VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH
Tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội năm 2025
Ngày 10/02, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 38/KH-UBND về việc Tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội năm 2025.
Năm 2025, với mục tiêu Thủ đô Hà Nội phát triển mạnh mẽ, toàn diện, xứng đáng với vai trò, vị thế Thủ đô của đất nước đang bước vào "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam", công tác truyền thông cần tập trung đẩy mạnh, tuyên truyền sâu rộng, hiệu quả chủ đề "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo và phát triển" gắn với 25 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội trong năm của Thành phố.
Theo đó, UBND Thành phố yêu cầu tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật, truyền thông chính sách, đặc biệt các chính sách có tác động lớn đến xã hội; tích cực truyền thông tạo sự đồng thuận, lấy ý kiến góp ý của người dân đối với các dự thảo chính sách từ trong quá trình xây dựng dự thảo đến triển khai chính sách vào cuộc sống.
Bám sát yêu cầu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Thành ủy theo các hướng dẫn: số 165-HD/BTGTU ngày 24/12/2024 về tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2025; số 168-HD/BTGTU ngày 10/01/2025 về tuyên truyền kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội (17/3/1930-17/3/2025); số 169-HD/BTGTU ngày 10/01/2025 về tuyên truyền kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2025…; phát huy vai trò, hiệu quả công tác tuyên truyền nhằm góp phần cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thủ đô thi đua lập thành tích chào mừng đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVIII tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và các ngày lễ lớn, sự kiện kịch sử, sự kiện chính trị quan trọng của Thủ đô, đất nước năm 2025 (95 năm Ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 95 năm thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội (17/3/1930-17/3/2025); 50 năm Ngày Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước; 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 80 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9,...) tiến tới thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.
Công tác tuyên truyền đảm bảo trọng tâm trọng điểm, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, đa dạng, phong phú và tích cực ứng dụng công nghệ; thông tin công khai, minh bạch, khách quan, xây dựng và có trách nhiệm; giảm thiểu tác động tiêu cực; thực hiện đấu tranh, phản bác các thông tin tiêu cực, sai lệch, không chính xác.
UBND Thành phố yêu cầu tập trung vào 11 nội dung tuyên truyền: Truyền thông chính sách; Hoạt động chỉ đạo, điều hành của Thành ủy-HĐND-UBND Thành phố; Tuyên truyền hoạt động phát triển kinh tế, kiểm soát lạm phát, cơ cấu lại các ngành kinh tế của Thủ đô gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; Thông tin về công tác đổi mới quản trị chính quyền địa phương gắn với chuyển đổi số; xây dựng bộ máy tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức; Tuyên truyền nâng cao thứ hạng các chỉ số PCI, PAPI, PAR Index và SIPAS; Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế; thúc đẩy hạ tầng và công nghệ số, ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng thành phố thông minh;
Bên cạnh đó, Tuyên truyền công tác thực hiện các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; Công tác quản lý và phát triển hạ tầng đô thị; triển khai thực hiện các quy hoạch được duyệt; Tuyên truyền nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; Đảm bảo quốc phòng, quân sự địa phương và trật tự an toàn xã hội.
Hình thức tuyên truyền: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; Tuyên truyền trên Cổng/Trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, đoàn thể; UBND các quận, huyện, thị xã và hệ thống thông tin cơ sở; mạng xã hội, trang thông tin điện tử tổng hợp và Tuyên truyền cổ động trực quan, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao.
Giao 8.633,3m2 đất cho UBND huyện Đông Anh để thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp Trường tiểu học Ngô Tất Tố
Ngày 10/02, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 664/QĐ-UBND về việc giao 8.633,3m2 đất tại xã Mai Lâm, huyện Đông Anh cho UBND huyện Đông Anh để thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp Trường tiểu học Ngô Tất Tố.
Trong tổng số 8.633,3m2 đất có:
- 6.423,5m2 đất Để thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp trường Tiểu học Ngô Tất Tố, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh; Hình thức sử dụng đất: Nhà nước Giao đất không thu tiền sử dụng đất; Thời hạn sử dụng đất: Lâu dài; Phương thức giao đất: Giao đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo quy định Điều 255 Luật Đất đai 2024.
