Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung báo cáo kết quả thực hiện công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
Đến nay, đã có 43 tỉnh chủ động ứng toàn bộ kinh phí để hỗ trợ nhà ở cho người có công, đồng loạt khởi công xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đã có 38/63 địa phương hoàn thành toàn bộ mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho cả ba nhóm đối tượng, tăng 23 địa phương so với kỳ họp thứ tư. Đến ngày 30/6, dự kiến thêm 8 địa phương hoàn thành, nâng tổng số lên 46. Trong tháng 7, có 3 địa phương đăng ký hoàn thành; tháng 8 có thêm 14 địa phương, phấn đấu hoàn thành toàn quốc vào ngày 25/8.
Cụ thể, cả nước đã hỗ trợ 262.843/277.420 căn, đạt 94,7%. Trong đó, đã khánh thành 222.854 căn, đang xây dựng 37.989 căn, tăng 54.000 căn so với kỳ họp thứ tư. Trong đó, nhà cho người có công với cách mạng: 41.565 căn, đạt 93,1%; nhà cho hộ nghèo, cận nghèo từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: 77.851 căn, đạt 87,9%; hỗ trợ nhà ở từ Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số là 8.621 căn; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo từ Chương trình phát động là 125.888 căn, đạt 96,6%; hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng khác là 8.918 căn.
Đến ngày 30/6, cả nước dự kiến đạt 46/63 địa phương hoàn thành, tỷ lệ chung đạt 94,7%, còn gần 6%.
Trong tháng 7/2025 có 3 địa phương đăng ký hoàn thành tiếp; 14 địa phương đăng ký hoàn thành vào ngày 25/8/2025, và đạt mục tiêu xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước.
Hiện trạng triển khai các chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát theo từng nhóm đối tượng như sau: Nhà ở thuộc chương trình giảm nghèo bền vững (do Bộ Nông nghiệp và Môi trường quản lý) còn lại 10.712 căn, chiếm 12,1%. Nhà cho người có công còn lại 1.906 căn, chiếm 4,27%. Đây là nhóm cần đặc biệt tập trung để hoàn thành trước ngày 27/7 theo chỉ đạo của Thủ tướng. Nếu các địa phương chủ động triển khai như thời gian qua, tiến độ này hoàn toàn có thể đảm bảo. Nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo còn lại 4.393 căn, chiếm 3,4%.
Về nguồn lực hỗ trợ, đối với phần kinh phí tiết kiệm 5% chi thường xuyên, đến nay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã phối hợp, thống nhất với Bộ Tài chính để xin ý kiến Thủ tướng về việc điều chỉnh phần kinh phí tiết kiệm 5% chi thường xuyên còn lại (tương đương 975 tỷ đồng) để hỗ trợ cho 28 địa phương đang gặp khó khăn.
Đã có 46 địa phương chủ động ứng toàn bộ kinh phí từ ngân sách địa phương để hỗ trợ xây dựng nhà cho người có công và thân nhân liệt sĩ.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương
Về những khó khăn, hạn chế hiện nay, nổi bật nhất là một số địa phương dù đã cố gắng ứng kinh phí nhưng vẫn còn rất khó khăn. Việc giải quyết sớm vấn đề tài chính cho các địa phương này là cần thiết.
Để giải quyết vấn đề mức hỗ trợ chênh lệch từ hai chương trình mục tiêu quốc gia (chương trình giảm nghèo bền vững và chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi), Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã huy động thêm từ nguồn xã hội hóa để bổ sung hỗ trợ cho 14 địa phương, từ đó, cơ bản hoàn thành mục tiêu hỗ trợ nhà ở (hiện còn khoảng 10-12%).
Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung kiến nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh phần kinh phí tiết kiệm 5% chi thường xuyên còn lại và cho phép sử dụng nguồn vận động xã hội để hỗ trợ cho hai chương trình mục tiêu quốc gia. Giao các địa phương: Thứ nhất, quyết tâm khởi công tất cả các công trình nhà ở còn lại trước ngày 30/6; Thứ hai, đối với các địa phương đã khởi công nhưng còn nhiều nhà chưa hoàn thành, cần phân công lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc triển khai.
