Phát huy truyền thống Anh hùng (16:26 31/08/2017)


HNP - Về Ứng Hòa vào những ngày Thủ đô bừng bừng khí thế kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9, lòng chúng tôi ấm lại khi nghe những con người của Khu Cháy anh hùng say sưa kể về quá khứ, hiện tại. Mỗi người dân nơi đây họ đều thuộc làu những trang sử đấu tranh oanh liệt chống quân xâm lược và công cuộc xây dựng quê hương cách mạng thay đổi từng ngày.

Mảnh đất Khu Cháy Anh hùng

Trong dòng hồi tưởng của mình, người dân thôn Trầm Lộng, xã Trầm Lộng không quên được những năm tháng nông dân, phụ nữ, phụ lão và thiếu nhi nơi đây củng cố lực lượng tạo sức mạnh đoàn kết, biến vùng đồng trũng sình lầy tăm tối về văn hóa dưới thời thực dân phong kiến thành căn cứ cách mạng. Những hình ảnh về chùa Chòng, xưởng in, xưởng dệt, xóm Rồng, miếu Cụ, miếu Đông nơi nuôi giấu, bảo vệ cán bộ, in ấn tài liệu, hội họp, sinh hoạt của xứ ủy Bắc Kỳ những năm 1939 - 1945 vạch kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền cứ dội về trong tâm trí những người chúng tôi gặp.

Tại xã Trầm Lộng, cuối năm 1941, sau khi thành lập, Mặt trận Việt Minh xã đã kết nạp gây dựng các phong trào Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc và nhi đồng cứu vong làm nhiệm vụ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ban đêm thì tập võ chuẩn bị lực lượng tiến tới vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền. Phong trào ngày càng lên nhanh, ngày ngày các bà, các chị trong đoàn thể phụ nữ cứu quốc được giao nhiệm vụ thuyết phục, kiên quyết ngăn cản dân phu khi họ đào đất. Thanh niên, trung niên chuẩn bị gậy gộc khi có hiệu lệnh kháng chiến. Càng đấu tranh, khí thế cách mạng ở Trầm Lộng càng sôi động, lan tỏa dần ra cả 11 xã khu Cháy.

Cùng với nhiệm vụ nuôi giấu, bảo vệ cán bộ, bảo vệ phong trào, các lực lượng tự vệ, lực lượng bán vũ trang khu Cháy hăng hái tham gia bảo vệ xóm làng. Sau khi giành chính quyền, lực lượng Thanh niên cứu quốc khu Cháy tiếp tục nhiệm vụ tuyên truyền và thực hiện nghĩa vụ cao cả tiếp quản giải phóng Thủ đô. Trong số hơn chục người con của Trầm Lộng, trùng trùng, lớp lớp cùng đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô, có người đã anh dũng hy sinh, người thì về với tổ tiên, nhưng thực sự họ là những người con trung dũng của mảnh đất khu Cháy Anh hùng.

Làng quê đổi mới

Không chỉ làm nên một khu Cháy ghi vào những trang sử vàng chói lọi, người dân nơi đây còn giỏi trong lao động sản xuất. Ngắm những thửa ruộng năm xưa “đồng trắng, nước trong”, “Chiêm khê, Mùa thối”, nay đã thay thế bằng ô thửa lớn, vuông vắn, lúa vụ mùa bắt đầu chắc hạt, năng suất bình quân đạt 63 tạ/ha, phải thừa nhận “cũng đồng đất ấy, cũng con người ấy, nhưng khi cơ chế thay đổi, trí tuệ, óc sáng tạo  của họ được phát triển thì cuộc sống đã thật sự đổi thay”. Sự thay đổi cơ sở hạ tầng được nâng cấp, đời sống người dân được cải thiện, sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội khởi sắc xuất phát từ ý chí rèn luyện và suy nghĩ vượt khó đi lên. Chẳng thế mà Trầm Lộng trở thành địa phương đầu tiên tại miền Bắc hoàn thành công tác đồn điển đổi thửa. Từ đây, hàng loạt mô hình chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi bung ra mang đến cho người dân cuộc sống ấm no. Đến nay, ngoài mở rộng diện tích trồng hàng trăm mẫu lúa hàng hóa chất lượng cao, Trầm Lộng đã chuyển đổi nhiều diện tích đất nông nghiệp sang nuôi trồng thủy sản. Nhiều trang trại nuôi trồng theo mô hình tổng hợp lúa + cá + vịt làm kinh tế giỏi cho thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/ha. Trung bình, mỗi năm, Trầm Lộng thu khoảng 600 tấn cá, 4 triệu quả trứng, trên 100 tấn thịt gà, vịt, 400 tấn thịt lợn hơi, nơi đây trở thành một trong những trọng điểm trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Ứng Hòa.

Không riêng gì Trầm Lộng, các xã Đồng Tân, Minh Đức, Hòa Lâm, Kim Đường, Đại Hùng, Đại Cường, Trung Tú, Đội Bình... cũng đang phát triển mở ra nhiều mô hình nông nghiệp giá trị cao. Đến xã Trung Tú mới thấy hết rõ ý thức chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi hướng tới nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, qui mô lớn. Với diện tích đất canh tác hơn 400ha, mảnh đất có lịch sử lâu đời làm nông nghiệp này đã chuyển đổi gần một nửa đất lúa sang nuôi trồng thủy sản và mở rộng diện tích trồng hơn 100ha lúa hàng hóa chất lượng cao.

Qua câu chuyện với Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa Nguyễn Văn Xuyên, chúng tôi được biết, Ứng Hòa xác định tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng qui mô lớn, mũi nhọn là nuôi trồng thủy sản và trồng lúa hàng hóa chất lượng cao. Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa cho biết, mỗi năm, huyện phấn đấu mở rộng hàng trăm hécta nuôi trồng thủy sản (hiện đã chuyển đổi được 2.250ha với hơn 100 trang trại, vườn trại) và nâng diện đất trồng lúa hàng hóa chất nâng cao lên 45%, tương đương với gần 5.500ha. Cùng với đó các dự án mở rộng 230ha chăn nuôi xã khu dân cư tại xã Tảo Dương Văn và Vạn Thái, 1.000ha rau ran toàn tại các xã ven sông Đáy đang được gấp gáp triển khai...


Minh Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t