Bảo tàng Mỹ thuật ở Cổ Đô (13:47 14/12/2018)


HNP - Xã Cổ Đô, Ba Vì là địa điểm giao thoa giữa 3 con sông lớn với ngã ba Hạc nổi danh, có làng lụa làng thơ, làng nghề làm bún nổi tiếng. Thôn Cổ Đô cũng mang tên của xã và là một trong 5 thôn có diện tích và dân số đông nhất. Tại thôn Cổ Đô có một điểm đến rất thú vị, đó là Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô.

Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô


Thôn Cổ Đô nằm ven bờ sông Hồng cách quốc lộ 32 chừng 7,5km (đoạn từ ngã 3 rẽ vào công viên Vĩnh Hằng và đường lên cầu Trung Hà), cách trung tâm hành chính huyện khoảng 12km. Nhắc đến ngôi làng này, chúng ta thoáng tưởng đến một ngôi làng quê truyền thống văn hiến hiếu học với những con người cần cù, chịu khó, say mê lao động, sáng tạo, quả thật đặt chân đến đây không ai không thể ngạc nhiên về sự phát triển phồn thịnh, về kinh tế, sự hoàn chỉnh hiện đại về cơ sở hạ tầng thiết chế văn hóa, tư duy cách nhìn mới, đời sống đầy đủ khá giả. Người dân trong làng luôn tự hào là mình đang được giữ gìn và bảo tồn những di sản văn hóa quý của cha ông để lại: Đình làng, Đền Cấm Sơn, Đền thờ công chúa Thiếu Hoa, Bia ghi dấu nơi Bác Hồ đến thăm hay nhà thờ Lưỡng quốc Thượng thư Nguyễn Sư Mạnh, nhà thờ Tiến sỹ Nguyễn Bá Lân, Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô, Bảo tàng họa sỹ Sỹ Tốt... Ba yếu tố truyền thống văn hiến lịch sử - văn minh hiện đại và cốt cách của con người luôn tạo nên một động lục sức bật cho làng Cổ Đô mỗi ngày một vươn lên.

Theo người quản lý bảo tàng cho biết, cách đây 12 năm, thể theo nguyện vọng của nhân dân trong làng và các họa sỹ hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam là người Cổ Đô, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã chỉ đạo địa phương bố trí 5.000m2 đất để nhân dân trong làng xây ngôi nhà truyền thống nhằm giới thiệu, trưng bày các tác phẩm hội họa của những người con trong làng (làng này có truyền thống về hội họa, nơi sản sinh ra rất nhiều họa sỹ nổi tiếng trong nghành hội họa nước nhà). Tiêu biểu như cố họa sỹ Nguyễn Sỹ Tốt, Trần Hòa, La Vuông, Ngô Bỉnh Thiểm, Giang Văn Khách... Từ đó, ngôi nhà 2 tầng mang dáng dấp một nhà bảo tàng quy mô đã ra đời đáp ứng nguyên vọng của đông đảo nhân dân và những người con xa quê, ngoài chức năng là nơi lưu giữ, bảo quản và trưng bày 400 tác phẩm với các chất liệu khác nhau như: Sơn dầu, màu nước, nhựa composid, điêu khắc của các tác giả chuyên và không chuyên, thì bảo tàng còn là nơi dạy vẽ miễn phí cho rất nhiều trẻ em và người yêu nghề trong vùng nhân dịp nghỉ hề hay cuối tuần.

Không gian trưng bày trong bảo tàng

Các tác phẩm tranh ở đây được các tác giả khai thác từ nhiều đề tài khác nhau, chủ yếu tập trung về nông thôn và cuộc sống thường nhật, phong cách êm đềm thơ mộng của làng quê, đồng bãi, triền đê, đề tài lao động sản xuất, cỏ cây hoa lá, con vật gần gũi, lễ hội làng..., không gian trưng bày được bố trí cân xứng hợp lý, ánh sáng hài hòa, ngoài việc lưu giữ trưng bày các bức tranh được giới thiệu, nơi đây còn phục vụ nhu cầu thị yếu của khách khi họ muốn sở hữu, chính vì vậy, một số du khách nước ngoài và người yêu hội họa trong nước đã bỏ ra những khoản tiền không nhỏ để mua lại những tác phẩm quý giá độc đáo này. Hiện nay, Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Mỹ thuật Cổ Đô có 5 người, hội viên trong làng là 41 người, đa phần là đang công tác tại địa phương. Các họa sỹ tự nguyện đóng góp kinh phí 200.000 đồng/năm/người để duy trì hoạt động cho Bảo tàng. Ban chủ nhiệm cũng duy trì sinh hoạt theo tuần hay tháng 1 lần; người trông coi mở của bảo tàng do ban chủ nhiệm cử ra, tuy không có khoản thù lao nhưng ông luôn có trách nhiệm, nhiệt tình, vào dịp cuối tuần hay những ngày lễ tết, lễ hội bảo tàng thường mở cửa liên tục đón rất nhiều du khách xa gần đến thăm. Mỗi năm, có khoảng 200 lượt khách trong và ngoài nước đến thăm bảo tàng. Vài năm gần đây, đoạn đường từ Quốc lộ 32 vào làng họa sỹ và Bảo tàng Mỹ thuật đã được nâng cấp mở rộng và sắp hoàn thiện tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, các địa chỉ di tích trong làng và các nội dung của bảo tàng cũng được cập nhật liên tục; các ngành chức năng như văn hóa thông tin, du lịch của huyện cũng đã giới thiệu rất nhiều về bảo tàng cho du khách xa gần...

Tuy nhiên, để bảo tàng ngày càng hoạt động có hiệu quả và mang lại nhiều ý nghĩa thì rất cần sự quan tâm của các cấp ngành lãnh đạo chính quyền như: Hỗ trợ kinh phí cho công tác hoạt động thường xuyên và người quản lý bảo tàng, chỉnh sửa lại khuôn viên, nhà trưng bày, khu phụ trợ cho phù hợp, có bảng giới thiệu về bảo tàng, đào tạo hướng dẫn viên cho bảo tàng và các di sản khác trong làng...

Hy vọng trong thời gian không xa, Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô sẽ trở thành địa chỉ tham quan hấp dẫn du khách mỗi lần có dịp về thăm Ba Vì - Vùng đất cổ xứ Đoài địa linh nhân kiệt.


Nguyễn Trọng An


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t