Ông Tầng làm khuyến học (16:17 22/12/2009)


HNP - Nước da đỏ au, dáng dấp nhanh nhẹn, tinh anh khiến người lần đầu gặp, không ngờ rằng: ông đã ngoài 80. Tên của ông được biết đến khắp vùng Xuân Khanh - không chỉ bởi ông là một người khá giả, có 3, 4 căn nhà nằm ở ngã ba trung tâm phường mà còn vì: Ông là một người hết mình tham gia các hoạt động xã hội, dám lấy tấc lòng mình chia sẻ cho người nghèo, người tàn tật, việc mà không phải người giàu có nào cũng làm được...

Tên ông là Phạm Thọ Tầng, ngụ tại phường Xuân Khanh (Sơn Tây) - một chiến sĩ Điện Biên năm xưa, giờ đang sống bằng lương hưu và tiền bốc thuốc nam chữa bệnh.
Giám đốc về phường làm… từ thiện
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc về quãng đời công tác sôi động của ông Tầng, người đã đi khắp mọi miền trong cả nước, cống hiến sức lực, trí tuệ của mình ở nhiều vùng đất lịch sử. Tham gia chiến đấu trong Sư đoàn 312 ở trận địa Điện Biên máu lửa, góp công xây dựng nhiều mảnh đất bị địch tàn phá sau ngày giải phóng (Quảng Bình - Vĩnh Linh), rồi làm thuốc chữa bệnh… mỗi khi hoàn thành công tác, ông lại lên đường, nhận nhiệm vụ mới mà Đảng và Nhà nước giao phó. Được nghỉ ngơi sau gần 10 năm làm Giám đốc Viện Điều dưỡng thuộc Bộ Nông nghiệp, ông về hưu mà không ngờ rằng phần đời sau này của mình cũng sôi nổi và có ích không kém khi còn công tác.
Chưa đầy một năm sau khi nghỉ hưu, ông Tầng vỡ đất đồi, trồng cây thuốc Nam, mở phòng khám bệnh - nghề gắn bó gần như suốt cuộc đời ông. Song có lẽ cả một đời hoạt động đầy nhiệt huyết khiến ông cảm thấy không chịu nổi cảnh suốt ngày quanh quẩn một góc phòng vắng lặng, ông tình nguyện tham gia vào Hội Chữ thập đỏ của phường, lấy công tác xã hội làm vui. Gặp gỡ các cháu nhỏ trong phường, cụ Tầng và các cụ khác trong Hội không khỏi đau lòng khi biết có những em nhỏ kém may mắn, sinh ra trên đời đã bị tàn tật, thiểu năng trí tuệ, bại liệt bẩm sinh… gia đìh phần đông lại túng thiếu, đói ăn. Ông thấy mình cần phải làm một việc gì đó để giúp đỡ các em. Trăn trở rất nhiều ngày, cuối cùng ông Tầng đã có được quyết định của mình.
Một ngày, ở ngã ba trung tâm phường Xuân Khanh, xuất hiện một kiốt bán hàng tạp hoá, bánh kẹo, bia, nước ngọt… và đủ thứ linh tinh khác. Người đầu tư, không ai khác chính là ông Phạm Thọ Tầng, ông già bán thuốc. Bỏ ra số tiền gần 20 triệu đồng mở cửa hàng những tưởng ông định kiếm thêm thu nhập cho gia đình, mà không phải. Khi biết được sự thật, nhiều người dân trong phường đã rất ngạc nhiên và cảm động. Ông Tầng thuê thanh niên trong địa phương bán hàng, lấy lãi suất hàng tháng, mua gạo, chia cho các gia đình có trẻ tật nguyền trong phường Xuân Khanh. Gạo được đích thân ông Tầng chia vào ngày 30 cuối tháng, mỗi cháu 10kg. Ngoài tiền công thuê người bán hàng phải trả ra hàng tháng, tháng nào không đủ tiền mua số gạo cần chia, ông Tầng lại trích tiền lương phụ thêm vào. Một năm có 12 tháng, trong suốt ba năm, có 36 lần, người nhà các em nhỏ tật nguyền lại đến phòng bốc thuốc của ông Tầng lĩnh… gạo. Nhiều người thắc mắc: “Sao cụ không cho thẳng tiền luôn, khỏi phải vất vả thuê người buôn bán, lỗ lãi bấp bênh?” Ông Tầng cả cười: Tôi muốn họ (gia đình trẻ tàn tật) chủ động khi nhận hỗ trợ, tôi cho gạo, họ phải lo đồ ăn, thức uống. Nếu giao tiền cho họ, sẵn đấy họ lại tiêu thì chẳng mấy mà hết, không khéo bọn trẻ vẫn đói.
