Các đại biểu dự Hội nghị phản biện
Tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Minh Tấn trình bày tóm tắt Tờ trình về việc đề nghị ban hành 2 Nghị quyết nêu trên.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Minh Tấn trình bày Tờ trình
Theo đó, tình trạng rác thải nói chung và ô nhiễm do rác thải nhựa nói riêng ngày càng nghiêm trọng, đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia phải đối mặt và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, môi trường sống. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành 2 Nghị quyết nêu trên là hết sức cần thiết và có tính thực tiễn cao.
Phản biện tại Hội nghị, hầu hết ý kiến đều đánh giá cao và tán thành việc ban hành 2 nghị quyết bởi thể hiện được trách nhiệm của chính quyền Thủ đô cũng như tính tự chủ của Thành phố đối với vấn đề này.
Song, các ý kiến cũng đặt ra nhiều vấn đề. Theo đó, nhiều đại biểu đề nghị cần phân tích rõ hơn các đặc trưng về nguồn phát sinh chất thải và thành phần chất thải rắn ở Hà Nội, trong đó có chất thải nhựa.
Chất thải rắn gây bức xúc nhất là chất thải rắn sinh hoạt và chủ yếu đến từ các khu dân cư. Vì vậy đối tượng cần hướng tới của Nghị quyết là người dân chứ không phải là doanh nghiệp.
Việc thực hiện phân loại rác thải 3R (Tiết giảm-Tái sử dụng-Tái chế) phải là biện pháp cốt lõi, do đó, cần tập trung nguồn lực để làm tốt khâu phân loại tại nguồn và đối tượng thực hiện chính là người dân. Do vậy, cần xây dựng các cách tiếp cận khác nhau trong phân loại rác tại nguồn đối với hộ gia đình, khu chung cư, siêu thị...
Đại biểu Lê Văn Hoạt phát biểu đóng góp ý kiến
Một số đại biểu cũng cho rằng, cần hạn chế sử dụng các thuật ngữ chuyên ngành, cần "bình dân hóa" và bổ sung từ ngữ cho thật dễ hiểu.
Về nội dung quy định biện pháp hỗ trợ, ưu đãi đối với hoạt động tái chế rác thải sử dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất trên địa bàn Thành phố, một số đại biểu đề cập cụm từ "kỹ thuật hiện có tốt nhất trên địa bàn Thành phố" có thể gây nhiều tranh cãi trong quá trình thẩm định kỹ thuật, công nghệ.
Mặt khác, việc quy định đối tượng được hỗ trợ là các cơ sở sản xuất kinh doanh có doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm hoặc nguồn vốn trên 3 tỷ đồng sẽ có thể làm giảm sự tham gia đóng góp của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ...
Tại Hội nghị đã có 12 ý kiến góp ý. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Minh Tấn đã giải trình, làm rõ một số ý kiến của đại biểu.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Sỹ Trường phát biểu kết luận
Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Sỹ Trường đánh giá cao công tác chuẩn bị của Sở Nông nghiệp và Môi trường khi soạn thảo các nghị quyết và đề nghị cơ quan soạn thảo đặc biệt chú trọng tính khả thi và tính hiệu quả trong quy định cấm sử dụng hoàn toàn túi nhựa dùng một lần ngay lập tức vì có thể gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Cần có lộ trình rõ ràng, kết hợp với các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm thay thế; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thay đổi thói quen tiêu dùng, nâng cao ý thức trong bảo vệ môi trường.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố cũng đề nghị UBND Thành phố quy rõ trách nhiệm của từng chủ thể, cá nhân, đồng thời bổ sung trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong triển khai, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này...
Về cơ chế hỗ trợ, đề nghị cần đa dạng hóa chính sách hỗ trợ, không chỉ dừng lại ở các nhóm doanh nghiệp lớn mà cần quan tâm đến các doanh nghiệp nhỏ, các đơn vị nghiên cứu... Đồng thời, Ủy ban MTTQ Thành phố đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung người tiêu dùng vào đối tượng được hưởng ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng sản phẩm tái chế, tạo ra vòng kinh tế tuần hoàn bền vững.