Ngành Y tế Thủ đô chủ động phòng, chống dịch bệnh (13:34 15/10/2018)


HNP - 3 loại bệnh hay gặp nhất trong mùa Đông Xuân là bệnh sởi, sốt xuất huyết và tay chân miệng, chính vì vậy, ngành Y tế Thủ đô luôn đặt nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh làm mục tiêu quan trọng và có những giải pháp kịp thời và hiệu quả.

Tiêm chủng đầy đủ để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả


Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 64.024 trường hợp sốt xuất huyết, 11 trường hợp tử vong; 53.529 trường hợp mắc chân tay miệng, 6 trường hợp tử vong. Đáng chú ý, số mắc sốt xuất huyết và chân tay miệng cao ở các tỉnh phía Nam. Riêng số ca mắc sởi tăng cao so với năm 2017 với gần 1.000 trường hợp mắc và đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong tại Hưng Yên.
 
Với Hà Nội, tính từ đầu năm đến nay, đã ghi nhận 398 trường hợp mắc sởi, 1.126 trường hợp sốt xuất huyết, 1.639 trường hợp mắc chân tay miệng. Các dịch bệnh khác, gồm có 64 trường hợp mắc ho gà, 13 trường hợp mắc liên cầu lợn, 8 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản; 3 trường hợp mắc dại, 2 trường hợp mắc viêm não mô cầu và 1 trường hợp mắc thương hàn. Đáng mừng là chưa ghi nhận các dịch bệnh nguy hiểm (Cúm A/H7N9, H5N1, tả, bại liệt…). 
 
Riêng về bệnh sởi, mặc dù số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2017, song, hiện tại các ca bệnh đều phân bố rải rác tại các xã, phường, thị trấn, chưa xuất hiện ổ dịch và chưa có bệnh nhân tử vong. Đa số đối tượng mắc là trẻ em chưa đến tuổi tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ mũi theo quy định. Sở Y tế Hà Nội khẳng định, dịch sởi vẫn trong tầm kiểm soát, các ca bệnh đều được phát hiện sớm và khoanh vùng xử lý kịp thời. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia dự báo, dịch sởi có thể tiếp tục gia tăng tại Hà Nội những tháng cuối năm 2018 và đầu năm 2019. Trong đó, vẫn còn khoảng 3%-5%/năm trẻ chưa được tiêm chủng vắc xin sởi và đây chính là đối tượng rất dễ mắc bệnh. Bên cạnh đó, hàng năm, thường xuyên có nhiều trẻ em, học sinh, sinh viên, người lao động các tỉnh, thành phố đến Hà Nội sinh sống, học tập và làm việc chưa được tiêm chủng đầy đủ sẽ tạo thành khối cảm thụ đủ lớn không có miễn dịch với bệnh sởi, qua đó sẽ thuận lợi cho vi rút sởi lây lan và gây dịch.
 
Đối với bệnh sốt xuất huyết, các ca bệnh giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2017, khoảng 96,4% và chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Nhưng sốt xuất huyết là bệnh lưu hành thường xuyên tại Hà Nội, trung bình, hàng năm ghi nhận khoảng 5.000 trường hợp mắc. Trong khi đó, các yếu tố nguy cơ để sốt xuất huyết phát sinh, phát triển thành dịch vẫn luôn tồn tại như tình trạng ô nhiễm môi trường với nhiều phế thải, phế liệu tồn đọng là nơi đẻ trứng; mật độ dân cư cao, nhiều nhà trọ, công trường xây dựng với điều kiện ăn, ở tạm bợ… là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. 
 
Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Thành phố và Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã đã thường xuyên cử cán bộ Y tế vào các bệnh viện được phân cấp trên địa bàn (kể cả bệnh viện tuyến trung ương) giám sát các ca bệnh truyền nhiễm (tần suất tối thiểu 2-3 lần/tuần), khi phát hiện có người mắc bệnh, kịp thời khoanh vùng, điều tra xử lý dịch tại cộng đồng theo đúng quy định. Công tác kiểm dịch Y tế được thực hiện nghiêm ngặt, đúng quy định nhằm đảm bảo không để dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam. 
 
Từ cuối năm 2017, trước nguy cơ dịch sởi gia tăng, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành tổ chức rà soát, tiêm vét vắc xin sởi cho trẻ từ đủ 9 tháng đến dưới 5 tuổi. Kết quả tiêm sởi mũi 1 đạt 98,6%, tiêm sởi mũi 2 đạt 97,4% góp phần khống chế sự bùng phát và lây lan của bệnh sởi trong cộng đồng. Bên cạnh đó, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận với các loại vắc xin phòng bệnh, ngành Y tế đã chỉ đạo, từ tháng 1/2018, các đơn vị tổ chức tiêm chủng theo tuần tại 584 xã, phường, thị trấn. Cho tới nay, công tác trên đã đi vào thường xuyên và được triển khai thực hiện tốt tại tất cả các trạm y tế xã, phường, thị trấn. Mặt khác, ngành y tế cũng tiến hành phân luồng các cơ sở khám chữa bệnh, phân loại bệnh nhân tại các khoa khám bệnh; tổ chức khu vực cách ly, bố trí buồng cách ly sẵn sàng cấp cứu điều trị kịp thời khi có bệnh nhân mắc dịch bệnh và đảm bảo đầy đủ cơ số cấp cứu, điều trị trong trường hợp dịch bệnh bùng phát trên địa bàn. 
 
Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về công tác giám sát, chẩn đoán, điều trị các loại dịch bệnh, đặc biệt là bệnh sởi, tay chân miệng, dại, sốt xuất huyết. Rà soát và tập huấn kiến thức cho 65 đội phòng, chống dịch cơ động (5 đội của Trung tâm Y tế dự phòng và 60 đội của Trung tâm y tế thuộc 30 quận, huyện, thị xã), có kế hoạch bổ sung đầy đủ trang thiết bị phòng, hộ, trang thiết bị y tế, hóa chất… sẵn sàng triển khai bao vây, khoanh vùng, xử lý ổ dịch. Đặc biệt, tổ chức phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, khử khuẩn phòng, chống bệnh chân tay miệng, sốt xuất huyết và các dịch bệnh mùa hè. Đồng thời, ký cam kết giữa Sở Y tế và UBND 30 quận, huyện, thị xã về việc phối hợp triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cùng nhiều hoạt động ý nghĩa khác nhằm tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống dịch bệnh thời gian vừa qua...

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t