Theo số liệu thống kê năm 2013, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trong khu vực nội thành khoảng 4.200 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom, xử lý đạt 98 - 100%; khu vực ngoại thành ước khoảng 2.220 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom, vận chuyển đạt 85%. Rác thải công nghiệp trên địa bàn TP phát sinh khoảng 750 tấn/ngày, trong đó, tỷ lệ thu gom rác thải không nguy hại đạt 85-90%, tương đương gần 600 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom rác thải nguy hại chiếm 60-70%, khoảng 70 tấn/ngày. Lượng rác thải y tế phát sinh khoảng 8 tấn/ngày, trong đó, có khoảng 1,13 tấn là rác thải nguy hại được xử lý tại chỗ bằng lò đốt tại các bệnh viện và tại các khu xử lý tập trung.
Phần lớn khối lượng rác thải phát sinh được xử lý theo phương pháp chôn lấp tại 02 khu xử lý chất thải tập trung tại Nam Sơn - Sóc Sơn và Xuân Sơn - Sơn Tây, một phần tại các bãi chôn lấp hợp vệ sinh của huyện và bãi rác tạm của xã. Quá trình thu gom, vận chuyển từ một số địa phương đến khu xử lý rác thải còn xa nên phát sinh chi phí. Việc xử lý rác thải tại các khu xử lý tập trung hoặc các bãi tạm thời vẫn xảy ra tình trạng phát thải, gây ô nhiễm cho môi trường xung quanh, nhất là ô nhiễm do nước rỉ rác, ô nhiễm không khí, có lúc, có nơi gây bức xúc cho người dân trong khu vực. Việc thu phí vệ sinh ở cấp xã bình quân chỉ đạt 60-80% nên chưa đáp ứng đủ kinh phí phục vụ cho việc thu gom rác.
Bên cạnh đó, nước thải sinh hoạt hiện nay trên địa bàn TP mới chỉ được xử lý một phần (khoảng 23,7% tương đương 213.300 m3/ngày, đêm) tại cuối nguồn, vì vậy, việc ô nhiễm môi trường nước nhất là tại đầu nguồn, trong khu dân cư, khu đô thị chưa được cải thiện rõ rệt. Công tác đầu tư cơ sở hạ tầng và bảo vệ môi trường cụm công nghiệp trên địa bàn TP còn chậm, đặc biệt, nhiều cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động nhưng không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, còn nhiều cơ sở trong KCN chưa thực hiện đấu nối vào khu xử lý nước thải tập trung của cả khu. Nước thải phát sinh từ làng nghề, các trang trại, cơ sở chăn nuôi tại các huyện (Thạch Thất, Đan Phượng, Mỹ Đức...) chưa được xử lý hoặc xử lý không đảm bảo tiêu chuẩn, gây ô nhiễm môi trường và bức xúc trong nhân dân. Việc đầu tư cho các công trình bảo vệ môi trường hiện nay còn gặp nhiều khó khăn do đòi hỏi nguồn lực rất lớn, trong khi nguồn ngân sách đầu tư trong lĩnh vực này của TP còn eo hẹp.
Tại hội nghị, lãnh đạo các quận huyện kiến nghị thành phố tăng cường phân cấp toàn diện nhiệm vụ này gắn với phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi. Đề nghị các sở, ngành rà soát, điều chỉnh bổ sung một số định mức mới trong thu gom xử lý rác thải cho phù hợp thực tế. Thành phố cần có chế tài cụ thể để gắn trách nhiệm của chủ đầu tư các khu đô thị trong thực hiện cam kết bảo vệ môi trường. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức tự giác của người dân về thực hiện phân loại rác thải tại nguồn …
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đánh giá cao các giải pháp cụ thể và những kiến nghị xác đáng và yêu cầu các quận, huyện, sở, ngành trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch đã có, rà soát các dự án để ưu tiên đầu tư cho các công trình dự án thiết thực. Tăng cường xây dựng cơ chế chính sách đủ để hấp dẫn, khuyến khích xã hội hóa, thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng các công trình xử lý nước thải rác thải. Rà soát hoàn thiện quy chế vận hành các công trình này. Tăng cường thực hiện phân cấp cho các đơn vị, nhất là các quận huyện, giảm thiểu việc tập trung thâu tóm khai thác vận hành. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền giáo dục, phát huy vai trò cộng đồng dân cư trong thực hiện vệ sinh môi trường, phát huy các mô hình tự quản gắn với xây dựng quy chế, chế tài xử lý vi phạm.
 |
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng công tác xử lý nước thải, rác thải và vệ sinh môi trường vừa quan trọng, bức xúc, vừa có ý nghĩa trước mắt và lâu dài đối với mục tiêu xây dựng Thủ đô xanh, văn minh, văn hiến, hiện đại. Những năm gần đây, TP đã có nhiều biện pháp cụ thể để tập trung giải quyết vấn đề môi trường, tạo chuyển biến ngày càng tốt lên về các tiêu chí sáng xanh sạch đẹp. TP cần phải tập trung không chỉ nguồn lực vật chất, công nghệ và cơ chế chính sách mà phải tập trung hơn cho công tác tuyên truyền, vận động giáo dục thuyết phục mọi người cùng tham gia.
Bí thư Thành ủy đề nghị UBND TP sớm xem xét điều chỉnh nâng mức thu phí vệ sinh môi trường của các hộ dân cho phù hợp, việc xử phạt vi phạm cần vận dụng mức tối đa có thể và đề nghị các bộ, ngành nâng mức xử phạt lên cho thỏa đáng. UBND TP cần tăng cường rà soát hoàn chỉnh quy hoạch đối với lĩnh vực môi trường, xác định các vị trí quy hoạch xử lý rác, nước thải, nghĩa trang một cách thấu đáo và phải quyết tâm làm. Việc lựa chọn công nghệ giải pháp phải phù hợp điều kiện kinh tế kỹ thuật, thói quen của người dân. Cùng với yêu cầu tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, tăng cường phân cấp rõ người rõ việc, khắc phục sự ỷ lại, thụ động, chủ động phát hiện xử lý các tiêu cực.
Đồng chí cũng với yêu cầu UBND TP chỉ đạo tăng cường đôn đốc tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng, hỗ trợ kinh phí, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xử lý rác thải, nước thải vệ sinh môi trường. Đồng thời cần có những cơ chế chính sách hỗ trợ, ưu tiên cho dân cư ở gần các dự án này để giảm thiểu ảnh hưởng môi trường.