Lực lượng quân đội và công an tập trung hỗ trợ các địa phương còn gặp khó khăn trong triển khai: Bộ Quốc phòng hỗ trợ các tỉnh Bắc Giang, Hà Giang, Điện Biên, Thanh Hóa, Phú Thọ, Hòa Bình; Bộ Công an hỗ trợ các tỉnh Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông, Cao Bằng, Bạc Liêu.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh báo cáo tại Hội nghị
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết: Hiện nay, các bộ, ngành đã hoàn thành 11/34 nhiệm vụ quan trọng, trong đó, tập trung vào việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc lớn trong quá trình đầu tư các dự án.
Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội sửa các luật nhằm đơn giản hóa thủ tục đầu tư và đã tham mưu cho Chính phủ bổ sung vốn, phân bổ vốn cho các dự án theo kế hoạch.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn khoảng 500.000 tỷ đồng để cho vay các dự án.
Bộ Xây dựng và Văn phòng Chính phủ cũng đang tổ chức 4 đoàn kiểm tra do các Phó Thủ tướng làm trưởng đoàn, nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc còn tồn tại tại các dự án chưa đáp ứng được yêu cầu về tiến độ.
Về tiến độ thi công các dự án đường bộ cao tốc, tính đến tháng 6/2025, tổng cộng 2.688 km đường bộ cao tốc đang được triển khai thi công. Trong đó, Bộ Xây dựng quản lý 14 dự án với tổng chiều dài 652km. Dự kiến từ nay đến ngày 19/8/2025, sẽ hoàn thành 6 dự án với tổng chiều dài 208km.
Các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản 11 dự án với tổng chiều dài 289km.
Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài và lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án Thành phố Hồ Chí Minh-Chơn Thành. Dự kiến các quyết định quan trọng sẽ được hoàn tất trong tháng 7/2025, tuy nhiên, tiến độ hiện tại chậm hơn so với kế hoạch.
Thành phố Hà Nội đã ký hợp đồng với nhà đầu tư cho dự án theo kế hoạch, dự kiến hoàn tất các thủ tục ký kết trong tháng 8/2025.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng báo cáo tại Hội nghị
Báo cáo về tình hình tài sản là vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2025 và một số giải pháp đề xuất để thúc đẩy đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, đến ngày 20/6, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công năm 2025 chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án là 818,6 nghìn tỷ đồng, đạt 99,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Bao gồm vốn ngân sách Trung ương là 342,9 nghìn tỷ đồng, đạt 97,9%, vốn ngân sách địa phương đạt 475,6 nghìn tỷ đồng là 99,9 % kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Chưa thực hiện phân bổ là 7,36 nghìn tỷ đồng của 17 bộ, cơ quan Trung ương và 21 địa phương, trong đó, 7,2 nghìn tỷ đồng là vốn ngân sách Trung ương và 110 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương.
Về tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, ước đến ngày 30/6, đạt khoảng 264,8 nghìn tỷ đồng (32,06%) cao hơn năm 2024 cả về giá trị và tỷ lệ. Trong đó, giải ngân vốn ngân sách Trung ương đạt khoảng 88,5 nghìn tỷ đồng, đạt 25,27% kế hoạch Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2024, còn giải ngân vốn ngân sách địa phương là khoảng 176,3 nghìn tỷ đồng, đạt 37,06% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2024.
Đến tháng 6/2025, chỉ có 8 bộ, cơ quan Trung ương và 37 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước; 58 bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới mức bình quân chung của cả nước.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quyết tâm, nỗ lực của các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, kết quả giải ngân vốn đầu tư công đã được cải thiện, ước đạt 32,06%, cao hơn so với cùng kỳ 2024.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu 100 % kế hoạch là thách thức rất lớn. Từ trước đến nay chúng ta đạt mục tiêu phấn đấu tối đa 95%.
Về tồn tại, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, có 9 nhóm vấn đề: Giải phóng mặt bằng, nhân lực, điện, đơn giá, định mức, quy hoạch, xác định địa giới, sắp xếp đơn vị hành chính, vốn ODA, nguồn thu ngân sách địa phương, Chương trình mục tiêu quốc gia. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Thông báo chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần phải triển khai các giải pháp để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn vốn đầu tư công.