Gia Lâm đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (12:21 15/10/2019)


HNP - Giai đoạn 2017-2019, Hội Nông dân huyện Gia Lâm tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” rộng khắp và được cụ thể hóa gắn với các nhiệm vụ chính trị của huyện.

Trong 3 năm qua, công tác tuyên truyền vận động đến hội viên, nông dân về phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi được huyện Gia Lâm chú trọng. Toàn huyện đã tổ chức 238 buổi tuyên truyền cho hơn 25.000 lượt cán bộ hội viên, trọng tâm là các đề án phát triển kinh tế và Quy định về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ theo mô hình kinh tế trang trại trên địa bàn huyện.

Hội Nông dân từ huyện đến cơ sở đã tăng cường tuyên truyền sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, các mô hình, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực để nông dân hiểu và làm theo. Đồng thời tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao trình độ cho nông dân về ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; nắm vững các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, đặc biệt là chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn để hội viên và nhân dân tiếp cận. Trong 2 năm qua, toàn huyện đã tổ chức và phối hợp tổ chức trên 387 buổi tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT cho gần 41.689 lượt cán bộ hội viên. Các cấp hội đã chủ động và phối hợp tổ chức 40 lớp dạy và học nghề ngắn hạn về chuyển giao KHKT, quy trình sản xuất, kỹ thuật, giống tiến bộ trong trồng trọt và chăn nuôi cho 1.320 hội viên đạt kết quả tốt.

Từ năm 2017 đến nay, để trợ giúp cho các hộ nông dân, các cơ sở Hội đã tổ chức bàn giao 478 con bò cho 478 lượt hộ nông dân thiếu vốn với tổng số tiền 9,560 tỷ đồng. Thông qua chương trình đã tạo việc làm tại chỗ cho nông dân, vai trò của tổ chức Hội trong việc giúp đỡ các hộ nông dân phát triển kinh tế hộ gia đình luôn được thể hiện rõ. Các cơ sở Hội đã chủ động đăng ký, nhận trực tiếp và phối hợp giúp đỡ trên 700 lượt hộ nông dân thoát nghèo thông qua các giải pháp như: tổ chức bàn giao bò, giúp vay vốn, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật, tổ chức hỗ trợ giống, vốn, vật tư để các hộ nông dân có điều kiện và chủ động phát triển kinh tế gia đình và giải quyết việc làm cho trên 5000 lao động trong tuổi là nông dân và con em nông dân trên địa bàn. Thông qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn.

Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đều được duy trì, bổ sung phát triển và sử dụng hiệu quả đúng mục đích. Đến nay, tổng dư nợ Quỹ HTND toàn huyện đạt hơn 35,791 tỷ đồng, trong đó, nguồn quỹ HTND Thành phố ủy thác là 27,1 tỷ đồng, nguồn quỹ HTND huyện là 6.999 tỷ đồng và nguồn huy động từ các xã, thị trấn hơn 1,766 tỷ đồng. Công tác quản lý sử dụng vốn vay đạt hiệu quả về kinh tế và xã hội. Từ nguồn quỹ hỗ trợ trên đã giúp giải quyết việc làm cho trên 3.000 lao động nông nghiệp có việc làm, có thu nhập khá.

Đáng chú ý, Hội Nông dân các cấp còn tích cực vận động nông dân dồn điền đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng KHKT đưa những cây, con giống có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Trong hơn 2 năm, toàn huyện đã tổ chức vận động thực hiện trên 200 mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Duy trì tốt các vùng sản xuất rau và nông sản an toàn của các các xã: Văn Đức, Đặng Xá, Đông Dư. Tổ chức vận động nông dân tiếp tục mở rộng chuyển đổi cây trồng từ trồng lúa, ngô kém hiệu quả sang mô hình kinh tế vườn trại tại các xã Đa Tốn, Yên Thường, Đặng Xá, Văn Đức, Lệ Chi. Các mô hình trồng cam Canh, bưởi Diễn tại các xã: Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Kim Lan, trồng ổi tại xã Đông Dư, trồng chuối tại Cổ Bi, Phú Thị, Kim Sơn; ươm giống cây, trồng hoa, cây cảnh tại thị trấn Trâu Quỳ, Ninh Hiệp, Phù Đổng, Trung Mầu.

Hơn 2 năm qua, Hông dân huyện Gia Lâm đã chủ động thực hiện tốt chương trình phối hợp về tập huấn KHKT, phát triển chăn nuôi, trồng trọt; ký kết các chương trình ưu đãi về vật tư,phân bón cho 32.000 lượt hộ nông dân; phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện cho vay theo chương trình ủy thác với tổng số dư nợ nguồn vốn vay đến hết tháng 6/2019 đạt trên 123,192 tỷ đồng với 2.913 hộ gia đình vay để phát triển kinh tế gia đình.

Trong giai đoạn 2017-2019, toàn huyện đã có 39.339 lượt hộ gia đình đăng ký hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó, cấp Trung ương có 315 hộ, cấp thành phố có 1.871 hộ, cấp huyện có 8.131 hộ, cấp cơ sở có 39.339 hộ. Bên cạnh đó, duy trì 43 mô hình kinh tế tập thể với 149,3ha của 375 hộ tham gia góp phần phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo vệ sinh môi trường, không những tạo ra sản phẩm chất lượng, có sức cạnh tranh cao mà còn khẳng định hiệu quả của chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Kết quả bình xét giai đoạn 2017-2019, có tổng số 33.277 hộ đạt hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó, cấp Trung ương 220 hộ, cấp Thành phố 1.170 hộ, cấp huyện 4.400 hộ, cấp cơ sở 33.277 hộ.

Thời gian tới, Hội Nông dân huyện Gia Lâm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, trên cơ sở cụ thể hóa các chỉ tiêu của phong trào “5 điểm 10 việc Hội Nông dân tham gia phát triển kinh tế”, bám sát các mục tiêu của chương trình và các đề án phát triển kinh tế của cơ sở, kết hợp chặt chẽ với việc tổ chức thực hiện CVĐ “Xây dựng mỗi làng một nghề - Một sản phẩm hàng hóa điển hình”. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào "3 mô hình, 10 phần việc'' do Hội Nông dân huyện phát động và triển khai… Tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình nông dân làm kinh tế giỏi, mô hình hợp tác có hiệu quả, mô hình nông dân dồn điền đổi thửa để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại, gia trại có hiệu quả. Đồng thời, khai thác và huy động các nguồn lực, đặc biệt là đầu tư vốn phát triển sản xuất. Nâng cao chất lượng hoạt động của CLB khuyến nông các cấp; duy trì và thành lập mới các nhóm, tổ, hội, CLB nghề nghiệp. Xây dựng mô hình kinh tế tập thể hợp tác sản xuất, tổ dịch vụ tại cơ sở.


Nhật Minh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t