Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị
VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH
Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị
Ngày 24/5, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 2613/QĐ-UBND về việc Ban hành Kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội để triển khai thực hiện Nghị quyết số 188/2025/QH15 ngày 19/02/2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội.
Theo Quyết định, Kế hoạch được ban hành với mục tiêu là tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, có hiệu quả các Kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 188, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố, gồm 07 nhóm nội dung chính, như sau:
Về xây dựng văn bản để cụ thể hóa một số quy định của Nghị quyết số 188: Kiện toàn Tổ công tác thành lập theo Quyết định số 5806/QĐ-UBND ngày 14/11/2023 và Quyết định số 1313/QĐ-UBND ngày 08/3/2024 của Chủ tịch UBND Thành phố; xây dựng Nghị quyết của HĐND Thành phố hướng dẫn, quy định quy định chi tiết Nghị quyết số 188 và Luật Thủ đô; ban hành quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt phương án tuyến, vị trí công trình theo tuyến đường sắt đô thị, quy hoạch khu vực TOD; quy định phát triển khoa học, công nghệ đường sắt và quy định chi tiết về việc nghiên cứu, ứng dụng, nhận chuyển giao công nghệ; quy định về nội dung, yêu cầu về khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật tổng thể (thiết kế FEED) thay thế cho thiết kế cơ sở trong Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án và các bước thiết kế triển khai sau thiết kế FEED, lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng của dự án áp dụng thiết kế FEED ...; quy định tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ hoặc tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam được đặt hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt, nghiên cứu, ứng dụng, nhận chuyển giao công nghệ; quy định về danh mục dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt được giao nhiệm vụ cho tổ chức, doanh nghiệp nhà nước hoặc đặt hàng cho tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam; xây dựng bộ khung quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các dự án đường sắt đô thị.
Đối với quy hoạch đường sắt đô thị và khu vực TOD: Rà soát tình hình sở hữu, sử dụng đất dọc hành lang các tuyến; tổng hợp danh mục quỹ đất có tiềm năng phát triển TOD làm cơ sở tối ưu phương án tuyến công trình, vị trí công trình theo tuyến và quy hoạch khu vực TOD các tuyến đường sắt đô thị được phê duyệt; đồng thời rà soát quy hoạch định hướng các tuyến đường sắt đô thị, khu vực TOD cập nhật kịp thời vào Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô và quy hoạch điện bảo đảm nhu cầu sử dụng điện cho các dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD.
Chuẩn bị dự án, thực hiện dự án: Xây dựng phương án huy động vốn đầu tư để thực hiện dự án đường sắt đô thị giai đoạn trung hạn 2026-2030, 2031-2035 và nguồn vốn hàng năm; tham mưu UBND Thành phố ứng vốn ngân sách địa phương trong thời gian hoàn thiện các thủ tục ký kết hiệp định vay ODA đối với các dự án đường sắt đô thị sử dụng vốn ODA; bố trí vốn từ ngân sách địa phương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch đầu tư công hàng năm để triển khai thực hiện một số hoạt động trước khi có quyết định đầu tư phục vụ cho dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD; lập Kế hoạch tổng thể về công tác thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư GPMB cho mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội theo các giai đoạn của Nghị quyết số 188. Đồng thời, thực hiện công tác di dời công trình điện có điện áp từ 110 kV trở lên; đề xuất nguồn vốn bố trí cho các dự án đường sắt đô thị giai đoạn trung hạn 2026-2030 và điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2025; hoàn thành thi đoạn ngầm và đưa vào khai thác vận hành toàn tuyến dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội năm 2027; khởi công trong tháng 10/2025 Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Thành phố tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo và Dự án đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, tuyến số 5, Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc. Ngoài ra, triển khai thực hiện các Dự án: Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Yên Sở, Hoàng Mai, Tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình; Tuyến đường sắt đô thị số 2, Đoạn Nam Thăng long - Nội Bài và Tuyến đường sắt đô thị số 2A, đoạn kéo dài đi Xuân Mai vào giai đoạn 2026 - 2030; bên cạnh đó, thực hiện các dự án giai đoạn 2031 - 2035 và giai đoạn 2036 - 2045.
Trên cơ sở nội dung kế hoạch đề ra, các cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc UBND Thành phố và các địa phương nơi có dự án tuyến đường sắt đô thị đi qua chịu trách nhiệm tổ chức sắp xếp bộ máy, bố trí nhân sự để triển khai thực hiện kế hoạch trên tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội là cơ quan thường trực theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện Kế hoạch này.
Tập trung ứng phó nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt cục bộ trên địa bàn Thành phố
Ngày 25/5, UBND Thành phô ban hành Công văn số 3159/UBND-NNMT về việc tập trung ứng phó nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt cục bộ trên địa bàn Thành phố.
Theo đó, thực hiện Công điện số 70/CĐ-TTg ngày 23/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt cục bộ ở Bắc Bộ, UBND Thành phố giao các Sở, ngành: Nông nghiệp và Môi trường, Xây dựng, Công Thương, Công an Thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô; UBND cấp huyện, cấp xã và các đơn vị có liên quan, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương triển khai thực hiện nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 70 nêu trên. Đồng thời, tiếp tục theo dõi sát tình hình, tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các biện pháp để chủ động ứng phó thiên tai, nhất là sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt cục bộ để bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước trên địa bàn Thành phố. Tuyệt đối không được để xảy ra gián đoạn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó với thiên tai khi thực hiện việc sắp xếp lại đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Tăng cường công tác PCCC tại trụ sở làm việc
Ngày 24/5, UBND Thành phố ban hành Công văn số 3153/UBND-NC về việc tăng cường công tác PCCC tại trụ sở làm việc.
