Tiềm năng lớn để phát triển du lịch tự nhiên, văn hóa và cộng đồng
Chia sẻ về tiềm năng, thế mạnh của du lịch Thái Nguyên tại Hội nghị, ông Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên cho biết, Thái Nguyên là vùng đất giàu truyền thống văn hóa - lịch sử, sở hữu hơn 1.000 di tích, gần 300 làng nghề và trên 300 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao. Đây là tiềm năng lớn để phát triển các loại hình du lịch tự nhiên, văn hóa và cộng đồng.
Thái Nguyên còn là “cái nôi cách mạng” với các di tích lịch sử nổi bật như An toàn khu Định Hóa, Đại đội 915... Bên cạnh du lịch về nguồn, tỉnh có thế mạnh du lịch sinh thái nhờ cảnh quan đa dạng: núi, rừng, sông, hồ, thác nước, đồi chè xanh trải dài – nổi bật là Hồ Núi Cốc, Hồ Ghềnh Chè, Tam Đảo, Tân Cương...
Ông Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại Hội nghị
Là thủ phủ chè cả nước với diện tích 22.200 ha, sản lượng búp tươi 267.500 tấn/năm, tổng thu ước đạt hơn 13.000 tỷ đồng, Thái Nguyên còn nổi tiếng với nghệ thuật thưởng trà - “Đệ nhất danh trà”. Nhiều cơ sở đã đầu tư không gian trải nghiệm chè, lưu trú, ẩm thực, góp phần thu hút du khách.
Hiện tỉnh có 12 điểm du lịch được công nhận, tiêu biểu là Khu bảo tồn làng nhà sàn Thái Hải - đạt danh hiệu “Làng du lịch tốt nhất thế giới 2022” và “Làng du lịch cộng đồng ASEAN 2025”.
Quang cảnh Hội nghị
Đặc biệt, tỉnh đã phối hợp Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phát triển tuyến du lịch Hà Nội - Thái Nguyên gắn với quảng bá văn hóa trà. Các hoạt động bao gồm: Trưng bày sản phẩm OCOP tại ga, trang trí đoàn tàu theo chủ đề trà, phát triển cảnh quan ven tuyến và hợp tác doanh nghiệp kích cầu du lịch.
Trong tháng 4 tới, Thái Nguyên sẽ tổ chức Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch 2025 với chủ đề “Trải nghiệm xứ Trà đậm đà bản sắc”, hứa hẹn nhiều hoạt động hấp dẫn.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội (HUTC) cho biết, HUTC đã đồng hành cùng Thái Nguyên trong nhiều hoạt động xúc tiến du lịch. Gần đây nhất, từ tháng 6/2024, HUTC ký biên bản ghi nhớ hợp tác với tỉnh Thái Nguyên và đến tháng 2/2025, tại Hội nghị “Hương sắc xứ Trà”, CLB tiếp tục ký kết với Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên, thể hiện cam kết đồng hành lâu dài và chuyên nghiệp.
Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội phát biểu tại Hội nghị
Ông Dũng cho rằng, Thái Nguyên đang có rất nhiều sản phẩm du lịch tiềm năng, đặc biệt với vị trí gần Hà Nội, rất thuận lợi để trở thành điểm đến cho các chương trình tham quan ngắn ngày, phục vụ học sinh, sinh viên và các đối tượng khách nội địa. Về khách quốc tế, Thái Nguyên có lợi thế lớn khi là nơi đặt trụ sở của các tập đoàn lớn như Samsung và nhiều doanh nghiệp vệ tinh. Nếu ngành Du lịch có chính sách khai thác đúng, chỉ riêng dòng khách chuyên gia làm việc tại đây cũng đã là một nguồn khách quốc tế đáng kể. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi sự chuẩn bị về nhân lực, hướng dẫn viên, hạ tầng và dịch vụ an toàn.
Du lịch Hà Nội cam kết không ngừng tăng cường hợp tác
Cũng tại Hội nghị, ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội chia sẻ, Hà Nội và Thái Nguyên có mối liên kết trên nhiều phương diện; bao gồm sự gắn kết về quy hoạch trong vùng Thủ đô Hà Nội, kinh tế, giao thông và du lịch, cùng với mục tiêu chung là phát triển toàn diện của cả vùng.
