Hà Đông: Quảng bá và tôn vinh nét đẹp văn hóa của địa phương qua các lễ hội (06:34 01/02/2023)


HNP - Nằm ở phía Tây Nam của Thủ đô Hà Nội, nơi tiếp giáp giữa các làng Việt cổ thuộc Đồng bằng Bắc Bộ, Hà Đông từ lâu đã được coi là vùng đất văn hiến gắn liền với truyền thống đấu tranh giữ nước và truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là nơi có mật độ các di tích lịch sử - văn hóa lớn cùng với nhiều lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống làng quê của vùng đồng bằng Bắc Bộ, mỗi lễ hội luôn được gắn với một sự tích và lịch sử hào hùng của từng vùng, từng địa phương.  

Hát quan họ tại lễ hội truyền thống trên địa bàn phường Phú Lương


Trên địa bàn quận Hà Đông hiện có 142 di tích có trong danh mục kiểm kê di tích của thành phố Hà Nội. Trong đó, có 92 di tích đã được xếp hạng, gồm: 51 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 41 di tích xếp hạng cấp Thành phố. Các di tích được phân bố tại 14/17 phường (trừ 3 phường nội thị trước đây là Nguyễn Trãi, Yết Kiêu, Quang Trung) và tập trung nhiều tại các phường: Phú Lương, Phú Lãm, Đồng Mai, Yên Nghĩa và Biên Giang.
 
Hàng năm, quận Hà Đông có 48 lễ hội truyền thống mang đậm dấu ấn văn hoá làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Lễ hội tại các địa phương phần lớn được tổ chức từ khoảng mùng 3 tháng Giêng đến 17 tháng Giêng (Âm lịch). Phường có nhiều lễ hội nhất là Đồng Mai gồm 12 lễ hội và Biên Giang là 9 lễ hội. Mỗi lễ hội mang một nét tiêu biểu và giá trị riêng, nhưng luôn hướng tới một một đối tượng linh thiêng cần được suy tôn như những vị anh hùng chống ngoại xâm, những người có công dựng làng, truyền nghề, chống thiên tai... (Hội Đình Hà Trì tôn thờ Đức Đô Hồ Đại Vương, lễ hội Đa Sỹ tôn thờ Danh y Hoàng Đôn Hòa, hội Đình Vạn Phúc tôn thờ bà Ả Lã Đê Nương - Tổ nghề dệt...). Nổi tiếng nhất là lễ hội Giã La - phường Dương Nội với trò diễn tích Đức Thành hoàng Đương Cảnh Công đánh hổ cứu giúp Nhân dân. Mỗi lễ hội gắn với một sự tích, một truyền thống lịch sử hào hùng của địa phương, dân tộc và là niềm tự hào của nhân dân địa phương. Lễ hội truyền thống gồm 2 phần: Phần nghi lễ trang nghiêm thành kính để tưởng nhớ công đức người có công dựng làng, lập ấp, bảo vệ quê hương. Phần hội vui vẻ rộn rã với nhiều loại hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục thể thao lành mạnh như: rước kiệu, hát chèo, chầu văn, chọi gà, bịt mắt bắt dê, đập niêu, kéo co, cờ người...Theo quy ước tổ dân phố: năm thường thì tổ chức hội lệ quy mô tiểu đám với nghi thức đơn giản như: mở cửa đình - chùa - miếu làm lễ dâng hương, tổ chức một số trò chơi dân gian, diễn xướng văn hóa, nghệ thuật. Từ 3 đến 5 năm tuỳ điều kiện kinh tế của địa phương thì tổ chức đại đám với nghi thức hoành tráng cả phần lễ và phần hội.
 
Múa sư tử tại lễ hội làng Trinh Lương (phường Phú Lương) đầu xuân Quý Mão 2023
 
Bên cạnh các lễ hội, trong các làng xã của Hà Đông trước đây có nhiều nét văn hoá văn nghệ dân gian đặc sắc như: ca trù Yên Nghĩa, hát văn Phú Lương, hát chèo La Dương, hát xẩm Cầu Đơ, múa rồng Kiến Hưng, múa Sinh Tiền, phường Bát Âm… thường được tổ chức trong các dịp lễ hội.
 
Trong mạch nguồn văn hóa ấy, Hà Đông hôm nay đã và đang chuyển mình để hội nhập tốt hơn với kinh tế thế giới và khu vực, các lễ hội truyền thống theo đó được tổ chức hàng năm quảng bá và tôn vinh nét đẹp văn hóa của địa phương. Để bảo đảm cho các lễ hội vui tươi và lành mạnh, bên cạnh sự vào cuộc nghiêm túc, trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương nơi diễn ra lễ hội, rất cần nâng cao ý thức của người tham gia lễ hội, của cả cộng đồng và xã hội đối với hoạt động có ý nghĩa này. Mỗi người dân thực hiện nếp sống văn minh là góp phần để lễ hội diễn ra thực sự vui tươi, ý nghĩa, thu hút ngày càng đông du khách thập phương về với mảnh đất Hà Đông.

Thu Uyên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t