- 2.209,8m2: đất giao thông và hạ tầng kỹ thuật khớp nối. Hình thức sử dụng đất: Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất; UBND huyện Đông Anh đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với hạ tầng chung của khu vực theo quy hoạch và giao cho đơn vị quản lý theo quy định.
Điều chỉnh đơn vị tiếp nhận, quản lý quỹ đất từ "Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội" thành "UBND huyện Hoài Đức (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức)"
Ngày 10/02, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 655/QĐ-UBND về việc điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 1457/QĐ-UBND ngày 06/4/2015 của UBND Thành phố.
Theo đó, Điều chỉnh đơn vị tiếp nhận, quản lý quỹ đất quy định tại khoản 2 Điều 1 Quyết định số 1457/QĐ-UBND ngày 06/4/2015 của UBND Thành phố từ "Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội" thành "UBND huyện Hoài Đức (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức)".
Các nội dung không điều chỉnh tại Quyết định này, thực hiện theo Quyết định số 1457/QĐ-UBND ngày 06/4/2015 của UBND Thành phố.
UBND Thành phố giao UBND huyện Hoài Đức, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức quản lý diện tích đất thu hồi tại khoản 1 Điều 1 Quyết định số 1457/QĐ- UBND ngày 06/4/2015 của UBND Thành phố; rà soát, tiếp nhận dự án đầu tư trên cơ sở quy hoạch chi tiết và ngành, nghề sản xuất kinh doanh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chỉ đạo của UBND Thành phố tại Văn bản số 15196/VPTNMT ngày 13/12/2024 của Văn phòng UBND Thành phố.
Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn nhà đầu tư được tiếp nhận dự án đầu tư vào Cụm công nghiệp Lại Yên (các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 123 Luật Đất đai 2024) hoàn thiện hồ sơ sử dụng đất; trình UBND Thành phố quyết định cho thuê đất theo thẩm quyền quy định tại khoản 5 Điều 260 Luật Đất đai 2024.
Xây dựng quy trình liên thông giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025
Ngày 11/02, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 39/KH-UBND về Rà soát, đánh giá, đơn giản hóa thủ tục hành chính; xây dựng quy trình liên thông giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025.
Theo đó, UBND Thành phố yêu cầu hoạt động rà soát, đánh giá, đơn giản hóa thủ tục hành chính phải được thực hiện thường xuyên, có trọng tâm; bảo đảm một thủ tục hành chính được thực hiện là cần thiết, hợp lý, hợp pháp, với chi phí thực hiện thấp nhất, lợi ích đạt được cao nhất.
Quy trình liên thông giải quyết thủ tục hành chính được xây dựng bảo đảm khoa học, hợp lý, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính; bảo đảm thuận lợi cho công chức, cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình giải quyết công việc.
Nội dung thực hiện: Tổ chức triển khai thực hiện rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, xây dựng quy trình liên thông giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp Sở/cấp Huyện và xây dựng quy chế liên thông giải quyết thủ tục hành chính thuộc các nhóm/lĩnh vực: Xây dựng; Tư pháp; Công Thương; Giao thông vận tải; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lao động-Thương binh và Xã hội; Quy hoạch - Kiến trúc; Khoa học và Công nghệ; Văn hóa và Thể thao; Kế hoạch và Đầu tư; Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất; Tài nguyên và Môi trường; Giáo dục và Đào tạo; Y tế …
Ngoài các nội dung rà soát theo Kế hoạch này, các Sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã có trách nhiệm phối hợp với Trung tâm Phục vụ hành chính công thường xuyên tổ chức rà soát thủ tục hành chính; chủ động đề xuất các thủ tục hành chính có thể thực hiện liên thông giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn Thành phố để triển khai xây dựng quy trình điện tử giải quyết thủ tục hành chính.
Thành lập Tổ công tác thẩm định kết quả đánh giá (chấm điểm) thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các cơ quan, đơn vị
Ngày 11/02, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 665/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ công tác thẩm định kết quả đánh giá (chấm điểm) thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các cơ quan, đơn vị và dự kiến đánh giá (chấm điểm) thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên năm 2024 của thành phố Hà Nội (gọi tắt là Tổng công tác).