Theo đó, trước tình hình xảy ra một số vụ cháy tại nơi làm việc, lưu trữ hồ sơ, tài liệu, các trụ sở, cơ quan thuộc UBND Thành phố, công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm bảo vệ tài sản Nhà nước, hồ sơ, tài liệu và an toàn tính mạng con người. Để đảm bảo an toàn PCCC tại trụ sở các cơ quan, đơn vị, UBND Thành phố yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thực hiện nghiêm túc một số nội dung cụ thể như sau:
1. Chỉ đạo các phòng, ban chức năng và UBND cấp huyện, cấp xã nâng cao trách nhiệm trong công tác PCCC&CNCH, đảm bảo tuyệt đối an toàn về PCCC tại trụ sở cơ quan, đơn vị được giao quản lý. Tiến hành rà soát các điều kiện an toàn về PCCC tại trụ sở, đồng thời kiểm tra, kịp thời sửa chữa, bảo dưỡng các hệ thống PCCC được trang bị.
2. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, kiến thức về PCCC đến toàn thể cán bộ, công nhân viên trong đơn vị; quán triệt 100% cán bộ, công nhân viên chức trong việc thực hiện nghiêm công tác đảm bảo an toàn về PCCC&CNCH đặc biệt là việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, sắp xếp hồ sơ, tài tiệu gọn gàng…tại các khu vực, vị trí làm việc trong cơ quan, đơn vị.
3. Tăng cường công tác tự kiểm tra, từ đó phát hiện sớm và xử lý kịp thời các hạn chế nhất là các điều kiện an toàn về đường, lối ra thoát nạn, ngăn cháy lan, tình trạng hoạt động các phương tiện PCCC&CNCH.
4. Tăng cường lực lượng thường trực, ứng trực; thường xuyên tổ chức kiểm tra, quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt; thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện đảm bảo phù hợp công suất tiêu thụ, thay thế các đường dây dẫn điện đã cũ, hư hỏng, sử dụng các thiết bị như attomat, cầu dao… để ngắt điện khi có sự cố xảy ra; tuyệt đối không câu mắc, đấu nối tùy tiện, sử dụng nhiều thiết bị trong cùng 01 ổ cắm; thực hiện nghiêm việc tắt các thiết bị tiêu thụ điện khi không có nhu cầu sử dụng.
5. Chủ động xây dựng, tự tổ chức thực tập phương án chữa cháy và CNCH; Khi có cháy nổ xảy ra phải có cơ chế huy động tối đa lực lượng, phương tiện để tổ chức chữa cháy và CNCH ban đầu, phát huy phương châm "bốn tại chỗ"; đồng thời báo ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH để phối hợp thực hiện các nhiệm vụ được giao, từ đó giảm thiểu tối đa thiệt hại cả về người và tài sản do cháy, nổ gây ra.
Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống thuốc giả, thực phẩm giả và ngộ độc thực phẩm
Ngày 25/5, UBND Thành phố ban hành Công văn số 3157/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống thuốc giả, thực phẩm giả và ngộ độc thực phẩm.
Theo đó, để tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm, phòng chống thuốc giả, thực phẩm giả, ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm ảnh hưởng tới sức khoẻ nhân dân trên địa bàn Thành phố, UBND Thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm, quyết liệt, hiệu quả, bám sát mục tiêu, yêu cầu, các chỉ đạo của Trung ương tại các văn bản: Công điện số 55 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sửa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả; Công văn số 2633 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống thực phẩm giả, ngộ độc thực phẩm; Công văn số 2657 của Bộ Y tế về việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm, ngăn ngừa thực phẩm giả; Công văn số 2352 của Bộ Y tế về tăng cường công tác đấu tranh phòng chống thuốc giả, sửa giả, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả; Chỉ thị số 17 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý của nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Chỉ thị số 38 về tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm...
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác tổ chức đợt cao điểm kết thúc vào 15/6/2025 tổng rà soát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về dược, an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh thuốc chữa bệnh, thực phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sữa, các thực phẩm bổ sung.
Tăng cường rà soát, xử lý đối với các hành vi vi phạm về quảng cáo trên môi trường mạng hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng khác; tăng cường thông tin, tuyên truyền các quy định của pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong lựa chọn, mua và sử dụng sản phẩm...
Sở Y tế chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, khu du lịch, bếp ăn tập thể trường học, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thức ăn đường phố, cơ sở dịch vụ ăn uống dành cho công nhân, học sinh, sinh viên, khách du lịch, cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, nước đá dùng liền... Kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không đủ điều kiện về an toàn thực phẩm, cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng phương án, lực lượng, thuốc và thiết bị y tế để triển khai hiệu quả các biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm trên địa bàn.
