Kết quả khảo sát chương trình giảng dạy ngoại ngữ liên kết trong các trường học công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội (11:18 07/04/2017)


HNP - HĐND thành phố Hà Nội vừa có báo cáo số 11/BC-VHXH về kết quả khảo sát chương trình giảng dạy ngoại ngữ liên kết trong các trường học công lập trên địa bàn thành phố.

Qua báo cáo và qua khảo sát cho thấy, hiện nay, toàn Thành phố có 1.050/2.122 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT công lập thực hiện giảng dạy ngoại ngữ liên kết với 27 Trung tâm ngoại ngữ. Hầu hết các trường thực hiện liên kết tập trung ở các quận nội thành và các quận, huyện gần trung tâm Thành phố. Việc tổ chức dạy và học ngoại ngữ liên kết trong các nhà trường công lập đã đáp ứng nguyện vọng nâng cao trình độ ngoại ngữ xuất phát từ nhu cầu thực tế của phụ huynh và học sinh trên địa bàn. 100% các trường mầm non, tiểu học, THCS thực hiện việc liên kết khi có sự đồng thuận của cha mẹ học sinh.
 
Chất lượng dạy và học ngoại ngữ của Thành phố có những tiến bộ đáng kể, trình độ ngoại ngữ của học sinh được cải thiện, học sinh tham gia các cuộc thi cấp quận, cấp Thành phố và cấp Quốc gia đều đạt giải cao, số lượng học sinh tham gia các giải thi, sân chơi môn tiếng Anh ngày càng nhiều, chất lượng tốt, các em có thêm nhiều cơ hội để học tốt 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Chương trình liên kết ngoại ngữ được xây dựng với mục tiêu bổ trợ cho chương trình của Bộ Giáo dục & Đào tạo, được thực hiện theo đúng các văn bản chỉ đạo của Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội…
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế như: Các cơ sở giáo dục còn khó khăn trong việc sắp xếp thời khóa biểu do thời lượng số tiết học/tuần bị khống chế trong khung giờ học của Sở Giáo dục & Đào tạo; Chỉ tiêu biên chế giáo viên giảng dạy tiếng Anh đối với cấp tiểu học, THCS thấp hơn so với nhu cầu thực tế (hiện tại biên chế giao cấp tiểu học mỗi trường 01 giáo viên trong khi nhu cầu cần khoảng 5,5 lớp/1 giáo viên); Chất lượng giáo viên là người nước ngoài đã kiểm soát thông qua giáo viên tiếng Anh của trường, song chưa có tiêu chí đánh giá cụ thể; Trình độ ngoại ngữ của Ban giám hiệu nhà trường nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu nên khó khăn, hạn chế trong việc kiểm tra, đánh giá chất lượng chương trình giảng dạy, việc quản lý chủ yếu thông qua đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ trong biên chế của trường.
 
Bên cạnh đó, việc dự giờ kiểm tra các tiết học tiếng Anh liên kết và việc kiểm duyệt các bài kiểm tra ở các trung tâm còn hạn chế do mỗi phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện chỉ có 01 đồng chí chuyên viên có chuyên môn đánh giá thẩm định; Một số trường không gian lớp chật hẹp, sỹ số học sinh/lớp ở khu vực nội thành quá đông (từ 40-60 cháu/lớp) nên phần nào ảnh hưởng đến hoạt động thực hành của học sinh và giáo viên; Cơ sở vật chất, trang thiết bị đầu tư việc dạy và học ngoại ngữ ở nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu, cá biệt có nơi được trang bị thiết bị dạy ngoại ngữ nhưng chưa sử dụng vì thiếu phòng học; Các trường còn lúng túng trong việc quản lý thu, chi tài chính trong các chương trình liên kết; Tỷ lệ học phí các trung tâm liên kết trích lại trường khác nhau; Một số trường việc hoàn thiện hồ sơ, ký kết hợp đồng với trung tâm ngoại ngữ còn thiếu chặt chẽ về mặt pháp lý, đặc biệt là việc giám sát nội dung, chương trình giảng dạy của giáo viên đến từ các trung tâm;Một số Trung tâm còn chưa chủ động, chưa sát sao trong việc bổ sung hoàn thiện hồ sơ cá nhân như thời hạn thị thực, giấy phép lao động cho giáo viên bản ngữ.
 