Theo đó, Tổng công tác, gồm các ông (bà) có tên sau:
1. Ông Nguyễn Xuân Lưu: Giám đốc Sở Tài chính, Tổ trưởng.
2. Ông Mai Công Quyền: Phó Giám đốc Sở Tài chính, Tổ phó.
3. Bà Nguyễn Thị Liễu: Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Thành viên.
4. Ông Nguyễn Trọng Hòa: Phó Chánh Thanh tra Thành phố, Thành viên.
5. Ông Nguyễn Mạnh Đức: Phó Giám đốc KBNN Hà Nội, Thành viên.
Tổ công tác có nhiệm vụ giúp UBND Thành phố tổ chức thẩm định kết quả (chấm điểm) thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các cơ quan, đơn vị; Tổng hợp, tham mưu đánh giá (chấm điểm) thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên năm 2024 của thành phố Hà Nội, làm căn cứ báo cáo UBND Thành phố xem xét, quyết định. Đồng thời cũng tổng hợp, đánh giá (chấm điểm) thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên năm 2024 của thành phố Hà Nội.
Hoàn thiện phương án sắp xếp tổ chức bộ máy các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện
Ngày 11/02, UBND Thành phố ban hành Công văn số 429/UBND-NC về việc Hoàn thiện phương án sắp xếp tổ chức bộ máy các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.
Theo đó, Phương án sắp xếp
1. Duy trì 06 phòng và tương đương: (1) Văn phòng HĐND và UBND; (2) Thanh tra; (3) Phòng Tư pháp; (4) Phòng Tài chính - Kế hoạch (sau sắp xếp đổi tên là Phòng Tài chính); (5) Phòng Giáo dục và Đào tạo; (6) Phòng Y tế.
2. Sắp xếp, hợp nhất, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ một số phòng
a) Sáp nhập phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và phòng Nội vụ (tên gọi sau sắp xếp: Phòng Nội vụ); chuyển chức năng thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn về phòng Giáo dục và Đào tạo; chuyển chức năng thuộc lĩnh vực bảo trợ xã hội; trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn về phòng Y tế.
b) Đối với phòng Tài nguyên và Môi trường:
- Khối quận: Chuyển chức năng phòng chống thiên tai, các lĩnh vực chuyên ngành nông nghiệp (đối với các quận còn lĩnh vực nông nghiệp) từ phòng Kinh tế về phòng Tài nguyên và Môi trường; tên gọi sau sắp xếp là phòng Tài nguyên và Môi trường.
- Khối huyện và thị xã: Tiếp nhận chức năng lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, công tác phòng chống thiên tai từ phòng Kinh tế và đổi tên thành phòng Nông nghiệp và Môi trường.
c) Phòng Văn hoá - Thông tin tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo từ phòng Kinh tế và đổi tên thành phòng Văn hoá, Khoa học và Thông tin.
d) Đối với phòng Kinh tế:
- Khối quận: Chuyển chức năng phòng, chống thiên tai, các lĩnh vực thuộc chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn từ phòng Kinh tế về phòng Tài nguyên và Môi trường; chuyển chức năng thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo về phòng Văn hóa và Thông tin; hợp nhất với phòng Quản lý đô thị và đổi tên phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị.
- Khối huyện và thị xã: Chuyển chức năng lĩnh vực nông nghiệp; lâm nghiệp; thủy lợi; thủy sản; phòng, chống thiên tai; chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản, lâm sản, thủy sản; phát triển nông thôn về phòng Nông nghiệp và Môi trường; chuyển chức năng thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo về phòng Văn hoá, Khoa học và Thông tin; hợp nhất với phòng Quản lý đô thị và đổi tên phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị.
đ) Phòng Dân tộc (hiện chỉ có 01 phòng thuộc UBND huyện Ba Vì): Giải thể phòng Dân tộc thuộc UBND huyện Ba Vì, chuyển chức năng, nhiệm vụ của phòng Dân tộc về phòng Nội vụ.