Sở Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra, giám sát chất lượng nguyên liệu nông sản, thực phẩm đầu vào; tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản, thực phẩm nông nghiệp; hướng dẫn nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp áp dụng quy trình sản xuất nông sản an toàn, truy xuất được nguồn gốc.
Sở Công Thương tăng cường công tác quản lý thị trường; kiểm tra, rà soát các sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng và các gian hàng kinh doanh thực phẩm qua các ứng dụng trên, nhằm phát hiện các sản phẩm, thực phẩm chưa thực hiện việc công bố, vi phạm quảng cáo…để gỡ bỏ thông tin.
Sở Văn hoá và Thể thao chỉ đạo các báo, đài phát thanh, truyền hình tăng cường dung lượng, thông tin về an toàn thực phẩm; công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuốc giả, thực phẩm giả để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.
Công an Thành phố chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung triển khai lập các chuyên án, khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc giả, thực phẩm giả, thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm gây hại cho sức khỏe con người theo thẩm quyền và quy định.
UBND các quận, huyện, thị xã (chính quyền cơ sở) chịu trách nhiệm toàn diện về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa, ngăn chặn thực phẩm giả, thuốc giả, sữa giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả trên địa bàn theo phân cấp quản lý.
Xếp hạng 21 di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn Thành phố
Ngày 24/5, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 2618/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo Quyết định, xếp hạng 21 di tích cấp Thành phố, cụ thể: (1) Di tích Lịch sử văn hóa đình Tân Tiến, phường Biên Giang, quận Hà Đông; (2) Di tích Lịch sử văn hóa chùa Cảnh Linh (chùa Chợ), phường Đồng Mai, quận Hà Đông; (3) Di tích Lịch sử-kiến trúc nghệ thuật đình Đông Lao, xã Đông La, huyện Hoài Đức; (4) Di tích Lịch sử-nghệ thuật đình Cổ Ngõa Thượng, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng; (5) Di tích Lịch sử-nghệ thuật chùa Sen Trì (Phúc Liên tự), xã Bình Yên, huyện Thạch Thất; (6) Di tích Lịch sử văn hóa đình Thanh Bồ, xã Bình Lưu Quang, huyện Ứng Hòa; (7) Di tích Lịch sử văn hóa đền Thọ Vực (đền Trong-đền Mẫu), xã Bình Lưu Quang, huyện Ứng Hòa; (8) Di tích Lịch sử-nghệ thuật đình Giáp Ba, xã Bạch Hạ, huyện Phú Xuyên; (9) Di tích Lịch sử-nghệ thuật chùa Khả Liễu (Hưng Long tự), xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên; (10) Di tích Lịch sử văn hóa nhà thờ họ Bùi, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai; (11) Di tích Lịch sử văn hóa nhà thờ họ Nguyễn Văn, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai; (12) Di tích Lịch sử văn hóa đình Quang Ngọc, xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì; (13) Di tích Lịch sử văn hóa chùa Thuận An (An Sơn tự), xã Thái Hòa, huyện Ba Vì; (14) Di tích Lịch sử văn hóa chùa Yên Thịnh (Thiên Phúc tự), xã Sơn Đà, huyện Ba Vì; (15) Di tích Lịch sử văn hóa chùa Bùi (Phúc Bùi tự), xã Chu Minh, huyện Ba Vì; (16) Di tích Lịch sử văn hóa chùa Mẫu (Linh Châu tự), xã Chu Minh, huyện Ba Vì; (17) Di tích Lịch sử văn hóa chùa Đồng Phú (Thanh Tâm tự), xã Phú Đông, huyện Ba Vì; (18) Di tích Lịch sử văn hóa đình Phú Nghĩa, xã Phú Đông, huyện Ba Vì; (19) Di tích Lịch sử văn hóa đình Vân Hồng, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì; (20) Di tích Lịch sử văn hóa đình Phú Mỹ, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì; (21) Di tích Lịch sử văn hóa chùa Phú Mỹ, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì.
Đồng thời, sau khi di tích được xếp hạng, UBND quận, huyện: Hà Đông, Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Oai, Ba Vì chịu trách nhiệm công khai khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích và tổ chức lập hồ sơ cắm mốc giới và triển khai cắm mốc giới trên thực địa theo thẩm quyền và quy định pháp luật hiện hành.
UBND phường, xã, thị trấn: Biên Giang, Đồng Mai, Đông La, Phương Đình, Bình Yên; Bình Lưu Quang; Bạch Hạ, Phúc Tiến; Bình Minh; Vạn Thắng, Thái Hòa, Sơn Đà, Chu Minh, Phú Đông, Tây Đằng ban hành quyết định thành lập Ban quản lý di tích; tổ chức quản lý mặt bằng và không gian di tích, toàn bộ hiện vật thuộc di tích, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích, sử dụng nguồn thu của di tích theo quy định tại Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND và Quyết định số 31/2021/QĐ-UBND của UBND Thành phố về việc ban hành quy chế, sửa đổi bổ sung một số điều của quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn Thành phố; Nghiêm cấm mọi hoạt động có liên quan tới việc xây dựng, khai thác trong khu vực di tích đã được xếp hạng và khoanh vùng các khu vực bảo vệ. Trường hợp đặc biệt cần sử dụng đất, xây dựng tại di tích phải được phép của UBND Thành phố.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Tổ chức Chiến dịch bổ sung Vitamin A đợt 1 và triển khai các hoạt động Ngày vi chất dinh dưỡng
Ngày 25/5, UBND Thành phố ban hành Công văn số 3158/UBND-KGVX về việc tổ chức Chiến dịch bổ sung Vitamin A đợt 1 và triển khai các hoạt động Ngày vi chất dinh dưỡng trên địa bàn Hà Nội năm 2025.