Từ kết quả của đợt khảo sát, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND Thành phố đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo tổ chức sơ kết đánh giá việc thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ theo Quyết định 1400/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 90/KH-UBND ngày 21/6/2012 của UBND Thành phố, trong đó cần đánh giá sự cần thiết, hiệu quả mô hình làm quen tiếng Anh cấp học mầm non, lớp 1 - 2 và bổ trợ từ lớp 3 đến lớp 12, trên cơ sở đó xây dựng lộ trình thực hiện từ nay đến năm 2020 theo nguyên tắc đảm bảo chuẩn đầu ra. Chỉ đạo sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã sớm có quy định về mức thu học phí các chương trình liên kết đối với các trường theo phân cấp quản lý đang thực hiện dạy và học ngoại ngữ liên kết (theo hai đối tượng đại trà và chất lượng cao) tạo sự thống nhất trong toàn hệ thống giáo dục trên địa bàn Thành phố; Tăng chỉ tiêu biên chế viên chức giáo viên dạy ngoại ngữ trong các trường tiểu học để đảm bảo thực hiện dạy 4 tiết ngoại ngữ/tuần theo quy của Đề án Ngoại ngữ 2020 của Bộ Giáo dục & Đào tạo; Rà soát và đầu tư bổ sung phòng học ngoại ngữ, phòng đa phương tiện và trang thiết bị phù hợp nhằm nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ của các trường. Tăng cường tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên ngoại ngữ, đẩy mạnh quản lý đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên ngoại ngữ là người nước ngoài.
 
Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sớm tổ chức sơ kết đánh giá chương trình giảng dạy ngoại ngữ liên kết trong các trường công lập các cấp học trên địa bàn Thành phố; Chủ trì phối hợp với các ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra chương trình giảng dạy, công tác quản lý, các khoản thu, chi tại các trường đang thực hiện liên kết giảng dạy tiếng Anh tại các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT theo đúng quy định của pháp luật, tránh hiện tượng lạm thu tại các trường học. Chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng giảng dạy chương trình tiếng Anh liên kết tại các nhà trường trên địa bàn Thành phố; Chỉ đạo các trường khảo sát năng lực học sinh, độ tương thích của chương trình, giáo trình đối với trình độ học sinh, chất lượng giáo dục ở từng cơ sở giáo dục từ đó để lựa chọn chương trình liên kết dạy ngoại ngữ cho phù hợp; Sớm có quy định về mức thu học phí các chương trình liên kết đối với các trường THPT đang thực hiện dạy và học ngoại ngữ liên kết theo hai đối tượng đại trà và chất lượng cao, tạo sự thống nhất trong toàn hệ thống giáo dục trên địa bàn Thành phố; Phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Công an Thành phố và các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn trong việc kiểm tra, thanh tra, đánh giá và xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục, đào tạo có sử dụng lao động nước ngoài vi phạm quy định của pháp luật về lao động.
 
Đối với UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn, chịu trách nhiệm trong việc kiểm tra hoạt động dạy và học ngoại ngữ liên kết của các trung tâm giảng dạy tiếng Anh trên địa bàn; Chỉ đạo các trường, các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS xây dựng đề án liên kết giảng dạy tiếng Anh với các đơn vị có liên quan, đảm bảo đầy đủ thủ tục hồ sơ pháp lý theo đúng quy định của pháp luật; có lộ trình triển khai thực hiện chương trình ngoại ngữ theo yêu cầu của Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008- 2020; Rà soát lại trang thiết bị dạy ngoại ngữ tại các trường học thuộc đơn vị quản lý để có kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học cho các trường cho phù hợp; Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên dạy ngoại ngữ; Chỉ đạo các trường phối hợp chặt chẽ với các trung tâm dạy ngoại ngữ liên kết trong việc quản lý giáo viên, nội dung chương trình và tổ chức các sân chơi tích cực, nâng cao sự yêu thích và hiểu biết môn tiếng Anh trong học sinh; Chỉ đạo phòng chuyên môn tăng cường công tác thanh tra kiểm tra hoạt động của các trung tâm thực hiện liên kết trên địa bàn, kiểm tra việc giảng dạy của giáo viên; có kế hoạch nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh giáo án, băng đĩa giảng dạy để học sinh dễ tiếp thu, yêu thích môn học. Có quy định về mức thu học phí các chương trình liên kết đối với các trường mầm non, Tiểu học, THCS đang thực hiện dạy và học ngoại ngữ liên kết theo hai đối tượng đại trà và chất lượng cao, tạo sự thống nhất trong toàn hệ thống giáo dục trên địa bàn.

Văn Chiến


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t