng cường kiểm tra đột xuất; đặc biệt vào các dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Tết Trung thu và Tháng đảm bảo vệ sinh ATTP đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh và cung cấp thực phẩm với số lượng lớn. Trong Tháng hành động vì ATTP vừa qua, các đoàn kiểm tra của quận, phường đã kiểm tra 326 cơ sở, xử phạt 25 cơ sở với số tiền 177 triệu đồng, tiêu huỷ 181kg thực phẩm bao gói sẵn, 109kg thực phẩm bổ sung, 450kg hoa quả nhập lậu, 33 chai rượu nhập lậu (tổng giá trị hàng hoá tiêu hủy là hơn 100 triệu đồng). Như vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn quận đã kiểm tra 504 cơ sở, xử phạt 37 cơ sở, số tiền 257,5 triệu đồng. 
 
Trong đó, các hành vi vi phạm tập trung vào các lỗi như kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, dụng cụ tiếp xúc với thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, thùng rác không nắp đậy…
 
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND quận Bùi Thị Lan Phương cũng cho rằng, công tác đảm bảo vệ sinh, ATTP trên địa bàn quận hiện cũng đang tồn tại không ít những bất cập, như: Đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP tại các phường là cán bộ kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi vị trí nên gặp nhiều hạn chế trong triển khai thực hiện nhiệm vụ… Trong khi đó, một số chủ cơ sở thực phẩm chạy theo lợi ích trước mắt mà thực hiện các hành vi không đảm bảo ATTP. Việc xử lý các vi phạm ở tuyến phường mặc dù đã được tăng cường hơn trước, tuy nhiên vẫn chưa kiên quyết, đa số chỉ nhắc nhở...
 
Để triển khai hiệu quả công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, quận sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức và pháp luật về ATTP, nhất là Luật An toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm thay đổi trong nhận thức và hành vi về ATTP trong cộng đồng từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. 
 
Tăng cường sự phối hợp liên ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng vệ sinh ATTP đối với các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm. Quản lý chặt chẽ việc thực hiện vệ sinh ATTP tại các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, đặc biệt tập trung cao trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”, các ngày lễ kỷ niệm, các sự kiện lớn hàng năm của địa phương. Huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, các tổ chức đoàn thể, Nhân dân trong việc bảo đảm chất lượng vệ sinh bATTP, tạo điều kiện để các cơ sở kinh doanh tham gia đầu tư trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Lê Hải


Latest news

Other news

  Next >>

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t