Thực hiện Công văn số 2908 của Bộ Y tế về việc tổ chức chiến dịch bổ sung Vitamin A kết hợp tẩy giun cho trẻ em đợt 1 năm 2025, để công tác tổ chức Chiến dịch bổ sung Vitamin A đợt 1 và triển khai các hoạt động Ngày vi chất dinh dưỡng trên địa bàn Hà Nội năm 2025 đảm bảo kịp thời, hiệu quả, UBND Thành phố yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức Chiến dịch bổ sung Vitamin A đợt 1 từ 01- 02/6/2025 và triển khai các hoạt động Ngày vi chất dinh dưỡng trên địa bàn Hà Nội năm 2025 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, dự trù đủ viên nang Vitamin A cho trẻ em trong độ tuổi để triển khai theo đúng hướng dẫn và phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức kiểm tra, giám sát công tác triển khai Chiến dịch của các quận, huyện, thị xã.
Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp, định hướng các cơ quan báo, đài, truyền thông của Thành phố tăng cường tuyên truyền sâu rộng về Ngày vi chất dinh dưỡng và Chiến dịch bổ sung Vitamin A đợt 1 năm 2025 để người dân hiểu và áp dụng các biện pháp phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng.
Đề nghị các đoàn thể Thành phố tăng cường tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực hưởng ứng Chiến dịch bổ sung Vitamin A đợt 1 và triển khai các hoạt động Ngày vi chất dinh dưỡng.
UBND các quận, huyện, thị xã (Chính quyền cơ sở): Xây dựng kế hoạch, tổ chức Chiến dịch bổ sung Vitamin A đợt 1 từ 01- 02/6/2025 và triển khai các hoạt động Ngày vi chất dinh dưỡng năm 2025 trên địa bàn. Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai Chiến dịch bổ sung Vitamin A đợt 1 và các hoạt động Ngày vi chất dinh dưỡng năm 2025 tại các xã, phường, thị trấn; khuyến khích người dân thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, đa dạng hóa bữa ăn, sử dụng muối I ốt…; đảm bảo kinh phí, vật tư, nhân lực cần thiết cho các hoạt động trong Chiến dịch bổ sung Vitamin A đợt 1 và triển khai các hoạt động Ngày vi chất dinh dưỡng năm 2025 tại địa phương.
Ban hành 02 quyết định về điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch sử dụng đất năm 2025 huyện Thanh Trì và huyện Gia Lâm
Ngày 24/5, UBND Thành phố ban hành 02 Quyết định: số 2614/QĐ-UBND về việc điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch sử dụng đất năm 2025 huyện Thanh Trì; số 2637/QĐ-UBND về việc điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch sử dụng đất năm 2025 huyện Gia Lâm.
Theo Quyết định số 2614/QĐ-UBND, điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch sử dụng đất năm 2025 huyện Thanh Trì đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 210/QĐ-UBND ngày 13/01/2025, như sau:
1. Điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch sử dụng đất năm 2025 huyện Thanh Trì bao gồm điều chỉnh tăng diện tích đất thực hiện dự án tại 01 dự án; điều chỉnh bổ sung diện tích đất trồng lúa, không thay đổi diện tích đất thực hiện dự án, tại 02 dự án; bổ sung danh mục 27 dự án với tổng diện tích đất 302,53ha, trong đó đa phần là các dự án đăng ký mới như: Nâng cấp trường THCS xã Hữu Hòa; nâng cấp trường mầm non A Liên Ninh; Khu nhà ở xã hội Tân Triều; cải tạo, mở rộng và chỉnh trang khuôn viên nghĩa trang nhân dân thôn Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp; xây dựng tuyến đường nối cầu Hòa Bình đi khu đô thị Nam Linh Đàm huyện và rất nhiều các dự án đấu giá cho thuê quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích tại các xã của huyện.
2. Điều chỉnh số dự án và diện tích ghi tại khoản 1 Điều 1 thành: 145 dự án với tổng diện tích 679,12ha đất.
3. Các nội dung khác thực hiện theo Quyết định số 210 của UBND Thành phố và quy định của pháp luật hiện hành.
Tại Quyết định số 2637/QĐ-UBND, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch sử dụng đất năm 2025 huyện Gia Lâm đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 122/QĐ-UBND ngày 08/01/2025, cụ thể như sau:
1. Điều chỉnh, bổ sung 12 công trình, dự án với tổng diện tích sử dụng đất khoảng 284,57 ha trong Danh mục các công trình, dự án thực hiện trong Kế hoạch sử dụng đất năm 2025 huyện Gia Lâm. Trong đó gồm có các dự án quan trọng như: Đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp thực phẩm Hapro; đầu tư xây dựng trường THPT hướng nghiệp công nghệ thông minh; cải tạo, nâng cấp, xây dựng mở rộng bến thủy nội địa Nam Sơn thành khu cảng tổng hợp Gia Lâm; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn từ cầu Đuống mới đến hết địa phận huyện Gia Lâm...
