Đưa sản phẩm truyền thống làng cổ Đường Lâm ra thị trường thế giới (09:34 10/10/2019)


HNP - Làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội, từ lâu đã thu hút số lượng lớn du khách trong và ngoài nước tới thăm quan. Làng cổ Đường Lâm không chỉ nổi tiếng là nơi có những căn nhà với tuổi đời hơn một thế kỷ mà ở đây, còn có những món ăn dân dã nổi tiếng khắp trong và ngoài nước.

Đến làng cổ Đường Lâm, ai ai cũng biết đến thương hiệu kẹo lạc, kẹo vừng Hiền Bao, do gia đình anh Cao Văn Hiền, thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm, sản xuất đã đứng vững trên thị trường, có mặt không chỉ ở các cửa hàng trên địa bàn mà còn được tiêu thụ tại các tỉnh, thành lân cận. 
 
Theo tìm hiểu, hộ gia đình anh Hiền hơn 40 năm làm nghề, cũng là tiếp nối nghề nghiệp truyền thống của ông cha để lại, sản phẩm vẫn giữ hương vị cổ truyền đặc trưng. Để làm ra mẻ kẹo ngon thì khâu chọn nguyên liệu rất quan trọng, có thể nói là quan trọng nhất để tạo nên sản phẩm chất lượng. Lạc phải chọn hạt nhỏ, tròn đều hạt, ngon, bùi, chắc hạt, những hạt sâu, hỏng phải loại bỏ, khi rang chuyển sang vàng đều là được. Lạc được trồng ở cánh đồng địa phương nên rất thơm ngon. Mạch nha, đường mía, đều phải chọn lựa kỹ càng. Ngày xưa, chưa có đường kính thì nấu bằng mật mía, nha ngon óng lên màu mật ong, đường lấy vùng có cây mía mềm thì kẹo mới mềm, thơm.
 
Anh Hiền chia sẻ tỷ lệ pha chế các nguyên liệu tuân theo công thức phù hợp. Kẹo được đun trên bếp than sẽ ngon hơn và đúng với cách nấu truyền thống. Mẻ kẹo ngon khi ngả sang màu nâu vàng, nhưng cũng còn tùy thuộc vào sự nhạy cảm của nghề nghiệp, kinh nghiệm và thời gian chuẩn xác nếu không món kẹo sẽ bị cứng, hoặc bị dai nên đòi hỏi nghệ nhân phải khéo léo và chính xác trong từng công đoạn nấu. Tất cả các khâu, công đoạn đều làm hoàn toàn thủ công bằng tay, máy móc chỉ hỗ trợ khâu bao gói.
 
Hiệ, sản phẩm kẹo Hiền Bao đã có mặt thị trường phía Nam nhưng chủ yếu là ở Hà Nội và các địa phương lân cận. Khoảng 40% sản phẩm tiêu thụ ở thị trường thành phố, và 30% bán có mặt trong các gian hàng của Nhật Bản tại Việt Nam. Đặc biệt, sản phẩm kẹo lạc của gia đình còn đoạt giải Nhất cuộc thi sản phẩm du lịch làng cổ ở Đường Lâm, do cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA tổ chức.
 
Trên thị trường để cạnh tranh được với nhiều làng nghề khác, bên cạnh chất lượng sản phẩm tốt cần phải có mẫu má đẹp mắt mới thu hút được khách hàng đồng thời tạo ra bộ nhận diện khi tham gia thị trường quốc tế.
 
Chị Nguyễn Thị Bao (vợ anh Cao Văn Hiền) cho biết: Để sản phẩm kẹo lạc của gia đình đoạt giải Nhất cuộc thi sản phẩm du lịch làng cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA cũng phải trải qua một quá trình dài. Để đánh giá sản phẩm làng nghề của gia đình Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản đã cử cán bộ của đơn vị xuống nắm bắt quy trình làm bánh kẹo của gia đình, từ khâu nhập nguyên liệu, chuẩn bị, chế biến, đóng gói đều được họ nhìn nhận, ghi chép bài bản.
 
"Tổ chức JICA đã có chương trình hỗ trợ sửa sang lại các ngôi nhà cổ ở Đường Lâm, đồng thời, họ cũng muốn thúc đẩy sự phát triển của một số sản phẩm làng nghề truyền thống. Để đánh giá sản phẩm của gia đình tôi, một vài tình nguyện viên của tổ chức JICA đã thuê một căn phòng của gia đình trong 6 tháng chỉ để nắm bắt quy trình làm kẹo lạc của gia đình" chị Nguyễn Thị Bao chia sẻ.
 
Cùng với việc hỗ trợ phát triển các sản phẩm làng nghề truyền thống, Tổ chức JICA còn thiết kế bao bì cho sản phẩm kẹo lạc Hiền Bao với cách nhận dạng riêng để đưa sản phẩm này đến với bạn bè quốc tế. Giờ đây, gia đình chị ngoài các sản phẩm có bao bì truyền thống là vỏ nilong còn có những sản phẩm bằng hộp giấy được thiết kế đẹp, bắt mắt. Theo chị Bao, hiện nay, trung bình một tháng, phía JICA lấy khoảng 400 hộp kẹo mang đi tiêu thụ, chủ yếu cho người Nhật thưởng thức. "Nếu như người Việt mời khách Nhật mua sản phẩm bánh kẹo thì sẽ rất khó, nhưng người Nhật họ tự giới thiệu cho nhau thì lượng tiêu thụ sẽ nhiều hơn", chị cho biết.
 
Phấn khởi về những thành quả đã đạt được, chị Nguyễn Thị Bao cho biết, trong tháng 9/2019, gia đình được Tổ chức JICA mời sang Nhật Bản để đi thăm quan các sản phẩm làng nghề truyền thống. Theo chị, đây cũng là dịp gia đình chị tìm kiếm xây dựng thêm hệ thống phân phối để đưa sản phẩm đặc sản Đường Lâm đến với thị trường các nước phát triển.
 
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Đường Lâm cho biết: Hiện nay, nghề làm tương cùng với một số nghề truyền thống của Đường Lâm đang có nhiều khởi sắc. Trong những năm qua, chính quyền địa phương hết sức quan tâm đến vấn đề giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa làng nghề của ông cha để lại. Đường Lâm tự hào được Nhà nước trao bằng di tích lịch sử quốc gia, cùng với sự phát triển của du lịch làng nghề, sản phẩm truyền thống của nhân dân địa phương đã đến được với du khách trong và ngoài nước.
 
Cũng theo ông Thành, để giúp người dân hưởng lợi từ các hoạt động du lịch làng cổ, UBND xã Đường Lâm đã đẩy mạnh công tác nhân cấy và dạy nghề truyền thống cho người dân. Xã cũng chú trọng các hình thức du lịch trải nghiệm, đồng thời định hướng lồng ghép các sản phẩm du lịch ngay tại các hộ gia đình để phục vụ khách thăm quan.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t