Nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm
Sự phát triển của làng nghề trên địa bàn thành phố thời gian qua đã khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng và người dân làng nghề đang là những người đầu tiên phải gánh chịu hậu quả. Theo ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT Hà Nội), toàn thành phố có 1.350 làng nghề, trong đó, không khí làng nghề đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, chưa có biện pháp khắc phục… Điều này đã và đang trở thành rào cản lớn đối với sự phát triển của làng nghề truyền thống nói chung, đến việc phát triển, bảo tồn làng nghề nói riêng. Hầu hết các làng nghề đều chưa có hệ thống hạ tầng đạt yêu cầu, nhất là hệ thống cấp thoát nước thải thiếu đồng bộ. Phần lớn nước thải từ các làng nghề chưa qua xử lý thải ra môi trường ao, hồ với mức độ ô nhiễm rất cao. Tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, lượng nước thải sản xuất có nơi ước tính lên đến 7.000 m3/ngày như các làng: Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai thuộc huyện Hoài Đức. Nơi ít nhất cũng thải ra môi trường 1.000 m3 mỗi ngày/làng nghề. Không chỉ nguồn nước, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, tiếng ồn và ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa tốt đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội và dân sinh.
Trước thực trạng nêu trên, thời gian qua, các cấp, các ngành thành phố đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và lộ trình nhằm khắc phục và giảm thiểu ô nhiễm. Đáng chú ý, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 6136/QĐ-UBND, ngày 31/8/2017, phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Ông Lê Tuấn Định cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã và UBND các xã, phường, thị trấn tập trung rà soát, đánh giá, phân loại làng nghề trên địa bàn. Theo đó, năm 2019, đã rà soát, đánh giá phân loại 128 làng nghề; năm 2020, sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá phân loại 107 làng nghề nhằm đánh giá, phân loại theo mức độ ô nhiễm để có kế hoạch xử lý phù hợp với từng loại hình sản xuất với điều kiện thực tế của địa phương.
Cùng với đó, UBND thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện các nhiệm vụ: Xây dựng và thực hiện kế hoạch truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng tại các khu vực làng nghề trong giai đoạn 2018-2020… Song hành với triển khai thực hiện các dự án xử lý nước thải làng nghề quy mô lớn, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan đưa vào danh mục kêu gọi xã hội hóa đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề với 8 dự án xử lý nước thải, rác thải tại các làng nghề trên địa bàn các huyện: Quốc Oai, Mê Linh, Hoài Đức, Thường Tín; đầu tư xử lý nước thải tại 48 cụm công nghiệp phát triển làng nghề tại các huyện: Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thanh Trì và quận Hà Đông.
Siết chặt quản lý
Mặc dù đã rất tích cực trong việc thực hiện các biện pháp quản lý, tuy nhiên, tình hình ô nhiễm môi trường làng nghề chưa được cải thiện như mong muốn và người dân vẫn đang hằng ngày phải gánh chịu những hậu quả do ô nhiễm làng nghề mang lại. Để giúp các địa phương giảm thiểu ô nhiễm làng nghề, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND, ngày 4/12/2019, về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề thành phố Hà Nội. Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, đối tượng áp dụng chính sách này là các làng nghề đang làm thủ tục đề nghị công nhận và làng nghề đã được UBND thành phố công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống với mức hỗ trợ 200 triệu đồng/làng nghề để thực hiện đánh giá tác động môi trường. Được biết, ngày 7/2/2020 vừa qua, đồng chí Nguyễn Văn Sửu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố đã ký ban hành Công văn số 1109/VP-KT giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, tham mưu UBND thành phố Hà Nội triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND thành phố trong thời gian tới.
Trước đó, UBND thành phố cũng đã ban hành Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND, ngày 24/10/2019, quy định về bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội và có hiệu lực thi hành từ ngày 4/11/2019. Theo đó, điều kiện về tiêu chí môi trường trong việc xét, công nhận làng nghề phải đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để được xem xét, công nhận làng nghề. Đối với làng nghề đã được công nhận nhưng chưa đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường thì UBND cấp huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với UBND cấp xã tổ chức thực hiện việc khắc phục theo quy định.
Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội cũng đưa ra kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề trên địa bàn thành phố với khoản kinh phí 1.350 tỷ đồng. Trong đó, đến hết năm 2020, sẽ bố trí khoảng 750 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 50 làng nghề trọng điểm… Giai đoạn 2020-2030, cần 600 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề khác. Theo ông Lê Tuấn Định, cùng với thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, với việc thông qua nguồn lực hỗ trợ và ban hành các quy định nêu trên là cơ sở để chính quyền các cấp và bản thân mỗi làng nghề tích cực hơn nữa trong công tác bảo vệ môi trường làng nghề…