2. Điều chỉnh nội dung "Danh mục các công trình, dự án nằm trong kế hoạch sử dụng đất năm 2025 bao gồm 131 dự án với tổng diện tích là 714,33 ha" tại khoản 1 Điều 1 Quyết định số 122/QĐ-UBND ngày 08/01/2025 của UBND Thành phố thành "Danh mục các công trình, dự án nằm trong Kế hoạch sử dụng đất năm 2025 bao gồm 140 dự án, với tổng diện tích khoảng 998,9 ha".
3. Các nội dung khác của Kế hoạch sử dụng đất năm 2025 huyện Gia Lâm thực hiện theo Quyết định số 122 của UBND Thành phố.
Các Quyết định trên có hiệu lực kể từ ngày ký.
Cho phép Hội gỗ mỹ nghệ Canh Nậu, xã Lam Sơn, huyện Thạch Thất sử dụng địa danh "Canh Nậu" để đăng ký nhãn hiệu tập thể Đồ gỗ mỹ nghệ Canh Nậu
Ngày 24/5, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 2620/QĐ-UBND về việc cho phép Hội gỗ mỹ nghệ Canh Nậu, xã Lam Sơn, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội sử dụng địa danh "Canh Nậu" để đăng ký nhãn hiệu tập thể Đồ gỗ mỹ nghệ Canh Nậu cho sản phẩm và dịch vụ mua bán sản phẩm từ gỗ ở xã Lam Sơn, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội.
Theo Quyết định, cho phép Hội gỗ mỹ nghệ Canh Nậu được sử dụng địa danh "Canh Nậu", kèm theo bản đồ địa lý tương ứng đã được UBND huyện Thạch Thất xác nhận để đăng ký nhãn hiệu tập thể Đồ gỗ mỹ nghệ Canh Nậu cho sản phẩm và dịch vụ mua bán sản phẩm từ gỗ thuộc các nhóm hàng hóa, dịch vụ: 20 và 35 của Bảng phân loại quốc tế các hàng hóa, dịch vụ theo Thỏa ước Nice.
Hội gỗ mỹ nghệ Canh Nậu có trách nhiệm xây dựng các văn bản, công cụ quản lý nhãn hiệu tập thể; tổ chức quản lý việc sử dụng địa danh làm nhãn hiệu tập thể theo đúng quy định.
Trường hợp địa danh "Canh Nậu" bị sử dụng sai mục đích, không vì lợi ích chung của Hội hoặc trường hợp nhãn hiệu tập thể chuyển nhượng sang chủ sở hữu mới hoặc các sản phẩm từ gỗ mang địa danh "Canh Nậu" chuyển sang đăng ký bảo hộ "Nhãn hiệu chứng nhận", UBND Thành phố có quyền thu hồi quyền sử dụng địa danh đã cho phép tại Quyết định này.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.
Kiện toàn Tổ công tác thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-HĐND ngày 10/12/2022 của HĐND Thành phố về Chương trình phát triển thanh niên giai đoạn 2021-2030
Ngày 24/5, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 2612/QĐ-UBND về việc kiện toàn Tổ công tác thực hiện Nghị quyết số 33/NQ- HĐND ngày 10/12/2022 của HĐND Thành phố về Chương trình phát triển thanh niên thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030.
Theo Quyết định, Kiện toàn Tổ công tác, cụ thể như sau: Ông Lê Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố làm Tổ trưởng; Ông Trần Đình Cảnh, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ làm Tổ phó Thường trực và 11 thành viên là Bà Ngô Minh Hoàng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ; Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế; Bà Vương Hương Giang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Bà Nguyễn Tố Quyên, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; Ông Nguyễn Đức Tiến, Ủy viên BCH Trung ương Đoàn, Phó Bí thư Thường trực Thành Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam; Ông Nguyễn Hồng Dương, Đại tá, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Ông Vũ Đức Tuyên, Trưởng phòng Quản lý Hội và Văn thư, Lưu trữ - Thành viên, kiêm Thư ký; Ông Đỗ Xuân Đà, Phó Trưởng phòng Nội chính, Văn phòng UBND Thành phố; Ông Bùi Nhật Quang, Trung tá, Phó Trưởng phòng Công tác Chính trị, Công an Thành phố; Bà Vũ Thị Thanh Tú, Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp; Bà Trần Thị Hồng Nhạn, Phó Trưởng phòng Tổ chức - Pháp chế, Sở Văn hóa và Thể thao.
Tổ Công tác có trách nhiệm rà soát, kiểm đếm các mục tiêu, chỉ tiêu của các cơ quan, đơn vị được giao tại Nghị quyết số 33 của HĐND Thành phố và Kế hoạch số 42 của UBND Thành phố về việc thực hiện Nghị quyết số 33; các Chương trình, Nhiệm vụ, Đề án, Dự án thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tại Quyết định số 1855 của UBND Thành phố về việc phê duyệt Danh mục các chương trình, nhiệm vụ, đề án, dự án thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình phát triển thanh niên thành phố Hà Nội giai đoạn 2021- 2030. Bên cạnh đó, nghiên cứu, đề xuất UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố về cơ chế, chính sách cho thanh niên Thành phố theo ngành, lĩnh vực quản lý của các cơ quan, đơn vị.
