Những nghệ nhân có tâm huyết với nghề trong làng giờ đã trở thành quá khứ đối với mỗi người nơi đây. Sản xuất theo kiểu truyền thống với đặc điểm nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, làng xóm, mặt hàng đơn điệu, ít có sự thay đổi nên hàng hóa do làng sản xuất ra không phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Thế nhưng, “cái khó ló cái khôn” người dân chuyển dần sang những hoạt động kinh doanh ổn định hơn, đảm bảo cuộc sống. Nghề thu gom những vật liệu từ rác thải, mà người ta vẫn quen gọi là buôn đồ đồng nát đã dần chờ thành một nghề lao động để kiếm sống và sau đó làm giàu.
Nếu trước đây đến với làng nghề Thu Hồng người ta thấy tấp nập cảnh người dân làng và khách thập phương trao đổi mua bán hàng sản phẩm tre trúc thì bây giờ thay vào đó là cảnh người dân với xe ô tô chở đồng nát thu mua từ các vùng , sau xử lý là mang đến các nhà máy, xí nghiệp. Diện tích đất nông nghiệp thu hẹp, cuộc sống không thể trông chờ vào mấy sào ruộng, vì thế nghề thu mua sắt vụn trở thành nghề chủ lực, mang lại thu nhập cao cho hơn 80% người dân ở đây.
Anh Nguyễn Văn Hoàn, một người dân ở làng cho biết: “Gia đình vào nghề từ năm 2008, với số vốn ít ỏi, thấy làm ăn thuận lợi nên đã vay thêm 40 triệu đồng từ anh em họ hàng để đầu tư”. Nay gia đình anh đã có xe ô tô để đi thu mua sắt vụn từ các mối quen biết ở các huyện, các tỉnh khác.
Anh Hoàn cho biết thêm, do gặp khủng hoảng kinh tế, giá vật liệu mua cao lúc bán lại mất giá thành ra nhiều người đã bị lỗ nặng. Nhưng đó là thời điểm trước, còn giờ công việc của gia đình đã khấm khá hơn nhiều. Nhiều người trong làng, đặc biệt là thanh niên còn mở thêm cơ sở ở các nơi khác cho tiện thu mua và bán sản phẩm.
 |
Cơ sở thu mua sắt vụ của gia đình anh Hoàn |
Nằm dọc theo con đê đầu làng, cơ sở của anh Phan Văn Chử (chủ một xưởng thu mua nilông tạo hạt nhựa) là người vào nghề từ lâu, giờ anh đã thuê 18 công nhân chủ yếu là người trong làng. Anh cho biết: “Trong năm 2010, giá thành vật liệu chỉ lên không xuống nên xưởng của anh làm ăn phát đạt hơn. Mỗi tháng, xưởng đi thu mua 5 - 6 chuyến ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, các quận huyện ở trong TP sau đó xử lý và và xuất đi 25 tấn/tháng cho các khu công nghiệp của Trung Quốc”. Sau 5 năm, anh đã xây dựng được cơ sở khang trang và có trong tay số vốn gần 600 triệu đồng. Anh dự định đầu tư thêm máy gặt đập, máy cắt, máy tạo hạt và mở rộng thêm cơ sở sản xuất.
Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Cường, trưởng thôn Thu Thủy. Bản thân gia đình ông cũng chuyển từ cơ sở sản xuất đồ tre, trúc sang nghề thu mua, xử lý phế liệu. Ông cho biết “cả thôn giờ có 600 hộ gia đình nhưng số hộ theo nghề truyền thống chỉ có 20%, còn lại theo nghề mua bán phế liệu. Nhiều hộ còn mạnh dạn đi thuê nhà, mở xưởng ở những nơi khác”. Ông Cường cho biết: cách đây hơn 10 năm, cùng với hợp tác xã, ông cũng tích cực tham gia sản xuất, mua bán đồ tre trúc, cả làng ai cũng theo nghề của các cụ nhưng giờ ở làng chỉ còn 1 nhóm tư nhân nhỏ lẻ chuyên làm nhà lá tre, nhà sàn do một số khách ở các nơi đặt hàng nhưng số này cũng không đáng kể, riêng các loại đồ mỹ nghệ, đồ dùng sinh hoạt thì không còn sản xuất.
Đến với xã Thu Hồng giờ đây, điều ấn tượng là những ngôi nhà cao tầng mọc san sát, người dân đã làm giàu cho quê hương mình, bằng sự khéo léo, cần cù và truyền thống của cha ông để lại. Số hộ giàu trong làng ngày càng tăng lên, đời sống của người dân được cải thiện. Ông trưởng thôn nói với chúng tôi “trong thời gian tới chính quyền xã, huyện, cùng với ngân hàng tăng cường cho vay vốn để người dân sản xuất kinh doanh, mở rộng cơ sở thu mua”.
Làng nghề tre trúc Thu Hồng nổi tiếng xưa nay không còn, những nghệ nhân tài hoa của làng giờ chỉ còn trong tiềm thức của mỗi người dân nơi đây. Dòng chảy của cuộc sống đã làm mờ nhạt đi những giá trị của một làng nghề truyền thống. Làng Thu Hồng xưa, nay đã tự biết chuyển mình phù hợp theo cơ chế thị trường để tìm thấy hướng đi thích hợp cho một làng nghề.