Việc làm kỳ lạ nhưng đầy tình nghĩa ấy của ông Tầng không biết sẽ còn được kéo dài đến bao lâu nếu như không có chế độ trợ cấp từ phía nhà nước cho trẻ tật nguyền. Chỉ biết rằng sau này, hơn mười cháu nhỏ ở phường Xuân Khanh từng được ông Tầng chia sẻ, động viên lúc đói nghèo, bệnh tật đã có được cuộc sống ổn định, vững bước trưởng thành. Có những em như em Đinh Công Bình, bị bại liệt bẩm sinh, được đi học nghề điện tại Trường Kỹ nghệ I, về mở cửa hàng sửa chữa ti vi tại nhà, giờ đã có vợ con, đời sống kinh tế khá. Nhiều em nhỏ khác được đến trường, không ít em là học sinh giỏi, học sinh tiên tiến. Nhiều năm trôi qua, kiốt bán hàng tạp hoá của ông Tầng trước kia, giờ đã được dỡ bỏ, thay thế bằng một con đường rộng. Ông Tầng cũng không nhớ nổi tên những gia đình ông đã giúp đỡ, song có lẽ không ai trong số họ có thể quên được ông già bán thuốc, chia gạo năm xưa.
Và biệt hiệu “ông… khuyến học”
Giải thể kiốt bán hàng của mình không được bao lâu, ông Tầng lại hăng hái tham gia vào Hội Khuyến học. Là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho Hội, hoạt động nhiệt tình, ông được bà con trong phường yêu mến đặt cái tên “ông khuyến học”. Với một vẻ tự hào pha chút xấu hổ, ông Tầng thanh minh: “Số là hàng ngày tôi trông hàng thuốc ở đây, vào mỗi dịp thi cử, thấy các cháu học sinh ồ ạt kéo nhau ra Hà Nội ôn thi đại học, vừa cực nhọc, vừa tốn kém, tôi thương quá, nảy ra ý định ra Bộ GD-ĐT gặp người quen, mượn băng ông thi mang về mở tại nhà cho các cháu học ôn đỡ vất vả. Không mượn được băng, song tôi lại được các thấy hướng dẫn thành lập Hội Khuyến học ở phường mình, động viên, hỗ trợ cho các cháu học sinh học tập, đặc biệt là học sinh nghèo vượt khó”. Ngay sau đó, ông Tầng cùng với nhiều người khác, tâm huyết với sự học của địa phương, cùng tập trung vào việc xây dựng Hội. “Lúc đầu cũng gặp không ít khó khăn bởi người ta nghi ngờ tính khả thi của hình thức Hội” - ông Tầng chậm dãi kể - “may mà mọi người cùng kiên trì vận động, thuyết phục nên đã thành công”. Đó là vào những năm 1999-2000, khi mà phong trào khuyến học được phát động sâu rộng trong toàn phường Xuân Khanh. Từ các khu phố, phong trào xây dựng Quỹ khuyến học với sự tham gia của đông đảo các thành viên là các trưởng khu phố, đại diện các đoàn thể, bí thư chi bộ… tạo nên bầu không khí mới lạ, náo nức trong toàn phường. Ngoài phần thưởng của Hội dành cho học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó, các giáo viên tiêu biểu, các khu phố cũng có phần quà riêng cho các thành viên xuất sắc ở khu phố mình. Hoà chung không khí đó, trong những năm qua, ông Tầng luôn là 1 trong những người hưởng ứng nhiệt tình, đi đầu trong việc đóng góp xây dựng quỹ, mỗi năm ủng hộ số tiền từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng. Thêm vào đó, đã trở thành lệ thường, mỗi khi ở phường thiếu kinh phí tổ chức hoạt động nào đó cho trẻ nhỏ, ngỏ ý cùng ông, đều được ông vui vẻ ủng hộ từ 100-200 nghìn đồng.
Không ai đong đếm, tính toán sự nhiệt tình, lòng tốt của mỗi con người, đối với ông Tầng điều này càng trở nên vô nghĩa lý!
 


Thanh Thủy


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t