Tổ công tác làm việc theo chế độ thủ trưởng và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Lãnh đạo Tổ công tác sử dụng con dấu của cơ quan, đơn vị mình trong quá trình hoạt động.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Nam An Khánh giai đoạn 1
Ngày 24/5, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 2616/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Nam An Khánh giai đoạn 1.
Theo Quyết định, mục tiêu của Dự án là xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho các xã lưu vực Nam An Khánh đồng bộ, bao gồm: hệ thống mạng lưới đường cống chính, giếng tràn, tuyến cống bao, trạm xử lý nước thải tập trung làm cơ sở xây dựng hệ thống thoát nước thải riêng hoàn toàn; đồng thời, đảm bảo khả năng phát triển, mở rộng kết nối hệ thống thoát nước của khu vực trong tương lai với tổng mức đầu tư hơn 430.256 triệu đồng, thực hiện năm 2026-2029.
Quy mô đầu tư Dự án là công trình hạ tầng kỹ thuật cấp II thuộc nhóm B với các hạng mục chủ yếu gồm: Hệ thống thu gom nước thải là hệ thống thoát nước nửa riêng kiểu hệ thống giếng tách, cống bao tự chảy; trạm bơm chuyển tiếp; tuyến cống áp lực. Kích thước các công trình được tính toán đáp ứng lưu lượng lớn nhất theo quy hoạch và khối lượng dự kiến. Với hạng mục Nhà máy xử lý nước thải Nam An Khánh: Quy mô công suất đến năm 2030 khoảng 7.500m3/ngày đêm; công nghệ đảm bảo chất lượng xử lý nước sau xử lý đạt đồng thời cột A của QCVN 14:2008/BTNMT và cột A QCVN 40:2011/BTNMT, tiên tiến, áp dụng phổ biến tại Việt Nam. Xây kín và xử lý mùi, sử dụng các phương pháp tiết kiệm năng lượng; Tiếp nhận và xử lý được phân bùn bể tự hoại; ùn sau xử lý đạt độ khô dự kiến tối thiểu 30% trước khi chôn lấp.
UBND huyện Hoài Đức hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND Thành phố về tính chuẩn xác, tính hợp pháp của các thông tin, số liệu trình bày trong hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án trình thẩm định, phê duyệt; đồng thời, chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thành hồ sơ trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt Dự án theo đúng quy định; xác định khối lượng, chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, di chuyển các công trình ngầm nổi khi khảo sát, lập Dự án đầu tư đảm bảo sát với khối lượng triển khai thực tế, bố trí tái định cư; xác định vị trí xây dựng tuyến ống thu gom nước thải tránh phải di chuyển khi các tuyến đường theo quy hoạch trong tương lai được triển khai...
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Giao 213,5m2 đất để thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất ở mới thôn Trạch Bái, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa
Ngày 24/5, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 2615/QĐ-UBND về việc giao đất để thực hiện dự án: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất ở mới thôn Trạch Bái, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội.
Theo Quyết định, giao UBND huyện Ứng Hòa 213,5m2 đất tại xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa để thực hiện Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất ở mới thôn Trạch Bái xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa theo dự án đầu tư được UBND huyện Ứng Hòa phê duyệt tại Quyết định số 1338/QĐ-UBND ngày 27/3/2025 với hình thức giao đất là Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất. UBND huyện Ứng Hòa có trách nhiệm đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực theo quy hoạch được duyệt và quy định của pháp luật và sử dụng đất lâu dài.
Đối với 1.348,7 m² đất ở để đấu giá: Giao UBND huyện Ứng Hòa quản lý để thực hiện các thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất ở cho cá nhân theo quy định. Vị trí, ranh giới, diện tích khu đất được xác định tại Bản vẽ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại An Đông Dương lập, được UBND huyện Ứng Hòa phê duyệt tại Quyết định số 1273/QĐ-UBND ngày 25/3/2025; Bản định vị tọa độ mốc giới do Sở Nông nghiệp và Môi trường bàn giao ngày 21/4/2025. Phương thức giao đất là không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.
UBND huyện Ứng Hòa chịu trách nhiệm về nguồn gốc, việc sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định hiện hành về quản lý dự án đầu tư xây dựng; đồng thời, liên hệ với Sở Nông nghiệp và Môi trường để nhận bàn giao đất trên thực địa; tổ chức thực hiện theo dự án đầu tư được phê duyệt đảm bảo quy hoạch tổng thể, khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng khu vực. Đối với diện tích 1.348,7 m² đất ở để đấu giá quyền sử dụng đất ở cho cá nhân, UBND huyện Ứng Hòa chịu trách nhiệm về việc xác định giá khởi điểm, các điều kiện để tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định và chỉ đạo của UBND Thành phố về công tác đấu giá quyền sử dụng đất tại Văn bản số 3119/UBND-TNMT ngày 20/9/2024; sử dụng đất đúng mục đích, ranh giới, diện tích quy định.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Thành phố
Ngày 26/5, Văn phòng UBND Thành phố ban hành Thông báo số 320/TB-VP về Kết luận của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Thành phố tại Hội nghị quán triệt, triển khai các chỉ đạo của Trung ương về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Thành phố.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND Thành phố - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Thành phố thống nhất kết luận các nội dung chính sau:
Về phương hướng, quan điểm chỉ đạo: (1)Phòng ngừa là cơ bản: Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao nhận thức, không tham gia, không tiếp tay và tích cực tố giác các hành vi vi phạm; (2)Chống và xử lý là quyết định: Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Quán triệt sâu rộng các chỉ đạo của Trung ương đến từng cán bộ, công chức để triển khai thực hiện thống nhất, đúng quy định.