Hệ thống giao thông kết nối (cả đường bộ, đường sắt, đường hàng không) ngày càng được đầu tư phát triển, đặc biệt là tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, giúp rút ngắn thời gian di chuyển và tăng cường kết nối kinh tế, văn hóa, xã hội giữa hai địa phương. Đặc biệt sự liên kết và hợp tác trong phát triển du lịch giữa Hà Nội và Thái Nguyên, với các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch chung, hoạt động khảo sát trao đổi kinh nghiệm xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, tăng cường quản lý đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch thuận lợi.
Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội phát biểu tại Hội nghị
Cũng theo ông Hiếu, trên bản đồ du lịch Việt Nam, Thái Nguyên đầy tiềm năng, nổi lên là điểm đến hấp dẫn, đang trên đà phát triển mạnh mẽ (tăng trưởng khách trên 30% năm 2024), có những sản phẩm du lịch độc đáo và dần khẳng định hơn nữa vị thế của mình trên bản đồ du lịch Việt Nam, đặc biệt trong các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái và cộng đồng...
“Thái Nguyên như một "viên ngọc mới" trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng ở miền Bắc; điểm đến tiêu biểu của du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái; của du lịch cộng đồng, đặc biệt là từ di sản văn hóa của người Tày, Nùng, góp phần làm phong phú thêm bản sắc du lịch Việt Nam: Với các điểm đến nổi bật như Khu di tích ATK Định Hóa, vùng chè Tân Cương, Hồ Núi Cốc, được tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư, nỗ lực vươn tầm quốc tế”, ông Hiếu nhận định.
Để sự liên kết này chặt chẽ và đem lại hiệu quả cao, ông Hiếu đề xuất 2 địa phương cần tiếp tục tập trung xây dựng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch của các địa phương theo hướng tạo ra được các sản phẩm du lịch mới, độc đáo và hấp dẫn du khách.
“Đơn cử, việc hợp tác giữa tỉnh Thái Nguyên và Tổng Công ty đường sắt Việt Nam hôm nay để triển khai sản phẩm du lịch đường sắt ra mắt sắp tới sẽ góp phần thúc đẩy liên kết tuyến mạnh mẽ, thực sự độc đáo, hấp dẫn từ Thủ đô tới xứ Trà”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Cùng với đó, ông Hiếu đề xuất hai địa phương phối hợp xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua các phương tiện, các kênh truyền thông của các địa phương. Đồng thời, phối hợp tham gia các sự kiện du lịch, các hoạt động quảng bá, xúc tiến, mở rộng thị trường khách du lịch trong và ngoài nước; tích cực tham gia các sự kiện của nhau, hàng năm phối hợp tổ chức từ 1-2 chương trình, sự kiện du lịch chung.
Đặc biệt, ông Hiếu nhấn mạnh việc tăng cường trao đổi thông tin quản lý; đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, an toàn, thân thiện cho du khách giữa hai địa phương. Nhất là tiếp tục phối hợp tổ chức đoàn FAM cho các doanh nghiệp lữ hành khảo sát phát triển tour du lịch mới kết nối Hà Nội - Thái Nguyên.
“Ngành Du lịch Thủ đô cam kết đồng hành và ủng hộ các hoạt động của ngành Du lịch Thái Nguyên và có lời mời tham gia hàng loạt hoạt động đặc sắc trong năm 2025 của Du lịch Hà Nội như: Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội 2025 (tháng 4), Lễ hội Du lịch Hà Nội 2025 (tháng 5); Festival Thu Hà Nội 2025 (tháng 9); Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2025 (tháng 10).
Sự liên kết, phối hợp giữa Hà Nội với Thái Nguyên có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phát triển du lịch của hai địa phương. Du lịch Hà Nội cam kết không ngừng tăng cường hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với tỉnh Thái Nguyên trong hoạt động phát triển du lịch, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội chung của các địa phương và cả nước”, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu bày tỏ.