Các đại biểu cắt băng khai mạc hội chợ
Các hoạt động chính của lễ hội gồm có: Rước kiệu tế tổ, khen thưởng gương Người tốt, việc tốt toàn huyện; tham quan doanh nghiệp và các gian hàng làng nghề (ngày 28/10). Biểu diễn tay nghề cỏ tế, tò he, khảm trai, giao lưu văn nghệ và chung kết hội thi công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới (ngày 29/10). Tổng kết cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và bế mạc lễ hội, khen thưởng các tập thể cá nhân có thành tích trong tổ chức hoạt động lễ hội (ngày 30/10). Đặc biệt, trong khuôn khổ lễ hội có hoạt động hội chợ, triển lãm với sự tham gia của trên 150 gian hàng thủ công mỹ nghệ thuộc 28 xã, thị trấn trong huyện và các huyện lân cận tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản trao Bằng khen của UBND TP
cho các gương Người tốt - việc tốt huyện Phú Xuyên
Huyện Phú Xuyên hiện có 156/156 làng có nghề (trong đó, có 40 làng nghề được Thành phố công nhận, nhiều làng nghề nổi danh trong và ngoài nước như: Khảm trai xã Chuyên Mỹ, nặn Tò he xã Phượng Dực - làng nghề duy nhất ở Việt Nam, Đan cỏ tế ở xã Phú Túc, May mặc xã Vân Từ, Giầy da xã Phú Yên, Đồ gỗ cao cấp xã Tân Dân, Văn Nhân, Cơ khí xã Đại Thắng, Dệt lưới xã Quang Trung... và có 23.547 hộ, chiếm 38% số lao động, thu nhập bình quân của lao động làm nghề năm 2016 là 49 triệu đồng/năm.
Lễ hội có nhiều hoạt động đặc sắc, thể hiện nét văn hóa Phú Xuyên
Hiện nay, xã Phú Túc có 8 thôn đều làm nghề, các hàng sản xuất ra chủ yếu để xuất khẩu. Trên đại bàn xã có 9 doanh nghiệp, 20 tổ hợp sản xuẩt và hàng trăm hộ cá thể với hàng chục nghìn lao động địa phương và một lực lượng lao động lớn của vùng phụ cận. Năm 1995, với sự phát triển mạnh mẽ của nghề truyền thống, UBND xã đã thành lập Hiệp hội nghề cổ truyền cỏ tế Phú Túc. Từ năm 1996 đến nay, mặt hàng cỏ tế Phú Túc rất phát triển và được xuất khẩu đi nhiều nước như: Đài Loan, Nhật Bản, các nước Đông Âu…
Để phát triển nghề truyền thống cỏ tế Phú Túc, huyện Phú Xuyên đã và đang có nhiều giải pháp đầu tư cho làng nghề như: Tổ chức đào tạo, dạy nghề, xây dựng và lắp thiết bị nhà xưởng, đưa sản phẩm làng nghề tham dự hội chợ trong nước và quốc tế, triển khai mô hình du lịch làng nghề và xây dựng đề án quy hoạch khu sản xuất công nghiệp tập trung cho làng nghề rộng 17ha tại thôn Lưu Thượng.
Lễ hội vinh danh làng nghề cỏ tế xã Phú Túc lần thứ Nhất sẽ góp phần thiết thực, đẩy mạnh tuyên truyền bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề truyền thống - tuyên truyền phát triển làng nghề gắn với du lịch làng nghề, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV.
Các đại biểu thăm quan các gian hàng
Nghề đan cỏ tế xuất hiện ở Phú Túc từ rất sớm, năm 1863, cụ Nguyễn Thảo Lâm là người đầu tiên đưa cây cỏ tế về mảnh đất chuyên làm nông nghiệp để phát triển kinh tế. Cụ đã bỏ ra nhiều công sức để nghiên cứu đặc tính loại cỏ này, tìm ra cách thức chế biến và biến cỏ tế thành một loại nguyên liệu quan trọng cho việc sản xuất đồ dùng thủ công phục vụ cho đời sống sinh hoạt của người dân. Vào ngày 15/10 âm lịch hàng năm, nhân dân trong xã Phú Túc lại tưng bừng tổ chức Lễ hội để tưởng nhớ Tổ nghề.