Các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp cụ thể là kiện toàn tổ chức chỉ đạo, điều hành: Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp Văn phòng UBND Thành phố khẩn trương tham mưu, trình UBND Thành phố Quyết định thành lập Tổ công tác của Thành phố do đồng chí Chủ tịch UBND Thành phố làm Tổ trưởng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025, hoàn thành trước ngày 25/5/2025. Đồng thời, chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan rà soát, tham mưu kiện toàn Ban Chỉ đạo 389 Thành phố; trong đó lưu ý rà soát, bổ sung lực lượng "phòng" Sở Khoa học và Công nghệ, các cơ quan thông tin, báo chí và lực lượng "chống" cho phù hợp với tình hình thực tiễn và cơ cấu tổ chức mới của các đơn vị.
Xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động cao điểm: Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp Công an Thành phố, Chi cục Hải quan khu vực I và các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng, trình UBND Thành phố ban hành Kế hoạch hành động chi tiết của Thành phố bảo đảm phương châm "6 rõ", lựa chọn đúng lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, có tính đột phá, phân công trách nhiệm cụ thể đến từng cá nhân, người đứng đầu. Cùng với đó, Các Sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ Kế hoạch của Thành phố, xây dựng kế hoạch chi tiết của đơn vị và tổ chức triển khai ngay, đảm bảo quyết liệt, hiệu quả.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm vi phạm: Các lực lượng chức năng như: Quản lý thị trường, Công an, Hải quan, Thuế tăng cường nắm tình hình; siết chặt cơ chế phối hợp liên ngành; tập trung kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, kho hàng, điểm tập kết, mặt hàng thiết yếu; đặc biệt, tạo đột phá trong kiểm soát thương mại điện tử; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định, chế tài xử lý, nhất là quy trách nhiệm cho lực lượng giao nhận hàng hóa đối với hàng giả, hàng nhái. Bên cạnh đó, giao Sở Công Thương chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh kiện toàn tổ chức, bảo đảm kinh phí, chính sách cho lực lượng.
Công tác thông tin, tuyên truyền và vận động xã hội: Đẩy mạnh, đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành của người dân và doanh nghiệp.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách và bảo đảm nguồn lực: Giao Sở Công Thương chủ trì, tổng hợp các bất cập về quy định pháp luật và khó khăn thực tiễn về thiếu phương tiện, thiết bị kiểm định... để tham mưu UBND Thành phố kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện Thông báo số 339/TB-VP ngày 29/7/2024 thông báo Kết luận của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền - Trưởng Ban chỉ đạo 389 Thành phố tại Hội nghị sơ kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024; rà soát, nghiên cứu, đề xuất phương án về kho/địa điểm tạm giữ, bảo quản vật chứng, tang vật vi phạm hành chính, lưu ý cơ chế quản lý kho tang vật; phương án thiết kế sơ bộ, bố trí kho tang vật đảm bảo sự tách biệt giữa quản lý vật chứng và tang vật; giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Thuế khu vực I, Công an Thành phố và các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế quản lý hiệu quả đối với các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Chế độ thông tin, báo cáo: Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc, kịp thời chế độ thông tin, báo cáo nhanh, báo cáo định kỳ theo Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Thành phố chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Thực hiện Thông báo số 216/TB-VPCP ngày 06/5/2025 của Văn phòng Chính phủ
Ngày 26/5, UBND Thành phố ban hành 3166/UBND-KT về việc thực hiện Thông báo số 216/TB-VPCP ngày 06/5/2025 của Văn phòng Chính phủ.
Theo đó, thực hiện Thông báo số 216 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị với doanh nghiệp nhà nước về tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng, UBND Thành phố có ý kiến chỉ đạo các doanh nghiệp nhà nước thực hiện một số giải pháp tiên phong trong chuyển đổi số như: Hoàn thiện các quy trình, quy định theo chuyển đổi số chung của cả nước và của từng doanh nghiệp; số hóa, chuẩn hóa hồ sơ, tài liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp. Xây dựng, ứng dụng, trí tuệ nhân tạo; tập trung phát triển hạ tầng số của doanh nghiệp và góp phần vào sự phát triển hạ tầng số của cả nước; xây dựng sản phẩm, dịch vụ số của doanh nghiệp. Lãnh đạo doanh nghiệp tiến tới ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý, điều hành; chú trọng an toàn, bền vững trong chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực số; tập trung chuyển đổi số, tiếp cận với các nước tiên tiến trên thế giới góp phần tiết giảm chi phí và thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhà nước thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Về xuất khẩu cần chủ động đa dạng hóa, mở rộng thị trường trong bối cảnh xuất khẩu được nhìn nhận đang gặp nhiều khó khăn. Củng cố các thị trường truyền thống, tìm kiếm các thị trường mới, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, hướng tới phát triển thị trường bền vững, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; về đầu tư tiếp tục chủ động tăng cường, đẩy nhanh các dự án đầu tư, đưa nguồn lực vào sản xuất, kinh doanh, đồng thời giảm hệ số hiệu quả sử dụng vốn ICOR; về tiêu dùng tập trung khai thác thị trường nội địa, mở rộng và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và áp dụng quản trị thông minh; khuyến khích người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Các Sở, ban, ngành Thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện hoặc tham mưu UBND Thành phố thường xuyên rà soát, nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc về thể chế cho doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, tiến tới giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính, giảm 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ; tập trung phát triển các hạ tầng chiến lược để giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả công tác đào tạo từ đó cung ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp; góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm; tập trung giải ngân đầu tư công.
Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND Thành phố xem xét, xử lý kiến nghị của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về việc giải quyết thủ tục miễn, giảm tiền thuê đất tại số 551 Nguyễn Văn Cừ để giải quyết dứt điểm vướng mắc tại khu đất này; thông tin kịp thời kết quả xử lý cho doanh nghiệp.
Phê duyệt Phương án tuyến, vị trí công trình theo tuyến của cụm công trình đầu mối Liên Mạc-giai đoạn 1
Ngày 26/5, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 2635/QĐ-UBND về việc phê duyệt Phương án tuyến, vị trí công trình theo tuyến của cụm công trình đầu mối Liên Mạc-giai đoạn 1. Địa điểm: quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Theo Quyết định, cụm công trình thuộc địa bàn các phường Liên Mạc, Thụy Phương, Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm được xác định trên cơ sở phù hợp Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 27/12/2024 và ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Môi trường tại công văn số 580/BNNMT-ĐĐ ngày 28/3/2025; Sở Nông nghiệp và Môi trường tại công văn số 1261/SNNMT-KHTC ngày 15/4/2025.
Cụm công trình đầu mối Liên Mạc-giai đoạn 1 gồm 03 công trình, cụ thể với kênh, cống xả tiêu; kênh, cống lấy nước thì ranh giới phạm vi xây dựng được giới hạn bởi các mốc (A, B, C, D, E, G, H, K, L, M) trong đó đoạn E, G trùng với tường chắn đê sông Hồng hiện trạng; các mốc còn lại được xác định trên nguyên tắc đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật chuyên ngành của dự án.
Kênh dẫn: Mặt cắt ngang rộng 65m; Tim kênh quy hoạch đi qua các điểm M1, M2, M3 được xác định bằng tọa độ, kết hợp với các thông số kỹ thuật, các yếu tố khống chế và thể hiện trực tiếp trên bản vẽ. Các điểm M1*, M2* là điểm chuyển hướng làm cơ sở để xác định tim kênh quy hoạch và phạm vi xây dựng kênh được xác định trên cơ sở tim tuyến, bề rộng mặt cắt ngang, các thông số kỹ thuật, điều kiện khống chế và kết hợp nội suy trực tiếp trên bản vẽ.
Đường hai bên kênh dẫn: thuộc đường cấp nội bộ và khu vực với mặt cắt ngang rộng 14m đến15,5m gồm lòng đường rộng 7m, vỉa hè mỗi bên rộng 3,5m đến 5m. Riêng đoạn cuối phía Đông Bắc tuyến kênh: Xây dựng đường quản lý kênh rộng 5m phục vụ việc vận hành, quản lý kênh và tim đường quy hoạch phía Đông Bắc kênh đi qua các điểm 1, 2, 3, 4, 5, 6; tim đường quy hoạch phía Tây Nam kênh đi qua các điểm 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13 được xác định bằng tọa độ, kết hợp với các thông số kỹ thuật, các yếu tố khống chế và thể hiện trực tiếp trên bản vẽ. Các điểm 2*, 3*, 4*, 5*, 8*, 9*, 10*, 12* là các điểm chuyển hướng làm cơ sở để xác định tim đường quy hoạch; chỉ giới đường đỏ tuyến đường được xác định trên cơ sở tim tuyến, bề rộng mặt cắt ngang, các thông số kỹ thuật, điều kiện khống chế và kết hợp nội suy trực tiếp trên bản vẽ.
Giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc kiểm tra, xác nhận hồ sơ tỷ lệ 1/500 phù hợp với nội dung Quyết định của UBND Thành phố; Chủ trì, phối hợp với Viện Quy hoạch Xây dựng và các đơn vị liên quan cập nhật hồ sơ được duyệt trong quá trình triển khai tổ chức rà soát, điều chỉnh tổng thể, lập các đồ án Quy hoạch xây dựng có liên quan.
Giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Thành phố: Chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch-Kiến trúc; UBND quận Bắc Từ Liêm; UBND các phường Liên Mạc, Đức Thắng, Thụy Phương và các cơ quan liên quan tổ chức công bố công khai hồ sơ được phê duyệt để các tổ chức, cá nhân có liên quan biết, thực hiện; chịu trách nhiệm về: Quy trình, phạm vi, đối tượng, thời gian, hình thức, kết quả tổng hợp ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan; giải pháp thiết kế các hạng mục công trình kênh, cống, đường dọc kênh, đường quản lý… tại hồ sơ phù hợp với ý kiến góp ý của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Môi trường.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.