Thạch Thất là huyện có nhiều làng nghề truyền thống sản xuất các sản phẩm thủ công nổi tiếng như mộc Chàng Sơn, Hương Ngải, Canh Nậu, Dị Nậu… cơ kim khí nông cụ Phùng Xá, dệt may Hữu Bằng, chè lam Thạch Xá, bánh tẻ Cầu Liêu, chè kho Đại Đồng… Trên địa bàn huyện, hiện có 10 làng nghề và 925 doanh nghiệp hoạt động trên mọi lĩnh vực chiếm 67,8% cơ cấu kinh tế của huyện góp phần quan trọng vào giải quyết việc làm và tăng trưởng kinh tế địa phương.
Là một trong những làng nghề lâu đời nhất nước, nghề mộc Chàng Sơn đã đem lại nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây, Chàng Sơn tự hào là cái nôi cho ra đời những bộ tràng kỷ, tràng niên, những nếp nhà gỗ, mái đình, mái chùa. Những người thợ Chàng Sơn với đôi tay tài hoa, khéo léo đã chạm khắc ra các tác phẩm nghệ thuật, tượng Phật, đặc biệt là các pho tượng La Hán bằng gỗ mít ở Chùa Tây Phương đạt đến đỉnh cao của giá trị nghệ thuật.
Tìm hiểu về cội rễ của làng nghề mộc Chàng Sơn mới thấy được nét truyền thống văn hiến xa xưa. Người dân trong làng không ai biết chính xác mộc Chàng Sơn ra đời khi nào, mà chỉ biết qua truyền miệng rằng: Ở làng có cụ thợ mộc tên là Phó Sần, xưa đã dẫn một đoàn thợ mộc lên núi Ba Vì để làm đền, đài cho Thánh Tản Viên – con rể vua Hùng thứ 18. Như vậy có thể coi nghề mộc Chàng Sơn đã xuất hiện từ thời các vua Hùng và ông tổ của làng nghề là cụ Phó Sần. Trong tác phẩm “Dư Địa Chí” của Nguyễn Trãi, ông cũng khẳng định làng nghề mộc Chàng Sơn đã có khoảng 2000 năm. Với 2000 năm phát triển và hình thành, nghề mộc đã gắn liền với cuộc sống của người dân xứ Đoài.
Trải qua nhiều thế kỷ, làng nghề mộc Chàng Sơn không hề bị mai một mà ngày càng mở rộng và phát triển. Đến nay, những sản phẩm của làng nghề mộc Chàng Sơn phong phú đa dạng như: Sập gụ, tủ chè, án gian, thiều châu, cửa võng, hoành phi câu đối, nhà kẻ truyền, đình, chùa mang đậm tính truyền thống, các sản phẩm nội thất vươn xa đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm ở các làng nghề khác trên phạm vi cả nước. Ngày nay, với sự pha trộn các không gian văn hóa, sự đan xen giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, nghề mộc Chàng Sơn không những giữ gìn và phát huy tinh hoa của làng nghề xưa, mà còn nâng tầm phát triển, đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm mộc của nhiều làng nghề khác trong cả nước. Năm 2003, làng nghề Mộc Chàng Sơn được UBND tỉnh Hà Tây cấp bằng công nhận làng nghề truyền thống. Đến năm 2008, Hội làng nghề Việt Nam phong tặng “ Làng nghề tiêu biểu Việt Nam”. Hiện nay, trên địa bàn xã Chàng Sơn có 79 doanh nghiệp, 1.532 hộ sản xuất nghề Mộc và giải quyết việc làm cho trên 3.250 lao động.
Mặc dù sản phẩm của làng đã nổi tiếng từ lâu nhưng cho đến nay vẫn chưa có thương hiệu. Những sản phẩm tinh xảo do chính đôi tay những người thợ xóm Chàng làm ra nhưng ngay sau khi ra khỏi cổng làng, rất có thể nó sẽ mang tên người khác. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất của làng nghề là tình trạng sản xuất trong làng vẫn còn phân tán, thiếu tập trung, không có sự quy hoạch. Phần lớn người dân quen với việc “mạnh ai nấy làm”. Họ tự làm ra sản phẩm và tự tìm mối buôn bán. Bên cạnh đó, đầu ra cho sản phẩm cũng là một trong những bài toán khó.
Nhận thức tầm quan trọng của làng nghề truyền thống trong tình hình phát triển kinh tế hiện nay, UBND huyện đã xây dựng nhãn hiệu tập thể Mộc Chàng Sơn nhằm bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh phát triển, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh phát triển công nghiệp tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn xã. Nhãn hiệu tập thể Mộc chàng Sơn đã được cấp văn bằng bảo hộ số: 248177 theo Quyết định số 42132/QĐ-SHTT ngày 16/7/2015 của Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ khoa học & Công nghệ.
Để tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của các làng nghề truyền thống nói chung và làng nghề truyền thống mộc Chàng Sơn nói riêng, thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá nhãn hiệu tập thể, giáo dục ý thức hộ và doanh nghiệp làng nghề bảo vệ và duy trì chất lượng sản phẩm thương hiệu làng nghề, UBND huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ về tập huấn, tạo điều kiện để các Doanh nghiệp, hộ sản xuất thay đổi thói quen lâu nay sản xuất nhỏ lẻ, hình thành mô hình mới là sản xuất chuyên môn hóa công đoạn sản xuất và kinh doanh theo chuỗi giá trị. Đồng thời, hỗ trợ, tạo các điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật và quảng bá sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.