Hà Nội: Nô nức hưởng ứng Tết trồng cây (16:49 10/02/2019)


HNP - Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, nhân dân Hà Nội lại nô nức tham gia Tết trồng cây và việc này đã trở thành nét đẹp truyền thống gắn bó không thể thiếu trong mỗi người dân Thủ đô. Theo kế hoạch, năm 2019, toàn thành phố trồng mới 400.000 cây đô thị, cây bóng mát, cây lấy gỗ, trong đó, dịp đầu Xuân Kỷ Hợi trồng mới khoảng 150.000 cây xanh...

Người người trồng cây, nhà nhà trồng cây

Năm nay, huyện Ba Vì và Thanh Trì là 2 địa phương đầu tiên của TP Hà Nội phát động phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Ngay từ sáng sớm ngày 9/2, cán bộ và các tầng lớp nhân dân huyện Thanh Trì đã có mặt tại khu vực Dự án xây dựng Khu tưởng niệm Danh nhân Chu Văn An, xã Thanh Liệt tham dự phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Kỷ Hợi 2019. Để đảm Tết trồng cây thật sự có hiệu quả, huyện Thanh Trì đã chủ động xác định địa điểm trồng cây, chọn loài cây trồng phù hợp với điều kiện sinh thái. Trong quá trình tổ chức Tết trồng cây, các ngành chuyên môn cũng đã hướng dẫn cụ thể phương thức trồng, cách chăm sóc cho nhân dân để cây trồng có tỷ lệ sống cao. Tại lễ phát động, cán bộ, nhân dân huyện Thanh Trì đã trồng 100 cây sấu trong khuôn viên Dự án Khu tưởng niệm Danh nhân Chu Văn An. Năm 2019, huyện Thanh Trì phấn đấu trồng 12.000 cây xanh các loại, trong đó, có 5.000 cây xanh đô thị, cây bóng mát và 5.000 cây ăn quả giá trị kinh tế cao.

Tết Kỷ Hợi năm nay thật đặc biệt với chính quyền và nhân dân xã Vật Lại (huyện Ba Vì), bởi đúng dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm trồng cây đa lưu niệm trên địa bàn xã. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần cho biết, Tết trồng cây và phong trào trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc đã được Ba Vì thực hiện rất hiệu quả trong nhiều năm qua, đưa tỷ lệ che phủ rừng của huyện trở thành địa phương có độ che phủ rừng lớn nhất thành phố. Phong trào trồng cây, gây rừng giờ không chỉ thu hút cán bộ, công nhân viên, người cao tuổi mà còn có sự tham gia của đông đảo thanh thiếu niên trên địa bàn huyện. Ông Nguyễn Đình Dần chia sẻ: “Mỗi người dân huyện Ba Vì đều ý thức được rằng tích cực tham gia hưởng ứng Tết trồng cây, tham gia bảo vệ cây xanh sẽ góp phần để quê hương ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn...”. Ngoài trồng cây xanh, phong trào trồng cây ăn quả giá trị kinh tế cao của huyện Ba Vì cũng phát triển mạnh. Nhiều vùng đồi gò đất bạc màu nay đã phủ xanh đầy cây trái.

Không riêng Ba Vì và Thanh Trì, từ ngày 11/2 (ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán), nhiều quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đồng loạt tổ chức lễ phát động phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, không chỉ làm đẹp cho mỗi làng quê, khu dân cư, khu đô thị mà còn có ý nghĩa hơn trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho hay, trong những năm qua, các tầng lớp nhân dân Hà Nội đã thực hiện tốt phong trào trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần làm cho môi trường ngày càng xanh - sạch - đẹp hơn. Thông qua phong trào trồng cây đầu xuân, giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc ý nghĩa “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”.

Thiết thực, hiệu quả

Theo kế hoạch, năm 2019, toàn thành phố phấn đầu trồng mới khoảng 400.00 cây đô thị, cây bóng mát, cây lấy gỗ ven các tuyến đường giao thông đô thị; trồng mới 70ha rừng; chăm sóc 3.546ha rừng trồng; quản lý bảo vệ tốt 6.483ha rừng. Trong đó, dịp đầu Xuân Kỷ Hợi trồng khoảng 150.000 cây xanh các loại. Để chuẩn bị tốt cho “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố đã tập trung phổ biến, tuyên truyền, xây dựng kế hoạch cụ thể trồng cây, trồng rừng; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia. Việc tổ chức Tết trồng cây đầu xuân phải thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng. Theo đó, Tết trồng cây được triển khai theo hướng, trồng cây nào phải chăm sóc, bảo vệ tốt cây ấy. Trồng cây xanh đô thị phải đa dạng về chủng loại, trong đó duy trì phát triển cây bản địa; bổ sung giống, loài cây nhập nội mới phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đất đai của Hà Nội; thống nhất về kích cỡ cây, cây trồng phải được bảo vệ, chăm sóc đúng kỹ thuật.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết: ngoài trồng cây xanh, cây bóng mát, cây lấy gỗ, trên địa bàn thành phố còn tập trung cây ăn quả, hoa cảnh, cây cảnh. Ở đâu trồng được cây xanh đô thị, cây bóng mát sẽ vận động xã hội hóa để trồng cây to, đẹp, góp phần tạo không gian xanh, làm đẹp đường, đẹp phố. Còn ở khu dân cư vùng nông thôn đẩy mạnh phong trào trồng hoa cảnh, cây cảnh tạo diện mạo mới cho nông thôn kiểu mẫu. Để thực hiện tốt việc trồng cây, trồng rừng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giới thiệu các cơ sở, đơn vị chuyên cung cấp cây giống, vật tư kỹ thuật, bảo đảm đúng chủng loại, chất lượng; hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mới trồng để các đơn vị và nhân dân biết, chủ động thực hiện. Sở Văn hóa và Thể thao cũng đã triển khai nhiều hoạt động gắn phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Kỷ Hợi năm 2019 với các hoạt động vui Xuân, hoạt động lễ hội, bảo đảm vui tươi, trang trọng và thiết thực...


Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t