Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Phúc Thọ: Đích đến là chất lượng (10:48 26/08/2020)


HNP - Chất lượng, hiệu quả luôn là phương châm trong công tác hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong 10 năm qua của huyện Phúc Thọ. Nhờ thực hiện tốt công tác này, những ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương từng bước trở thành hiện thực đối với người dân nơi đây.

Học xong là có việc làm  

Là địa phương thuần nông, nên công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được các cấp, các ngành huyện Phúc Thọ rất quan tâm. Kể từ khi có Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, huyện Phúc Thọ đã thể chế hóa bằng các văn bản để tổ chức hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn được huyện triển khai thực hiện sâu rộng đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhân dân về học nghề, giải quyết việc làm. Từ năm 2010 đến 2019, huyện đã mở được 135 lớp đào tạo nghề cho 4.718 lao động. Năm 2020, dự kiến huyện mở 5 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho 175 lao động.

Các ngành nghề được đào tạo cơ bản phù hợp với nhu cầu của người lao động địa phương nên số lượng lao động có việc làm qua đào tạo của huyện khá cao, đạt khoảng 86%. Chị Đỗ Thị Phượng, ở xã Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ) chia sẻ, trước đây được địa phương tạo điều kiện cho tham gia lớp học nghề mộc dân dụng trong vòng 3 tháng nhằm nâng cao tay nghề. Sau đào tạo, chị Phượng đã có tay nghề vững và có mức thu nhập từ 5 triệu đồng trở lên/tháng, cao hơn so với các ngành nghề phụ khác.

Qua tìm hiểu, phần lớn lao động nông thôn ở huyện Phúc Thọ được đào tạo nghề xong đều tự tìm kiếm được việc làm tại chỗ hoặc làm trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội. Kết hợp với phổ biến tuyên truyền chính sách về học nghề, các đoàn thể chính trị - xã hội của huyện cũng tích cực hỗ trợ giúp người dân vay vốn sản xuất và giải quyết việc làm. Vì vậy, tỷ lệ lao động nông thôn của huyện có việc làm ổn định ước đạt 97,5%, góp phần tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Thay đổi tổng thể, toàn diện

Giống nhiều địa phương, trong quá trình triển khai thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện Phúc Thọ cũng gặp một số khó khăn. Trong đó, một số chính sách về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến nay áp dụng trên địa bàn đã lạc hậu, không phù hợp với thực tế. Chẳng hạn như: kinh phí hỗ trợ chi phí đào tạo nghề áp dụng với nữ không quá 55 tuổi, nam không quá 60 tuổi, trong khi ở các địa phương số người lao động trên 60 tuổi vẫn còn nhu cầu được đào tạo, bồi dưỡng nghề nhưng không được hỗ trợ. Mặt khác, cấp huyện, cấp xã chưa hình thành được quỹ việc làm mà chủ yếu vẫn dựa vào nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm của Trung ương và thành phố, do đó, công tác thông tin, tuyên truyền về học nghề, thị trường lao động tới người lao động cũng còn hạn chế…

Từ thực tiễn kinh tế - xã hội, nhất là thế mạnh trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của địa phương, huyện Phúc Thọ xác định phải có sự thay đổi tổng thể, toàn diện trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Đáng chú ý, ngoài 16 nghề đã được phê duyệt, huyện Phúc Thọ đã đề xuất cấp có thẩm quyền hỗ trợ 7 nghề, gồm: Kế toán hợp tác xã; quản trị trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã; kinh doanh thương mại và dịch vụ lĩnh vực nông nghiệp; bảo vệ thực vật; trồng rau công nghệ cao; trồng rau mầm và rau thủy canh; bảo quản, sơ chế và chế biến nông sản; trồng lúa hữu cơ.

Song song triển khai thực hiện nội dung trên, huyện Phúc Thọ cũng xác định kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 với số lượng khoảng 1.470 người. Để hoàn thành chỉ tiêu đề ra, huyện Phúc Thọ cũng đã có các giải pháp để triển khai thực hiện. Trong đó, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện chương trình đào tạo nghề gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Cùng với đó, huyện từng bước nâng cao chất lượng hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, như: Tổ chức điều tra, thu thập, xử lý thông tin về nguồn cung lao động tại các hộ gia đình trên địa bàn huyện, điều tra bổ sung nhu cầu học nghề của lao động nông thôn; xác định rõ, danh mục nghề cần đào tạo, nhu cầu học nghề theo từng nghề, từng cấp nghề đào tạo để công tác dạy nghề, truyền nghề phù hợp với thị trường lao động. Huyện cũng thực hiện nghiêm chế độ kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với các xã, thị trấn, tại các lớp học về dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn, trong đó trọng tâm là giám sát công tác giải quyết việc làm cho người lao động sau khi kết thúc các lớp đào tạo nghề…


Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t