Thanh Oai: Thúc đẩy phát huy giá trị các di tích văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội (10:26 17/05/2024)


HNP - Ngày 16/5, Thường trực HĐND huyện Thanh Oai, khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức phiên họp giải trình về công tác quản lý di tích và hoạt động của các ban quản lý di tích trên địa bàn huyện.

Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Oai Nguyễn Khánh Bình phát biểu tại phiên họp giải trình


Phát biểu khai mạc, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Oai Nguyễn Khánh Bình khẳng định, phiên họp giải trình của Thường trực HĐND huyện với mục đích nhằm thúc đẩy phát huy giá trị các di tích văn hóa nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội huyện nói chung. Thông qua giải trình làm rõ những tồn tại, hạn chế, những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý di tích và hoạt động của các ban quản lý di tích trên địa bàn huyện. Từ đó, xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan để đưa ra những giải pháp, biện pháp cần thiết triển khai có hiệu quả công tác quản lý di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trong thời gian tới.
 
Theo báo cáo của UBND huyện Thanh Oai, hiện trên địa bàn huyện có 266 di tích, bao gồm: 92 ngôi chùa, 16 nhà thờ, số còn lại là các đình, đền... Trong đó, có 70 di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) xếp hạng di tích Quốc gia; 76 di tích được UBND thành phố Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Thành phố.
 
Đặc biệt, Thanh Oai có Đền Nội Bình Đà thờ Đức quốc tổ Lạc Long Quân, chùa Bối Khê là ngôi chùa cổ nổi tiếng đều được trùng tu tôn tạo, đang được lập hồ sơ trình Bộ VH,TT&DL và Chính phủ công nhận là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt. Ngoài ra, huyện Thanh Oai nổi tiếng với làng cổ Cự Đà, chùa Cự Đà nơi tu tập của Hưng Đạo Đại vương từ năm lên 6 đến 17 tuổi mới vào kinh; làng Canh Hoạch nơi có trạng cậu, trạng cháu và cũng là nơi phát tích họ nội của đại thi hào Nguyễn Du.
 
Quang cảnh Phiên giải trình
 
Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, huyện Thanh Oai đã và đang tích cực tranh thủ nguồn vốn từ chương trình mục tiêu của Thành phố, gấp rút xây dựng quy hoạch tổng thể và có chiến lược đầu tư dài hạn nhằm bảo vệ và phát huy giá trị, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện.
 
Đồng thời, huyện Thanh Oai đã dành ngân sách và tập trung chỉ đạo triển khai các công trình nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa lễ hội truyền thống, các bộ môn nghệ thuật dân gian; hướng dẫn Nhân dân tham gia gìn giữ, phát huy các giá trị di sản văn hóa, thực hiện công tác xã hội hóa trùng tu di tích.
 
Tuy nhiên, công tác quản lý di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch của huyện vẫn còn bộc lộ những hạn chế, cần phải điều chỉnh và hoàn thiện trong thời gian tới để giúp cho di sản văn hóa thực sự trở thành nhân tố quan trọng phục vụ phát triển du lịch địa phương. 
 
Tại phiên họp giải trình, đã có 10 lượt đại biểu HĐND huyện nêu câu hỏi đề nghị các đơn vị giải trình làm rõ một số nội dung gồm: Quản lý các tổ chức và cá nhân tôn giáo đang hoạt động tại các di tích; hiệu quả của việc khai thác phát huy giá trị các di tích; vấn đề quản lý, theo dõi các nguồn thu, công đức bằng tiền và hiện vật tại các di tích…
 
Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu HĐND huyện, đã có 4 lãnh đạo các phòng, ban của huyện; 5 Chủ tịch UBND xã tham gia giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm.
 
Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng tiếp thu và làm rõ thêm các nội dung tại phiên họp giải trình
 
Phát biểu tại phiên giải trình, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng đã tiếp thu và làm rõ thêm các nội dung, đồng thời xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để giải quyết các hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác quản lý di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trong thời gian tới.
 
Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng yêu cầu các địa phương, các cấp, các ngành nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch về văn hóa truyền thống; tăng cường thanh, kiểm tra giám sát trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, tiến hành các biện pháp bảo vệ di tích, chống xâm phạm đất đai, cảnh quan môi trường, bảo vệ tốt các sắc phong, cổ vật trong di tích. Thường xuyên tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp di tích; quá trình tu bổ cần tôn trọng tính nguyên gốc của di tích. Tích cực tuyên truyền, giáo dục, vận động Nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ di sản văn hóa và tạo điều kiện cho du lịch phát triển.
 
“Nhất là cần tổ chức nghiên cứu và đánh giá nguồn tài nguyên du lịch về di sản văn hóa, xem xét các điều kiện về cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, các nguồn nhân lực và nguồn khách có nhu cầu, từ đó đưa ra các chiến lược trước mắt cũng như lâu dài. Cùng đó, tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, sưu tầm tư liệu, hiện vật của từng di tích cụ thể để phục vụ du lịch; đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên có kiến thức, thành thạo về di sản văn hóa của huyện; Quan tâm xây dựng kế hoạch khôi phục một số lễ hội và làng nghề truyền thống. Đồng thời, hoàn chỉnh mạng lưới giao thông tới các di tích trong lịch trình, tạo điều kiện thuận lợi cũng như thu hút khách tham quan, du lịch…”, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng đề nghị.

Hoàng Điệp


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t