Dừng áp dụng biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng (12:38 05/02/2019)


HNP - Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội vừa ban hành Báo cáo số 17/BC-CNTY về tình hình và kết quả phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) gia súc trên địa bàn TP Hà Nội.

Theo đó, tính đến ngày 21/01, các điểm có ổ dịch tại 8 xã thuộc: Ba Vì (2 xã), Thường Tín (3 xã), Sóc Sơn, Chương Mỹ, Phú Xuyên mỗi địa phương có 1 xã có dịch bệnh đều đã qua 21 ngày không phát sinh gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh LMLM. Các điểm dịch đã được chỉ đạo, tổ chức, triển khai nghiêm túc, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch khẩn cấp khoanh vùng, khống chế và không để lây lan. Đến nay, trên địa bàn thành phố các điểm dịch đều đã qua 21 ngày không phát sinh gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh LMLM và dừng áp dụng các biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch bệnh LMLM.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đánh giá và nhận định: Các điểm có ổ dịch LMLM trên địa bàn thành phố thời gian qua xảy ra tại các hộ quy mô nhỏ, ở phạm vi hẹp (cơ bản 1 hộ chăn nuôi/xã) đã được phát hiện kịp thời và thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Các điểm dịch đã được khoanh vùng, đến nay đều đã qua 21 ngày không phát sinh gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh LMLM và dừng áp dụng các biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch bệnh LMLM. Chính quyền các địa phương đã chỉ đạo các ban, ngành vào cuộc quyết liệt, đồng bộ; vật tư phòng, chống dịch đáp ứng kịp thời, đầy đủ.

Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi trong thời gian tới, đặc biệt dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán là rất cao do: Kết quả định type vi rút, giải trình tự gene đối với các mẫu trên địa bàn thành phố cho thấy, vi rút LMLM trên lợn thuộc serotype O, topotype SEA, dòng Mya-98 (O/SEA/Mya-98). Đây là chủng vi rút đã lưu hành tại Việt Nam nhưng những năm trước đây chủ yếu phát hiện lưu hành trên đàn trâu, bò. Mặc khác, thành phố có tổng đàn vật nuôi lớn nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng chiếm tỷ lệ còn cao. Ngoài ra, thành phố có địa bàn rộng, có nhiều tuyến đường giao thông nối liên các tỉnh; lưu lượng vận chuyển, giết mổ và nhu cầu sử dụng động vật, sản phẩm động vật tăng cao..., trong khi điều kiện việc kiểm soát vận chuyến còn gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương việc thông tin, tuyên truyền cũng chưa được làm tốt, đặc biệt là tuyên truyền các quy định, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Trên địa bàn thành phổ còn nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ (988 cơ sở, điểm giết mổ) nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn.

Về các giải pháp tiếp theo, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội sẽ tiếp tục đề xuất kịp thời Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND thành phố kế hoạch và các văn bàn chỉ đạo, triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm nói chung trên địa bàn thành phố. Tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 18/1/2019 của UBND thành phố về việc phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn TP Hà Nội năm 2019. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch và tổ chức, triển khai đúng yêu cầu kỹ thuật, tiến độ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; chủ động, phối hợp cùng các ban, ngành và chính quyền các địa phương tăng cường quản lý vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm; giám sát chặt chẽ diễn biến tới từng hộ, xóm, thôn, cụm dân cư đảm bảo phát hiện, báo cáo, khoanh vùng xử lý kịp thời dịch bệnh ngay khi phát hiện.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các phòng, đơn vị trực thuộc Cục Thú y giám sát sự lưu hành của virus, đánh giá nguy cơ dịch bệnh để dự báo sớm nguy cơ dịch bệnh, định hướng lựa chọn loại vắc xin phù hợp và hiệu quả, chủ động các phương án phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố.


Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t