3. Tổ chức bộ máy sau sắp xếp: Gồm 10 phòng chuyên môn, đảm bảo số lượng phòng thuộc UBND theo quy định, cụ thể:
(1) Phòng Nội vụ
(2) Phòng Tư pháp
(3) Phòng Tài chính
(4) Phòng Giáo dục và Đào tạo
(5) Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị
(6) Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin
(7) Phòng Y tế
(8) Thanh tra
(9) Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân
(10) Phòng Tài nguyên và Môi trường (tại các huyện, thị xã là phòng Nông nghiệp và Môi trường).
UBND Thành phố yêu cầu: Để kịp thời sớm ban hành quyết định thành lập và quy định chức năng nhiệm vụ các phòng mới, UBND quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy (theo mẫu gửi kèm theo); dự thảo Nghị quyết của HĐND cùng cấp về việc thành lập phòng chuyên môn theo quy định; báo cáo Ban Thường vụ cấp ủy về phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế từng phòng chuyên môn, bố trí công tác cán bộ để trình cấp có thẩm quyền ban hành ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Chính phủ ban hành Nghị định về tổ chức các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện đảm bảo bộ máy hoạt động liên tục, hiệu lực, hiệu quả, không có khoảng trống pháp lý.
Thời gian thực hiện: quận, huyện, thị xã hoàn thành việc ban hành Nghị quyết thành lập, quyết định phân bổ biên chế và quyết định về công tác cán bộ đối với các phòng chuyên môn sau sắp xếp tổ chức bộ máy trong khoảng thời gian từ ngày 18/02/2025 đến 20/02/2025.
Cho phép Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì sử dụng địa danh "Ba Vì" để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận "Du lịch Ba Vì"
Ngày 11/02, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 673/QĐ-UBND về việc cho phép Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì sử dụng địa danh "Ba Vì" để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận "Du lịch Ba Vì" cho dịch vụ du lịch ở huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội.
Theo đó, UBND Thành phố yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì có trách nhiệm xây dựng các văn bản và bộ công cụ quản lý nhãn hiệu chứng nhận. Tổ chức quản lý việc sử dụng địa danh làm nhãn hiệu chứng nhận theo đúng quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, các văn bản và bộ công cụ quản lý do Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì ban hành.
Trường hợp địa danh "Ba Vì" bị sử dụng sai mục đích, không vì lợi ích chung của cộng đồng người cung cấp dịch vụ du lịch Ba Vì hoặc trường hợp nhãn hiệu chứng nhận chuyển nhượng sang chủ sở hữu mới, UBND Thành phố có quyền thu hồi quyền sử dụng địa danh đã cho phép tại Quyết định này.
Cho phép Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ thương mại Vạn Phúc sử dụng địa danh "Vạn Phúc - Thanh Trì"
Ngày 11/02, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 674/QĐ-UBND về việc cho phép Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ thương mại Vạn Phúc sử dụng địa danh "Vạn Phúc - Thanh Trì" để đăng ký 02 nhãn hiệu tập thể "Bưởi quả Vạn Phúc - Thanh Trì" cho quả bưởi tươi và "Quất chum Vạn Phúc - Thanh Trì" cho cây quất cảnh (quất chum) ở xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Theo đó, UBND Thành phố yêu cầu Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ thương mại Vạn Phúc có trách nhiệm xây dựng bộ công cụ quản lý nhãn hiệu tập thể: Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể; Quy định cấp và thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể; Quy định kiểm soát nhãn hiệu tập thể; Quy định sử dụng tem nhãn, biển hiệu. Tổ chức quản lý việc sử dụng địa danh làm nhãn hiệu tập thể theo đúng quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các quy chế, quy định, quy trình do Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ thương mại Vạn Phúc ban hành.
Trường hợp địa danh "Vạn Phúc - Thanh Trì" bị sử dụng sai mục đích, không vì lợi ích chung của Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ thương mại Vạn Phúc hoặc trường hợp nhãn hiệu tập thể chuyển nhượng sang chủ sở hữu mới hoặc sản phẩm bưởi và quất cảnh Vạn Phúc-Thanh Trì chuyển sang đăng ký bảo hộ "Nhãn hiệu chứng nhận hoặc Chỉ dẫn địa lý", UBND Thành phố có quyền thu hồi quyền sử dụng địa danh đã cho phép tại Quyết định này./.